Mùa cao điểm du lịch quốc tế đang cận kề. Để thu hút hiệu quả nguồn khách đến Việt Nam, việc xây dựng và triển khai công tác xúc tiến, quảng bá đúng trọng tâm, trọng điểm được coi là nhiệm vụ quan trọng, cần quan tâm hàng đầu.
Trong ảnh: Du khách quốc tế tìm hiểu thông tin du lịch Hà Nội. (Ảnh THANH HÀ)
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đây là thời điểm ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thu hút khách quốc tế.
Ngày 15/8, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với những điều chỉnh về thị thực theo hướng cởi mở hơn đã khởi động một lộ trình thông thoáng để Việt Nam rộng cửa đón khách.
Nhằm tạo đột phá cho phát triển du lịch, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đây được coi là những chính sách mang tính động lực, tạo đòn bẩy mạnh mẽ để du lịch Việt Nam có những bước tiến dài, nhất là khi lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch nước ta thời gian qua không ngừng tăng, và chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam đạt mức độ cải thiện xếp hạng cao hàng đầu thế giới (năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể tận dụng lợi thế từ những quyết sách này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường khả năng thu hút khách, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều việc cần làm. Trong đó, bên cạnh yêu cầu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc kích thích khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, cần đặc biệt quan tâm tới công tác xúc tiến, quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm.
Đây cũng là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 124/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh truyền thông tại các thị trường khách du lịch quốc tế về chính sách thị thực mới của Việt Nam; chú trọng các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm, có lượng khách lớn, nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh...; phát triển thị trường du lịch Halal; tập trung chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm du lịch quốc tế bắt đầu từ tháng 9; đẩy mạnh xúc tiến du lịch bài bản, hiệu quả hơn.
Bộ cũng cần phối hợp Bộ Ngoại giao thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa; xây dựng các chương trình văn hóa lồng ghép trong các hoạt động ngoại giao để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và uy tín trong khu vực và thế giới.
Chia sẻ tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch là thực hiện Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Bộ phê duyệt theo Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2023.
Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, chiến lược đưa ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, như: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn; tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực marketing du lịch…
Chiến lược đã khẳng định sự cần thiết của việc hình thành các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt, xem xét tranh thủ nguồn lực của khu vực tư nhân hoặc thành lập đại diện xúc tiến du lịch thông qua cơ chế hợp đồng, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại.
Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp tăng cường hiệu quả xúc tiến, quảng bá ở các thị trường trọng điểm quốc tế, cũng là mong mỏi đã lâu của các doanh nghiệp du lịch và toàn ngành du lịch.
Theo ông Hà Văn Siêu, Chiến lược là cơ sở đặt nền tảng định hướng cho hàng loạt chương trình hành động của ngành thời gian tới, đặc biệt là trong xây dựng và triển khai các chiến dịch marketing du lịch theo các thị trường trọng điểm (Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nga, Australia...), theo các loại hình sản phẩm du lịch có thế mạnh, tiềm năng (các sản phẩm cao cấp, chất lượng, du lịch golf, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, MICE...), hay các hoạt động liên kết marketing du lịch vùng…
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, lâu nay các địa phương vẫn đang triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch riêng lẻ trên các kênh truyền thông quốc tế, dẫn đến sự không thống nhất, tính hiệu quả chưa cao.
Vì thế, ông Minh đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, mà Bộ là cơ quan chủ trì, kết nối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung vào các nội dung: xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn (CNN, CNBC, BBC…) để có chương trình tuyên truyền, quảng bá tổng thể du lịch Việt Nam; phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động du lịch (Michellin, WTA, Netflix…) để định vị thương hiệu dịch vụ du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Bùi Văn Mạnh cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá chung tại các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; tổ chức tốt việc kết nối vùng, liên vùng để phát triển và quảng bá sản phẩm, thương hiệu điểm đến; đẩy mạnh kết nối nền tảng số của các tỉnh với cả nước; tập huấn đào tạo về marketing số… nhằm truyền thông du lịch đồng bộ, hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng quảng bá, xúc tiến du lịch, nhiều doanh nghiệp, địa phương đang kỳ vọng việc phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, việc thành lập và đi vào hoạt động của Quỹ đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu quảng bá du lịch quốc gia cũng như hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Tuy nhiên, xúc tiến quảng bá là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự liên kết hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương và doanh nghiệp du lịch. Vì thế, để đáp ứng những yêu cầu xúc tiến, quảng bá du lịch trong giai đoạn mới, cần sự chung tay góp sức của các địa phương, nhất là các doanh nghiệp trong xây dựng và triển khai những chương trình chuyên nghiệp, bài bản hơn, đem lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng muốn thu hút khách quốc tế, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực để bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ; chú trọng công tác quản lý điểm đến ở các địa phương, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch lớn, giúp du khách đến Việt Nam có được những trải nghiệm đúng như kỳ vọng.
Việt Nam cần triển khai công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đúng trọng tâm, trọng điểm để thu hút khách quốc tế.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/day-manh-xuc-tien-quang-ba-de-thu-hut-khach-quoc-te-mua-cao-diem-post768690.html