Những chiếc thuyền buồm gỗ biểu tượng cuối cùng trên vịnh Hạ Long sẽ bị loại bỏ hoàn toàn vào cuối năm nay.
Thuyền buồm gỗ là đại diện cho một trong những thiết kế đóng tàu thành công nhất trong lịch sử hàng hải thế giới.
Được các chuyên gia nhận xét là khéo léo, linh hoạt, những chiếc thuyền buồm gỗ đảm bảo sự ổn định trong những vùng biển dễ xảy ra lốc xoáy, cánh buồm cong giúp thuyền lướt nhanh trên mặt biển... và vẻ đẹp của chúng trên vùng biển vịnh Hạ Long là không thể chối cãi.
Một chiếc thuyền dài 27 mét lộng lẫy với bốn cabin có phòng tắm riêng và hai cánh buồm dài 12 mét, Cat Ba Imperial được đưa vào hoạt động vào cuối những năm 1990 (Ảnh: Ian Lloyd Neubauer).
Tuy nhiên, sau một số vụ tai nạn chết người và cháy, trong đó có thảm kịch năm 2011 cướp đi sinh mạng của 12 người khi một chiếc thuyền bị thủng đáy trên vịnh Hạ Long, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh đã công bố vào năm 2017 sẽ loại bỏ dần thuyền buồm trong vòng 5 năm. Thời hạn đã được gia hạn hai năm trong đại dịch và sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Với mong muốn tìm hiểu về những chiếc thuyền buồm gỗ của Việt Nam trước khi chúng biến mất, phóng viên Nikkei Asia của Nhật Bản đã đến vịnh Hạ Long để gặp ông Nguyễn Văn Cường, người sở hữu một đội tàu gỗ nhỏ.
Những chiếc thuyền buồm gỗ từng là một biểu tượng trên vịnh Hạ Long sẽ bị "khai tử" hoàn toàn vào cuối năm nay (Ảnh: Ian Lloyd Neubauer).
Từ những năm đầu 1990, ông Cường đã dự đoán du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, gây sự chú ý toàn cầu cho vùng biển đẹp này.
Nắm bắt được cơ hội, ông Cường đã sử dụng số tiền tiết kiệm cả đời của mình để đóng Cat Ba Imperial, một thuyền buồm gỗ lộng lẫy dài 27m với bốn cabin, có phòng tắm riêng và hai cánh buồm dài 12m.
"Các thuyền buồm của tôi được lấy cảm hứng từ những chiếc thuyền buồm nhỏ mà tôi đã đi đánh cá với ông nội khi còn bé, loại thuyền mà ngư dân ở vịnh Hạ Long vẫn sử dụng để tồn tại cho đến ngày nay", ông Cường nói khi đang lái xe ra khỏi Bến Bèo, một bến cảng ở góc đông nam của Cát Bà, hòn đảo lớn nhất trong vịnh.
"Chúng khác với thuyền buồm Trung Quốc. Thân của chúng có đáy phẳng vì nước ở vịnh Hạ Long rất yên tĩnh và hình chữ nhật mang lại nhiều không gian trên boong hơn so với thuyền cong của Trung Quốc", ông Cường cho biết.
Khách du lịch ngắm nhìn vịnh Hạ Long từ con thuyền buồm gỗ (Ảnh: Ian Lloyd Neubauer).
Biểu tượng của người Việt cổ được chạm khắc trên các mặt của Cat Ba Imperial (Ảnh: Ian Lloyd Neubauer).
Thoạt nhìn, Cat Ba Imperial đúng nghĩa là "đồ bỏ đi". Những mẩu sơn đang bong ra đây đó. Một số phần gỗ đã mục nát, trong khi có những vết rỉ sét trên lan can kim loại.
Tuy nhiên, bù lại, con tàu có những nét thủ công đẹp mắt. Những chiếc đèn bằng đồng thắp sáng boong tàu vào ban đêm, đồ gỗ thủ công trang trí trên mái hiên được chạm khắc trên khung cửa sổ và cửa cabin.
Ở đầu mũi tàu, một cầu thang tròn bằng gỗ tếch dẫn lên boong quan sát, nơi du khách nằm trên ghế tắm nắng và kinh ngạc ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên của vịnh Hạ Long mở ra trước mắt - những ngọn núi xanh màu ngọc bích, những cụm đỉnh hình nón và các tháp đá vôi bao phủ bởi rừng rậm trải dài...
Sau các vụ hỏa hoạn trên tàu du lịch vỏ gỗ hoán cải, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đưa ra lộ trình buộc dừng hoạt động loại tàu du lịch này.
Ông Nguyễn Đình Chương nói rằng sẽ rất buồn khi không còn thấy những chiếc thuyền buồm gỗ trên vùng biển vịnh Hạ Long (Ảnh: Ian Lloyd Neubauer).
Nhiều nơi trên thế giới có du thuyền bằng gỗ như Maldives, Indonesia, Tasmania và New Zealand, nhưng có lẽ không nơi nào có sự kết hợp giữa gỗ và nước "ăn ảnh" như thuyền buồm ở vịnh Hạ Long.
"Những chiếc thuyền bị chìm trước kia là do chúng được thiết kế tồi tệ. Các chủ sở hữu đã tham lam. Họ xây thêm hai hoặc đôi khi ba tầng trên boong thuyền để có nhiều cabin hơn. Nhưng thân tàu không đủ lớn để đỡ trọng lượng.
Tất cả chỉ cần một con sóng lớn là ngã xuống. Thuyền buồm đáy phẳng chỉ nên có một tầng, giống như thuyền của tôi. Đây sẽ là thế hệ thuyền buồm gỗ cuối cùng ở nơi này", ông Cường thổ lộ.
Ở trên bờ, phóng viên Nikkei Asia đã đến thăm xưởng đóng tàu nơi thuyền buồm Cat Ba Imperial được kéo lên khỏi mặt nước hai lần một năm để trùng tu. Anh Nguyễn Đình Chương, người đại diện xưởng nói: "Gia đình tôi đóng thuyền gỗ đã sáu, bảy đời rồi".
Lý giải vì sao thuyền buồm ở vịnh Hạ Long "mang tiếng xấu", anh Chương nói: "Đó là những chiếc thuyền du lịch rẻ tiền, không được bảo dưỡng thường xuyên và những người làm việc trên chúng chẳng biết gì về thuyền buồm.
Khi đám cháy bắt đầu hoặc thuyền bắt đầu tràn nước, họ không biết phải làm gì. Họ nhảy xuống biển để tự cứu mình. Họ bỏ mặc hành khách".
Phần còn lại của một chiếc thuyền buồm gỗ đã dừng hoạt động (Ảnh: Ian Lloyd Neubauer).
"Thật buồn khi thấy những chiếc thuyền buồm ra đi vì chúng là một phần truyền thống của gia đình chúng tôi", anh Chương xúc động.
Năm 2019, kỷ lục 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam và đội tàu của ông Cường đã tăng gấp bốn lần. Tuy vậy ,từ giờ cho đến cuối năm nay, ông Cường đành phải ngậm ngùi chia tay những chiếc thuyền đã gắn bó với ông hơn nửa đời người và là một biểu tượng trên vịnh Hạ Long, quê hương của ông.
Thanh Thúy