Có dịp cùng đoàn cán bộ Quận ủy Thanh Xuân (Hà Nội) đến thăm Đại tá, cựu chiến binh Dương Niết ở phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân (Hà Nội), qua hồi tưởng của ông, một thời quân ngũ hào hùng như hiện ra trước mắt chúng tôi.
Dương Niết sinh năm 1934, quê ở xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ (trước đây là xã Quang Vinh, huyện Quỳnh Côi), tỉnh Thái Bình; tham gia hoạt động cách mạng từ khi 15 tuổi; 16 tuổi đã là chiến sĩ quân báo huyện Quỳnh Côi; 19 tuổi nhập ngũ, làm chiến sĩ Điện Biên và vinh dự có mặt trong đội hình được Bác Hồ chọn về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954.
Lãnh đạo Quận ủy Thanh Xuân (Hà Nội) thăm Đại tá Dương Niết tại nhà riêng, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: BẢO VI |
Đầu năm 1953, khi đang hoạt động cách mạng tại địa phương, Dương Niết trốn nhà đi đăng ký tuyển quân để được vào Quân đội. Sau thời gian huấn luyện tại Thanh Hóa, tháng 12-1953, Dương Niết nhận lệnh cùng đơn vị hành quân lên Điện Biên. Sau gần 50 ngày đêm hành quân, đơn vị của Dương Niết tới địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên).
Tại đây, chiến sĩ Dương Niết cùng đồng đội mở con đường dài 82km để đưa pháo từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ mở đường hoàn thành thì Dương Niết được bổ sung về Đại đội 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, cùng đồng đội tham gia trận đánh cuối cùng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng, tháng 10-1954, ông vinh dự là một trong số 214 chiến sĩ tiêu biểu của Tiểu đoàn Bình Ca được Bác Hồ giao nhiệm vụ có mặt sớm nhất ở Hà Nội chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô.
“Tháng 9-1954, Đại đoàn 308 vinh dự được Bác Hồ giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ vào trước các vị trí binh lính Pháp đang đóng quân ở Hà Nội để bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại. 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 19 đến 22 vinh dự được Bác Hồ lựa chọn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt đó. Chiều 9-10-1954, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa. Ngày 10-10-1954 là ngày hội lịch sử của toàn dân tộc-Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng”, Đại tá Dương Niết nhớ lại.
Khi được hỏi về cảm xúc của 70 năm trước đây, Đại tá Dương Niết bộc bạch: “Chúng tôi cảm nhận rất rõ về khao khát hòa bình, tự do, trong niềm vui vô bờ bến. Âm mưu của những kẻ bại trận lúc đó trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang. Chúng tôi thì bằng mọi giá phải chặn đứng âm mưu này. Phương thức đấu tranh khi đó phải tránh nổ súng. Lúc đó, chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu hoàn toàn mới so với cuộc chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ được nhân dân và giữ lại tài sản, không để địch phá hoại hoặc lấy đi. Sau khi tiếp quản, hệ thống điện, nước của Thủ đô vẫn hoạt động; mọi sinh hoạt, hoạt động của thành phố vẫn diễn ra bình thường”.
Sau khi tham gia tiếp quản Thủ đô, Dương Niết tiếp tục tham gia nhiều nhiệm vụ, có mặt trong nhiều trận đánh trên nhiều cương vị khác nhau cho đến ngày đất nước được hoàn toàn độc lập. Từ một thanh niên yêu nước "trốn nhà" đi bộ đội, đến khi nghỉ hưu ông mang quân hàm Đại tá, với chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không-Không quân).
Theo qdnd.vn