Quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng

Chủ nhật, 06.10.2024 | 14:36:11
321 lượt xem

Bác Hồ đã căn dặn các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trong buổi trò chuyện thân mật ngày 19-9-1954 trước khi đơn vị vào tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tiếp quản thành công Thủ đô Hà Nội…

Trước khi vào tiếp quản Thủ đô, ngày 19-9-1954, tại Đền Giếng trong Khu Di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong có vinh dự được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ: “Tiếp quản Thủ đô phải thận trọng, chu đáo; tổ chức và kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: Kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ và chiến sĩ ta còn có những nhận thức và việc làm sơ hở thiếu sót; phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều”[1]. Đồng thời, Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở Quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”[2]. 

Quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Giếng, ngày 19-9-1954. Ảnh: Hochiminh.vn 

Thực hiện lời dạy của Bác và thi hành các thỏa thuận đã ký kết, sáng ngày 10-10-1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... từ năm cửa ô, với quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ” lấp lánh trên ngực, lưỡi lê tuốt trần đứng trên các xe ô tô sơn màu xanh rêu, cánh cửa in phù hiệu cờ đỏ sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô Hà Nội trong niềm vui, phấn khởi chào đón của nhân dân thành phố. 

Hướng Tây Bắc theo đường số 1A, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu cùng đoàn cán bộ Thủ đô từ Quần Ngựa theo Kim Mã, tiến qua các phố Hàng Giầy, Hàng Bông, Hàng Gai đến Hàng Ngang, Hàng Đào rồi tiến vào Thành Hà Nội qua các đường Phan Đình Phùng, Cửa Bắc.

Hướng Đông Nam theo đường số 1A, Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88 do Trung đoàn trưởng Hồng Sơn (Trung đoàn 36) và Chính ủy Đặng Quốc Bảo (Trung đoàn 88) chỉ huy từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, chợ Hôm đến hồ Hoàn Kiếm, tập kết ở khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.

Quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng

Các chiến sĩ Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88 tiến qua Bạch Mai, phố Huế…vào tiếp quản Thủ đô sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu TTXVN 

Hướng Tây Nam, đoàn chỉ huy tiếp quản gồm đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố cùng Bộ tư lệnh Đại đoàn 308 ngồi trên 100 chiếc xe ô tô từ Bạch Mai qua ngã tư Vọng, chia thành hai cánh. Cánh thứ nhất, theo đường cầu Đổ sang ngã tư Trung Hiền đến Ô Cầu Dền, phố Huế, Hàng Bài rồi hội quân với các cánh quân Tây Bắc, Đông Nam ở Bờ Hồ. Cánh thứ hai, theo đường Nhà thương Robin lên Ô Đồng Lâm (Kim Liên) đến Hàng Lọng (đường Nam Bộ) hợp quân với cánh tiến từ Cầu Giấy vào Cửa Nam rồi tiến theo đường Hàng Bông, Hàng Gai hợp quân ở Bờ Hồ. Bộ tư lệnh Đại đoàn 350 cùng hai Trung đoàn 254 và 33 hành quân từ Giáp Bát qua ngã tư Vọng vào sân bay Bạch Mai rồi triển khai làm nhiệm vụ bảo vệ Thành phố.

Cả TP Hà Nội rạo rực trong niềm vui hân hoan giải phóng, sau nhiều năm sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, người dân Hà Nội lại mới có một ngày hội lớn, tưng bừng, đầy phấn khởi của ngày trở về với độc lập, tự do. 15 giờ ngày 10-10-1954, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên hồi dài, cả Hà Nội hướng về khu Cột Cờ chờ đón giây phút lịch sử. Lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc được Anh hùng Nguyễn Quốc Trị kéo lên tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính, trang nghiêm. Sau khi đoàn quân nhạc cử bài “Tiến quân ca”, đồng chí Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban quân quản Thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó căn dặn quân và dân Hà Nội phấn đấu xây dựng: “Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”[3].

Công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội được các đơn vị tiến hành một cách nhanh, gọn, an toàn, các doanh trại của quân đội Pháp, 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học được thu hồi nguyên vẹn. Sinh hoạt của nhân dân nhanh chóng được ổn định, trật tự trị an được đảm bảo; thông tin liên lạc và các hoạt động công cộng được giữ vững.

Quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng
Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Tiếp quản Thủ đô Hà Nội thành công còn là nguồn động viên, cổ vũ nhân dân cả nước đẩy mạnh phong trào đấu tranh, buộc đối phương phải chấp hành những nội dung đã được ký kết ở Hội nghị Geneva. 

… và giải phóng toàn miền Bắc

Dưới sự chỉ đạo của Khu Tả Ngạn, ngày 29-10-1954, bộ đội ta tiếp quản thị trấn Cẩm Giàng, thị trấn Kẻ Sặt. 6 giờ ngày 30-10, tiếp quản các vị trí của địch trên Đường số 5, Đường số 17, tổ chức lực lượng giữ gìn trật tự an ninh, sau đó từ hai hướng Tây và Nam, Trung đoàn 42, Trung đoàn 50 và các đơn vị bộ đội tỉnh tiến vào thị xã Hải Dương. 15 giờ ngày 30-10-1954, hơn 20.000 bộ đội, cán bộ và các tầng lớp nhân thị xã Hải Dương làm lễ mít tinh chào mừng thị xã và tỉnh Hải Dương được giải phóng. 

Hải Phòng ở miền Bắc và Quy Nhơn ở miền Nam, là hai điểm tập kết 300 ngày, nơi rút quân cuối cùng của quân đội Liên hiệp Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tổng Tham mưu được lệnh dự kiến kế hoạch đề phòng trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra ở miền Bắc cũng như kế hoạch đối phó với khu vực đóng quân của ta còn ở Liên khu 5. Đại đoàn 312 được lệnh cử cán bộ nghiên cứu tình hình thực tế khu vực Hải Phòng và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, nếu quân Pháp không chịu rút quân; kế hoạch tác chiến đã được Bộ Tổng tư lệnh chuẩn y vào ngày 16-4-1955. 

Đối với Liên khu 5, để lực lượng đủ bảo đảm giữ khu vực còn lại và nhanh chóng khôi phục vùng giải phóng cũ, những lực lượng khác nhanh chóng tập kết ra miền Bắc theo quy định của hiệp định. Cục Quân báo được lệnh đưa hai đại đội trinh sát theo dõi, bám sát hoạt động của địch ở khu vực Hải Phòng và cử thêm cán bộ vào Liên khu 5 bám sát tình hình để kịp thời xử trí. Trung ương cũng chỉ đạo Hải Phòng phát động quần chúng, công nhân đấu tranh chống hành động phá hoại của địch cũng như tranh thủ trao đổi với phía Pháp về hoạt động kinh tế, văn hóa nhằm duy trì mọi hoạt động bình thường sau khi tiếp quản. 

Theo chỉ thị của Ban Chỉ đạo khu vực 300 ngày và Thành ủy Hải Phòng, ngày 13-5-1955, các đơn vị tiến quân vào nội thành Hải Phòng. Trung đoàn 48 (Đại đoàn 320) tiến quân theo đường số 10 qua cầu Niệm, cầu Rào vào triển khai lực lượng ở khu vực cảng. Trung đoàn 42 theo Đường số 5 vượt qua cửa ô phía Tây Bắc thành phố, triển khai lực lượng tiếp quản khu vực các nhà máy tơ, cá hộp, Nhà ga, Nhà băng Năm sao, Ngã sáu, Khu Hải quân, Nhà máy Oxygen, Chùa Đỏ. Trung đoàn 53 vào tiếp quản khu Pháo thủ, Trường Kỹ nghệ, khu vực từ cầu Hạ Lý đến sông Tam Bạc. 

Cùng với các cánh quân tiến vào Thành phố, Ban Chỉ đạo khu vực 300 ngày, Ủy ban quân chính Thành phố, Bộ tư lệnh khu Tả Ngạn và đoàn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu tiến vào trung tâm Thành phố trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng vạn đồng bào. 15 giờ 20 phút ngày 13-5, tàu Djiring Bordeaux chở những binh lính Pháp cuối cùng rời bến cảng, chính thức chấm dứt sự chiếm đóng của quân Pháp đối với TP Hải Phòng. Cùng thời điểm này, ca nô treo cờ đỏ sao vàng thực hiện phiên tuần tra đầu tiên trên bến cảng.

Quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng

Bộ đội ta vào tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955. Ảnh tư liệu TTXVN 

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Bộ tư lệnh Liên khu III, Khu Tả Ngạn và các ban chỉ đạo khu vực 80 ngày, 100 ngày, 300 ngày, quân và dân ta nêu cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại các âm mưu phá hoại của kẻ thù, buộc thực dân Pháp và các thế lực phản động phải thi hành các điều khoản đã được quy định trong nội dung Hiệp định Geneva, rút quân khỏi các khu vực theo đúng quy định. Toàn miền Bắc được giải phóng, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của thực dân Pháp. Đây là thắng lợi quan trọng trong cuộc đấu tranh yêu cầu đối phương thực thi đúng quy định của Hiệp định Geneva. 

Thực hiện thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù phải đối đầu với tên đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc có lực lượng quân sự hàng đầu thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, anh dũng chiến đấu, mưu trí, sáng tạo, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng” đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, cùng nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh bại ý chí xâm lược của đối phương; đánh bại nỗ lực cao nhất của kẻ thù, làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội (12-1972); tiến hành Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viết lên trang sử hào hùng, oanh liệt của thời đại Hồ Chí Minh. 

Quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu 

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Bước vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất... Tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. 

Mỗi chiến công, mỗi thành tựu của Quân đội nhân dân Việt Nam là sự kết tinh của nhiều yếu tố. Đó là sự lãnh đạo của Đảng, là thực hiện theo tư tưởng của Bác, là sự đóng góp của nhân dân, sự phấn đấu hy sinh, quên mình, anh dũng, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ... đã đi vào lịch sử dân tộc như bản hùng ca bất hủ, biểu tượng sáng ngời ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, để lại những kinh nghiệm sâu sắc về tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, về xây dựng lực lượng, phương pháp tiến hành và nghệ thuật quân sự phát huy sức mạnh tổng hợp trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. 

Lời căn dặn của Bác không chỉ nói với Đại đoàn Quân Tiên Phong mà còn nói với toàn quân, toàn dân ta, không chỉ nói với thế hệ năm xưa mà còn nói với thế hệ hôm nay và cả với các thế hệ mai sau, như một mệnh lệnh vang vọng ngàn năm, trường tồn cùng với đất nước, với dân tộc Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.           

Thiếu tá, ThS TRẦN QUỐC DŨNG (Viện Lịch sử Quân sự)

[1] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919-1969), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.394.

[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919-1969), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.395.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.tr. 79, 80.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/quan-doi-khong-vi-hoa-binh-ma-loi-long-tay-sung-797527

  • Từ khóa