Trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định sự phát triển của du lịch trong bất cứ bối cảnh nào. Vì thế, đứng trước những nhu cầu, xu hướng du lịch mới hình thành, nhất là từ sau những tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt muốn phát triển càng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sinh viên ngành du lịch thực tập tại cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. (Ảnh Trường đại học Mở Hà Nội)
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), du khách toàn cầu hiện đang có xu hướng lựa chọn những hình thức du lịch như: du lịch tại chỗ (staycation), khám phá những địa danh ở địa phương mình mà trước đây ít chú ý đến; du lịch không chạm và tự động hóa; tìm đến những vùng đất hoang sơ, tận hưởng không gian ngoài trời; khám phá những điểm đến ít người bằng phương tiện vận tải cá nhân; quan tâm hơn đến du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm...
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), du khách Việt Nam đang ưa chuộng những xu hướng du lịch nổi trội như: chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa; ưu tiên tính an toàn, du lịch biển và du lịch thiên nhiên; thích đi ngắn ngày hơn và đi theo nhóm nhỏ; tự đặt dịch vụ trực tuyến... Sự thay đổi về nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách sau đại dịch không chỉ đòi hỏi cần hình thành những sản phẩm mới, mà còn đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong việc hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ nhân lực du lịch.
Tuy nhiên, hậu Covid-19, bên cạnh "khoảng trống" về số lượng lao động, ngành du lịch Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức liên quan chất lượng nguồn nhân lực. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Nhưng mỗi năm, các trường chỉ đào tạo được trung bình khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp chỉ chiếm 43%, gần một nửa không biết ngoại ngữ. Nhiều khách sạn 4 sao, 5 sao tại Việt Nam hiện đang sử dụng một bộ phận lao động nước ngoài, đặc biệt ở các vị trí cấp cao, cho thấy nguy cơ cạnh tranh về việc làm của nhân lực du lịch Việt Nam ngay trên sân nhà.
Ðó là chưa kể, cơ cấu nhân lực du lịch nước ta chưa đồng bộ, năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Ðặc biệt, kiến thức về hội nhập, tin học, ngoại ngữ còn hạn chế... Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, đặc biệt là trước những xu hướng du lịch mới định hình.
Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đã nhấn mạnh nhiệm vụ cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đồng thời định hướng các giải pháp cụ thể cần thực hiện đối với các bộ, ngành liên quan như: Phát triển nguồn nhân lực du lịch hướng tới mục tiêu đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm, tổ chức không gian; xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch, đa dạng các hình thức đào tạo; tăng cường nâng cao kỹ năng nghề và bổ sung hình thành các kỹ năng chuyển đổi, các kỹ năng mới...
Theo nhóm thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu những xu hướng du lịch mới sau đại dịch Covid-19" của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng các xu hướng du lịch mới, bên cạnh việc tập trung phục hồi nguồn nhân lực sau đại dịch thông qua áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên biệt cho các thị trường quốc tế chiến lược (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, ASEAN, Mỹ...), còn cần xây dựng chương trình đào tạo đa dạng và linh hoạt, giúp nguồn nhân lực có khả năng thích nghi nhanh chóng với các xu hướng mới như du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch sức khỏe... Chẳng hạn, cơ sở đào tạo du lịch có thể thiết kế chương trình đào tạo đặc biệt về ẩm thực địa phương, giúp hướng dẫn viên sau khi hoàn thành khóa học có khả năng chia sẻ kiến thức về ẩm thực với du khách quốc tế, bảo đảm du khách có những trải nghiệm ẩm thực độc đáo hơn.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần liên kết với các ngành khác như ẩm thực, y tế, thể thao, văn hóa... để phát triển các gói sản phẩm du lịch đa dạng. Sự hợp tác này giúp cung cấp cơ hội đào tạo và việc làm cho nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thí dụ, chương trình hợp tác với ngành y tế giúp đào tạo các hướng dẫn viên sức khỏe và du lịch y tế, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Ðặc biệt, trước sự lên ngôi của du lịch trực tuyến, phát triển kỹ năng số càng trở thành đòi hỏi quan trọng đối với nguồn nhân lực du lịch, nhất là ở các nội dung quản lý dữ liệu, tiếp thị trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa trải nghiệm du lịch của du khách.
Chuyên gia về du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu nhận định: Ðể phát triển nguồn nhân lực du lịch, Việt Nam nhất thiết phải theo tư duy toàn cầu và hành động địa phương. Bởi chỉ có tư duy toàn cầu mới thấy được bối cảnh luôn vận động, thấy được các yếu tố quốc tế tác động, từ đó xác định đúng, rõ mục tiêu, phương thức, công nghệ, quy mô, chất lượng và cơ cấu phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch có năng lực được thừa nhận trong khu vực, tạo cơ sở để người lao động chủ động tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, bảo đảm có vị trí xứng đáng trong chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch. Ở khía cạnh khác, cạnh tranh và phát triển du lịch chủ yếu dựa trên tính sáng tạo của sản phẩm, dịch vụ, giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa, nên phát triển nguồn nhân lực du lịch cần hành động địa phương, tức phải có giải pháp riêng phù hợp điều kiện, trình độ phát triển của đất nước và con người bản địa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, trước hết, cần tiến hành kiểm kê, đánh giá lại nguồn nhân lực du lịch trên cả nước để có kế hoạch đào tạo đúng, trúng và phù hợp. Thời gian qua, ngành du lịch và các địa phương đã tiến hành công việc này nhưng chưa thật kỹ và đầy đủ, vì thế cần được thực hiện bài bản hơn với phương châm không để sót bất cứ lực lượng làm du lịch nào. Cùng với đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho đào tạo, dạy nghề và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch, nâng cao hình ảnh nghề nghiệp du lịch và tăng cường liên kết để phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ðặc biệt, cần thực hiện tiêu chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch ở các lĩnh vực, ngành nghề theo yêu cầu thực tế, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và vươn lên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ðẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển nhân lực du lịch, nhất là ở các khâu đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ðính, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Ðào tạo du lịch Việt Nam lưu ý, ngoài bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động trực tiếp, cơ quan quản lý du lịch cần phối hợp các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để đào tạo cho cộng đồng thông qua các lớp phổ biến kiến thức, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ làm du lịch, kỹ năng giao tiếp trong phục vụ khách, kiến thức quản lý các điểm du lịch cộng đồng... Ðây được coi là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch lớn; đồng thời là cơ sở để tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Theo nhandan.vn