Tạo sức sống cho du lịch sông nước

Chủ nhật, 06.08.2023 | 14:30:08
212 lượt xem

Sau Lễ hội sông nước, TP HCM cần tiếp tục duy trì những hoạt động tương tự cũng như có các chương trình kích cầu hiệu quả để sản phẩm du lịch đường sông trở nên quen thuộc với du khách

Ngày 4-8, Lễ hội sông nước TP HCM lần đầu tiên được tổ chức đã chính thức khai mạc. Lễ hội gồm chuỗi các hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao đặc sắc cùng nhiều chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn phục vụ người dân và du khách.

Tấp nập "trên bến dưới thuyền"

Trong khuôn khổ lễ hội, không gian "Trên bến dưới thuyền" quận 1 tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Bến thủy nội đô quận 1, gần cầu Thị Nghè) chính thức được đưa vào phục vụ du khách.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều người dân từ các nơi trong thành phố, có cả khách du lịch trong nước và quốc tế dừng chân tham quan khu vực này. Ở đây có khoảng 20 gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của TP HCM và các hoạt động nghệ thuật như nặn tò he, thư pháp... Trong khi đó, không gian dưới thuyền trưng bày trái cây vùng miền, tổ chức chương trình nghệ thuật như đờn ca tài tử, hát dân ca, chơi nhạc acoustic.

Dịp này, một không gian "Trên bến dưới thuyền" cũng mở cửa đón khách là khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, phường 13, quận 8.

Bà Nguyễn Thị Phụng (ngụ phường Tân Định, quận 1) cùng người thân đi dạo ở không gian "Trên bến dưới thuyền" quận 1, cho hay bà từng đi buýt đường sông ngắm cảnh thành phố từ sông Sài Gòn, ăn tối trên tàu du lịch và nhận thấy TP HCM có tiềm năng rất lớn để khai thác mảng du lịch này.

Tạo sức sống cho du lịch sông nước - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải dự lễ khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ nhất vào sáng 4-8Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết "Trên bến dưới thuyền" là không gian giao thương đặc trưng của vùng sông nước và một đô thị lớn như TP HCM sở hữu với gần 1.000 km đường sông. Nay không gian này được tái hiện nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa - lịch sử, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, từ đó thu hút du khách trong và ngoài nước đến TP; đồng thời hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Trong khuôn khổ lễ hội, các hoạt động thể thao dưới nước như diễu hành ván phản lực; đua, biểu diễn thuyền truyền thống, thuyền kayak du lịch, thuyền SUP, thuyền buồm; biểu diễn fly board… cũng diễn ra sôi nổi.

Phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội sông nước sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết các hoạt động "Trên bến dưới thuyền" không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là nếp sống, văn hóa, di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.

"Lễ hội cũng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn nhằm hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Liên kết để có nhiều sản phẩm du lịch đường sông

Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, nhận định tiềm năng du lịch sông nước của TP HCM là hiển nhiên và ai cũng thấy, quan trọng là làm sao tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách. Muốn vậy, cần sự liên kết giữa các DN du lịch, lữ hành cũng như không thể thiếu vai trò nhạc trưởng của cơ quan quản lý ngành du lịch.

"Nếu chỉ từng DN sẽ rất khó, vì khai thác du lịch "trên bến dưới thuyền" đòi hỏi cả các hoạt động dưới nước từ ghe, thuyền bán đặc sản vùng miền đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Trên bờ là các gian hàng, hoạt động du lịch khác đồng bộ để phục vụ du khách. Quan trọng nhất là những hoạt động này phải diễn ra liên tục, sau khi lễ hội kết thúc" - ông Dũng nói.

Thực tế, đã có những sản phẩm du lịch đường sông ra đời bởi sự kết hợp của DN du lịch và địa phương nhưng du khách cần nhiều hơn thế. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn (đơn vị khai thác sản phẩm du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), cho hay Công ty Thuyền Sài Gòn đã phối hợp với một số DN lữ hành khác cũng như chính quyền địa phương quận 1, 3 để tổ chức một số sản phẩm tour kết hợp "Trên bến dưới thuyền". Những mô hình này nếu được triển khai sẽ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Tiềm năng du lịch đường sông của TP HCM không thiếu, thậm chí nếu phát huy đúng tầm sẽ trở thành sản phẩm riêng và đặc sắc để thu hút khách du lịch. Ông Trần Tường Huy, Viện phó Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, cho rằng muốn tạo sức sống cho du lịch đường sông, sau khi có sản phẩm, cần kích cầu thường xuyên, liên tục để tạo thói quen và thu hút sự quan tâm của du khách.

"Du lịch TP HCM muốn phát triển mạnh mẽ, bứt phá thì đường sông phải là sản phẩm du lịch chủ lực, được đầu tư bài bản và khai thác hết các thế mạnh" - ông Trần Tường Huy đúc kết. 


Thái Phương/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/tao-suc-song-cho-du-lich-song-nuoc-20230804222250269.htm

  • Từ khóa