Thu hút dòng khách đến từ thị trường Ấn Độ và các quốc gia Hồi giáo tới Việt Nam trong thời gian tới là một trong những biện pháp để du lịch Việt Nam tăng tính cạnh tranh, đẩy nhanh phục hồi hậu Covid-19.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Ban tổ chức)
Ngày 12/9, tại thành phố Hạ Long, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo (Du lịch Halal) đến Quảng Ninh”.
Những thách thức khi hút khách Hồi giáo và Ấn Độ đến Việt Nam
Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỷ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới. Riêng khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu người Hồi giáo. Du khách Hồi giáo là đối tượng rất thích đi du lịch và là nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới.
Báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu cho thấy, những năm gần đây số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt. Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021 tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, dự báo khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỉ USD.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, đối với thị trường du lịch Việt Nam, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến nước ta còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 (những khách du lịch Hồi giáo đầu tiên đến Thành phố Hồ Chí Minh) cho đến trước dịch Covid-19, Việt Nam mới đón được khoảng gần một triệu du khách.
Chỉ ra những khó khăn trong việc hút khách Hồi giáo đến Việt Nam, người đứng đầu Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ: “Hiện nay, du lịch Hồi giáo ở nước ta chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều”.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Sân bay trên cả nước chỉ có một phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo và khu ẩm thực Halal được ra đời tại sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, nơi này không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi mà chỉ dành cho 70 khách VIP hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo.
“Con số này chiếm tỉ lệ tương đối ít so với hàng ngàn du khách Hồi giáo mỗi ngày qua lại”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có ba thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện. Ở các khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả khu vực Tây Nguyên như Đà Lạt, nhà hàng Halal và phòng cầu nguyện dường như chưa có, chỉ trừ một số ít thánh đường Hồi giáo mà khách du lịch có thể nhận được sự phục vụ.
Đoàn khách du lịch Ấn Độ trải nghiệm biểu diễn nghệ thuật chế biến ẩm thực Halal. (Ảnh: quangninh.gov.vn) |
Là công ty có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xác thực và cung cấp chứng nhận Halal, Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho biết, qua khảo sát thực tế, công ty cho biết thách thức hiện nay của du lịch Việt Nam là xây dựng niềm tin về một điểm đến an toàn và có sự chuẩn bị sản phẩm cho đối tượng khách du lịch Hồi giáo. Trong đó, điều cốt lõi chính là cung cấp thực phẩm Halal.
Hiện nay các cơ sở lưu trú hay nhà hàng đạt chuẩn Halal chưa được cung cấp phổ biến, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa hiểu rõ về Halal, vẫn tồn tại một số nhà hàng tự phong Halal nhưng thực tế chưa được cơ quan thẩm quyền hay đơn vị đại diện tôn giáo Hồi Giáo kiểm duyệt. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín và độ tin cậy của du khách Hồi giáo.
Bên cạnh đó nhiều nơi công cộng như sân bay, các trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí lớn như Bà Nà Hill, Vinpearl, Fansipan… chưa đầu tư xây dựng phòng cầu nguyện dành cho du khách Hồi giáo.
Trong khi đó hiện nhiều nước trong khu vực đã đặt tầm quan trọng đối với phân khúc du lịch Hồi giáo và xây dựng chiến lược thu hút thị trường du lịch Hồi giáo. Điển hình nhất là các khóa đào tạo cho các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, tour du lịch, cơ quan chính phủ và các bên quan tâm để hiểu rõ hơn về sở thích và hành vi của du khách Hồi giáo.
Theo Chỉ số Du lịch Hồi giáo Toàn cầu 2022 của Xếp hạng MasterCard-Crescent, Thái Lan đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia không theo đạo Hồi được khách du lịch Hồi giáo ưa chuộng, sau Malaysia, Singapore và Vương quốc Anh.
Thống kê của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho thấy, trong số 11,8 triệu du khách quốc tế tới Thái Lan năm ngoái, có hơn 400.000 khách đến từ khu vực Trung Đông, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi tiêu của nhóm du khách này cũng tăng 71% so với năm 2019.
Giải pháp nào để thu hút du khách Hồi giáo và Ấn Độ?
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ…. Du lịch Hồi giáo, du lịch Halal là tiềm năng phát triển du lịch bền vững, đem lại nhiều cơ hội lớn cũng như thách thức với ngành du lịch Việt Nam.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, song song với việc khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo gần như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông.
Các khách mời đến từ thị trường Ấn Độ, Hồi giáo tại hội nghị. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Việt Nam chú trọng khai thác và mở rộng nhà hàng Halal phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch Hồi giáo, các sản phẩm thực phẩm có tem chứng nhận Halal được người Hồi giáo tin dùng. Bên cạnh đó, phải chú trọng việc xây dựng nơi cầu nguyện dành riêng cho người Hồi giáo ở những khu vực công cộng, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí… bảo đảm sự tiện lợi cho khách ở mọi nơi, mọi thời điểm.
“Như vậy, để thực sự tận dụng tiềm năng từ những du khách này, cần sự hợp tác từ các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn quản lý điểm đến tại địa phương và các doanh nghiệp quan tâm, nhằm xây dựng hệ sinh thái mới phù hợp dòng khách du lịch đặc thù này trong tương lai", Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, chuyên gia Dự án EU, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á, Việt Nam cần hướng đến sự thỏa mãn nhu cầu đặc biệt của khách du lịch Hồi giáo bằng việc sử dụng những lợi thế cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, tiện ích, cơ sở vật chất, không gian riêng và các giá trị mang lại cho du khách nhằm tạo dựng một vị thế phù hợp nhất của điểm đến trên thị trường.
Bà Trần Nữ Ngọc Anh nhấn mạnh, đối với khách du lịch Hồi giáo, tập trung marketing điểm đến nhấn mạnh vào những đặc điểm phù hợp với phong tục, thói quen sinh hoạt tôn giáo và đáp ứng được mong muốn của họ như: Các khách sạn có khu đón tiếp riêng biệt cho từng đoàn khách, dịch vụ ăn uống đáp ứng tiêu chí khắt khe về nguồn thực phẩm và linh hoạt theo yêu cầu của du khách Hồi giáo, phòng nghỉ được bố trí thảm, quần áo hành lễ và đánh dấu hướng hành lễ để thuận tiện cho việc thực hiện nghi lễ tôn giáo.
Cần tận dụng tối đa các tư liệu hình ảnh mỗi khi doanh nghiệp hay địa phương đón tiếp các đoàn khách Hồi giáo như các hình ảnh đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ theo phong cách, văn hóa đạt chuẩn Halal đến tiếp đón, cách bài trí tại không gian riêng của du khách Hồi giáo…
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp du lịch muốn dịch chuyển xu hướng kinh doanh để đón dòng khách du lịch Hồi giáo cần thiết kế, xây dựng trang web hướng tới khách Hồi giáo. Doanh nghiệp có thể kiến tạo trang web của mình trở thành một hệ sinh thái hướng tới Halal, là tiếng nói của cộng đồng du lịch Halal Việt Nam, nơi kết nối các doanh nghiệp du lịch, chia sẻ cơ hội để cộng đồng du lịch Halal tìm thấy doanh nghiệp của mình.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Từ thực tiễn lượng khách Ấn Độ và Hồi giáo đến Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh đưa ra một số giải pháp để thu hút được khách Hồi giáo như: Tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh đến các thị trường khách du lịch Hồi giáo; phát triển hệ thống mạng lưới các chuyến bay thẳng tới Ấn Độ và các quốc gia Hồi giáo; nghiên cứu kết nối cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với các sân bay Ấn Độ và các quốc gia Hồi giáo; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt phù hợp với thói quen của họ, có các sản phẩm chứng nhận Halal và mời các chuyên gia Hồi giáo đào tạo đội ngũ người làm du lịch về văn hóa Hồi giáo.
Theo ông Atanu Dey, Giám đốc điều hành Công ty CCTT Global Việt Nam, Quảng Ninh là thị trường du lịch tiềm năng đối với khách du lịch Ấn Độ bởi nơi đây có di sản UNESCO Vịnh Hạ Long, cơ sở hạ tầng tốt. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa trong công tác marketing, giới thiệu điểm đến, tiềm năng du lịch đối với khách du lịch Hồi giáo nói chung và du khách Ấn Độ nói riêng.
Nhiều năm qua, đặc biệt ngay sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá hướng tới thị trường Hồi giáo nhằm thu hút dòng khách du lịch tiềm năng này như tổ chức đón các đoàn FAM trip, Press trip từ các nước Hồi giáo, Ấn Độ sang tham quan, khảo sát, quảng bá cho sản phẩm du lịch; tổ chức các đoàn khảo sát gồm doanh nghiệp du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của Việt Nam đến các quốc gia Hồi giáo, Ấn Độ tìm hiểu về văn hóa, đất nước con người và kết nối doanh nghiệp du lịch hai bên.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để thu hút có hiệu quả thị trường khách quốc tế tiềm năng này cần một quá trình chuẩn bị và đầu tư lâu dài. Ở đó, các địa phương, cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải hiểu rõ về văn hóa, hành vi và nhu cầu đặc biệt của khách du lịch Hồi giáo và Ấn Độ. Đặc biệt, du lịch Việt Nam phải cung cấp cho du khách những điều họ cần chứ không chỉ những gì chúng ta sẵn có.
Theo nhandan.vn