Nhờ khả năng kết nối vượt không gian và có thể đáp ứng nhu cầu không giới hạn, công nghệ thông tin cho thấy những minh chứng rõ ràng về việc tạo ra thêm tài nguyên cho ngành du lịch, hấp dẫn và tiếp cận gần hơn với du khách. Ở Việt Nam, ngành du lịch đã có những hoạt động chuyển đổi số đáng ghi nhận. Tuy nhiên, làm thế nào để thúc đẩy nhiều và nhanh hơn chuyển đổi số, phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách là điều cần được quan tâm.
Bước đầu hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh
Thay vì mua vé vào cửa truyền thống, chị Nguyễn Hồng Hà được hướng dẫn trải nghiệm chuyển đổi số với 1 chạm, 4 thao tác (mua vé, soát vé, xuất hóa đơn, báo cáo doanh thu tự động) khi đến tham quan Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Chỉ với chiếc Thẻ Việt-Thẻ du lịch thông minh, chị có thể vừa tham quan, vừa thuận tiện sử dụng các dịch vụ tại khu di tích như hướng dẫn viên số, mua quà lưu niệm, gửi xe... Hệ thống vé điện tử này nằm trong các hoạt động chuyển đổi số hoạt động du lịch, là nỗ lực của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhằm tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, giàu tính công nghệ và tiện ích, qua đó nâng cao trải nghiệm của khách du lịch và thu hút du khách đến với Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói riêng và du lịch Thủ đô nói chung.
Báo cáo 9 tháng năm 2023 của Sở Du lịch TP Hà Nội cho thấy, chuyển đổi số là một trong những hoạt động góp phần đưa du lịch Hà Nội đón 18,9 triệu lượt du khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... cũng bước đầu thực hiện thành công hoạt động chuyển đổi số.
Du khách trải nghiệm dịch vụ số tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Tài nguyên mới ngành du lịch
Trong diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” được tổ chức cách đây ít lâu tại TP Hồ Chí Minh, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, ngành du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả hơn. Hiện nay, việc chuyển đổi số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này khi tạo ra không gian số, hạ tầng số (xây dựng nhanh, ít tốn kém hơn so với hạ tầng vật chất), dữ liệu và các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn cho ngành du lịch phát triển. Về lâu dài, một thế giới siêu kết nối sẽ xóa nhòa khoảng cách về địa lý và kết nối thiên nhiên vào cuộc sống của chúng ta, từ đó tạo ra tài nguyên mới và phương thức quản trị hiệu quả trong phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia, khi ngành du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng được hệ sinh thái du lịch thông minh sẽ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm, tiết kiệm thời gian của du khách... Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc trong quá trình triển khai dẫn đến khó hình thành một hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành; sự chênh lệch về công nghệ số tại nhiều địa phương do trình độ phát triển; sự thiếu hụt nguồn lực về công nghệ hiện đại, tài chính và nhân lực số có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những nơi thực hiện thành công chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Bảo tàng cũng như các tác phẩm nghệ thuật tại đây. Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space-VAES). Đây là một không gian triển lãm mỹ thuật trên nền tảng số, vừa giúp các nghệ sĩ giới thiệu, quảng bá, lưu giữ tác phẩm của mình, vừa có thể giao lưu, kết nối, tăng cơ hội gặp gỡ công chúng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tầm trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp Bảo tàng cải thiện chất lượng tham quan cho du khách, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng. Bước ngoặt chuyển đổi số đầu tiên của Bảo tàng chính là ứng dụng bảo tàng thông minh iMuseum được đưa vào vận hành tháng 4-2021. Sau 3 tháng, Bảo tàng đã đón được hơn 80.000 lượt khách tham quan trực tuyến. Con số này còn nhiều hơn cả lượng khách tham quan Bảo tàng trong cả một năm khi chưa có dịch Covid-19. Thực tế, khách tham quan cũng tăng nhanh qua từng năm. Tuy nhiên, để có được “trái ngọt” này, Bảo tàng phải tháo gỡ nhiều khó khăn, từ tài chính, nhân lực đến cơ chế, chính sách... Do đó, quá trình chuyển đổi số du lịch đòi hỏi cần phải quyết liệt, đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động toàn ngành, từ vai trò của cơ quan quản lý, cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.
"Chuyển đổi số là một lựa chọn sống còn cho ngành du lịch sau khi thế giới trải qua những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai các hoạt động chuyển đổi số như Thẻ Việt-Thẻ du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel”, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, hệ thống vé điện tử, thuyết minh đa phương tiện... Các nền tảng số ở tầm quốc gia này chính là cơ sở hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc". (Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). |
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/chuyen-doi-so-tao-ra-tai-nguyen-moi-cho-nganh-du-lich-747248