Ngay sau khi ra đời ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị, lập các đội tự vệ, đội du kích, thực hiện khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Ngày 28-3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) đã thông qua “Nghị quyết về Đội Tự vệ”. Ngày “Nghị quyết về Đội Tự vệ” ra đời được coi là ngày thành lập dân quân tự vệ (DQTV) và là ngày truyền thống của DQTV. Trải qua 85 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, DQTV Việt Nam nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ DQTV nói riêng luôn một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, chiến đấu bám trụ kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong lao động, học tập, công tác, đã lập nhiều chiến công to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Qua các thời kỳ đã có 370 tập thể và 284 cá nhân là cán bộ, chiến sĩ DQTV được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2015, DQTV Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức to lớn. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức; xung đột và nguy cơ xung đột diễn ra ở nhiều nơi; tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp mới đã tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong nước, tình hình an ninh chính trị, xã hội cơ bản ổn định, kinh tế phát triển khá, quốc phòng, an ninh (QPAN), đối ngoại được củng cố, tăng cường, đời sống của nhân dân được nâng lên; vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta bằng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, trong đó có chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa" quân đội, hòng thực hiện mục tiêu chiến thắng mà không cần chiến tranh, xóa bỏ những thành quả mà Đảng và Nhân dân ta đã giành được; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, đình công, biểu tình, gây rối, bạo loạn còn xảy ra... đã trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến công tác quân sự, quốc phòng (QS, QP) nói chung, công tác DQTV nói riêng. Do vậy, nhiệm vụ xây dựng LLVT nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới, trong đó có DQTV là khâu cơ bản, then chốt, quan trọng trong công tác QS, QP địa phương của Đảng, Nhà nước. Để lực lượng DQTV đủ khả năng hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, trước hết cần phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác DQTV. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và phải được đặt trong các chương trình hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác QS, QP địa phương và công tác DQTV. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DQTV không chỉ thể hiện ở các chỉ thị, nghị quyết mà còn được thể hiện ở các nội dung, chương trình hành động cụ thể, gắn với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị, địa bàn, để tạo điều kiện cho DQTV hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo xây dựng, huấn luyện DQTV, làm cho DQTV thực sự vững mạnh về mọi mặt. Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội phải có trách nhiệm tham gia cùng cơ quan quân sự, thực hiện nhiệm vụ xây dựng DQTV đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng LLVT quần chúng trong giai đoạn mới.
Dân quân quận Ba Đình (TP Hà Nội) luyện tập lấy phần tử bắn cho khẩu đội súng cối. |
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác DQTV có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực toàn diện, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là công tác trọng tâm, khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng tổng hợp của DQTV. Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ DQTV càng phải được quan tâm một cách đầy đủ, chặt chẽ. Ngoài những yêu cầu chung về phẩm chất chính trị, đội ngũ cán bộ DQTV phải thực sự nắm vững những quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước về củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng ở địa phương; có trình độ hiểu biết về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QPAN, am hiểu tình hình địa bàn, cơ sở. Đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã phải được đào tạo cơ bản ngành quân sự cơ sở để nâng cao trình độ quân sự, chính trị và tác phong công tác, bảo đảm đủ khả năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ này cũng phải có đủ năng lực chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ như: Xây dựng lực lượng, huấn luyện, SSCĐ, phục vụ chiến đấu của DQTV; nhiệm vụ phòng thủ dân sự, xây dựng khu vực phòng thủ, giáo dục chính trị-pháp luật, giáo dục QPAN trong nhân dân; xây dựng lực lượng dự bị động viên; thực hiện chế độ, chính sách cho dân quân và chính sách hậu phương quân đội...
Tiếp tục xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, có sức mạnh tổng hợp cao, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Trong đó phải thường xuyên củng cố về tổ chức, biên chế phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm cho lực lượng DQTV ngày càng vững mạnh. Chú trọng xây dựng DQTV ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, đặc biệt là địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; dân quân thường trực và chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới đất liền, DQTV biển, đảo. Phải coi trọng tính rộng khắp trong phương châm xây dựng DQTV. Thực hiện ở đâu có dân, có tổ chức đảng, ở đó phải có DQTV; kiên quyết không để “vùng trắng” DQTV. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị-pháp luật cho các đối tượng DQTV nhằm giúp họ nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật để có đủ khả năng xử trí các tình huống và đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Chú trọng giáo dục chính trị-pháp luật cho dân quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, dân quân thường trực, dân quân cơ động. Coi trọng huấn luyện, diễn tập các phương án để phối hợp cùng các lực lượng xử trí kịp thời mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
DQTV phải nêu cao hơn nữa tinh thần sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc bảo vệ địa phương, cơ sở. Đồng thời phải chủ động phối hợp với quân đội, công an và các lực lượng khác liên quan trên địa bàn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, chế độ, chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước; bảo vệ các mục tiêu và công trình QPAN trên địa bàn; xung kích trong lao động, bảo vệ sản xuất, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai địch họa và các sự cố nghiêm trọng khác. Vận động nhân dân tích cực chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển KT-XH; xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện.
Quá trình xây dựng DQTV phải gắn chặt với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở địa phương, cơ sở. Để thực hiện tốt xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, trước hết phải xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở phải gắn với phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
85 năm qua là một chặng đường lịch sử oanh liệt của DQTV. Trong thời kỳ mới, có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ DQTV phải luôn nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí chiến lược của DQTV trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thiếu tướng PHẠM QUANG NGÂN (Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu)/qdnd.vn