Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, với mức doanh thu đạt hơn 90% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Song, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ phục hồi ở mức 62%, trong đó Ðông Nam Á phục hồi 70% do chính sách chậm mở cửa của một số quốc gia sau đại dịch.
Các hoạt động trong Festival Huế thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham dự. |
Bối cảnh này đòi hỏi ngành du lịch ASEAN cần tăng cường hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh của khu vực, trong đó phát triển du lịch lễ hội được coi là một trong những hướng đi quan trọng để đẩy mạnh kết nối, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội khối.
Phát biểu tại Hội thảo Du lịch Lễ hội ASEAN vừa được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì tổ chức tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định: Một trong những xu hướng nổi bật của du lịch toàn cầu sau đại dịch là du lịch bền vững và có trách nhiệm. Phát triển du lịch không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và tạo sinh kế cho cộng đồng, mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của điểm đến. Với nền văn hóa đa dạng, vừa mang nét tương đồng, vừa có sự độc đáo giữa các quốc gia thành viên, nhất là hệ thống lễ hội truyền thống và đương đại phong phú, giàu màu sắc, khu vực ASEAN đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, quý giá để có thể khai thác thành sản phẩm thế mạnh, tạo sự khác biệt cho hình ảnh điểm đến. Việt Nam đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Nguồn lực, Giám sát và Ðánh giá Du lịch ASEAN và điều phối chính dự án "Xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội ASEAN". Ngành du lịch Việt Nam mong muốn có thể đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN để nghiên cứu, kết nối các tour du lịch lễ hội trong khu vực để tăng cường thu hút khách quốc tế, quảng bá ASEAN như một điểm đến chung bền vững, thống nhất và đáng trải nghiệm.
Những năm qua, loại hình du lịch gắn với lễ hội đã từng bước phát triển ở nhiều nước Ðông Nam Á. Cách thức tổ chức lễ hội ngày càng được đổi mới, chuyên nghiệp hóa với nhiều hoạt động thu hút du khách. Không ít lễ hội đã trở thành thương hiệu quốc gia, thu hút đông đảo khách tham gia từ khắp nơi trên thế giới, tiêu biểu như lễ hội té nước, lễ hội thả đèn lồng (Thái Lan), lễ hội đón năm mới Chnam Thmei (Campuchia), lễ hội đua thuyền (Lào), lễ hội nghệ thuật Bali (Indonesia), lễ hội nụ cười MassKara (Philippines)...
Tham gia các hoạt động này, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí sôi động, tưng bừng của lễ hội, mà còn được khám phá, tìm hiểu những nghi lễ, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng có của cộng đồng cư dân bản địa. Du lịch lễ hội đã góp phần vào sự tăng trưởng chung về lượng khách đến các nước ASEAN, với tốc độ tăng trưởng năm 2019 đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%) theo thống kê của Ban Thư ký ASEAN.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển du lịch lễ hội ASEAN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chưa tạo được thương hiệu riêng cho khu vực, và nếu so với những sản phẩm du lịch khác trong khu vực thì còn hạn chế về tính cạnh tranh.
Thạc sĩ Lê Thị Minh Quế, Phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định: Các lễ hội ở khu vực ASEAN rất đa dạng nhưng một số nơi vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc phát huy giá trị, sức hấp dẫn của lễ hội để phục vụ du lịch. Các sản phẩm du lịch lễ hội nhìn chung còn thiếu tính đặc sắc, nhiều lễ hội rườm rà, na ná nhau. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch lễ hội cũng có nhiều hạn chế; việc hợp tác giữa các nước ASEAN trong kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội chưa cụ thể, dẫn đến kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Ðể thay đổi cục diện này, Thạc sĩ Lê Thị Minh Quế cho rằng, cùng với đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo để hỗ trợ dân cư phát triển du lịch cộng đồng gắn với lễ hội, các nước ASEAN cần tăng cường hơn nữa việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong tổ chức, khai thác, gắn lễ hội với du lịch một cách hiệu quả, nhất là trong liên kết khảo sát các tuyến, điểm để xây dựng các sản phẩm du lịch lễ hội hấp dẫn cho khu vực. Bên cạnh đó, cần tích cực đầu tư xây dựng các nội dung quảng bá du lịch lễ hội thông qua các nền tảng công nghệ số; và tiếp tục có chính sách thuận lợi hơn nữa về visa để không chỉ thu hút nguồn khách truyền thống là thị trường Ðông Bắc Á mà còn hướng đến nguồn khách từ các thị trường xa có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
Theo Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng khoa Quản trị du lịch và Ngôn ngữ quốc tế, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, hầu như tất cả các điểm đến đều có lễ hội, nhưng không phải lễ hội nào cũng có thể trở thành lý do để du khách đến thăm điểm đến. Vì thế, mỗi quốc gia cần lựa chọn, xác định một hoặc vài lễ hội nổi bật đại diện cho hình ảnh điểm đến để quảng bá với tư cách là chủ đề, giá trị cơ bản thu hút du khách tới thăm Ðông Nam Á.
Chung quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trước thực trạng các quốc gia trong khối vẫn đang phát triển du lịch lễ hội theo hướng mạnh ai nấy làm mà chưa đi cùng nhau, điều cần thiết là phải có chiến lược để cùng khảo sát, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, tìm ra những lễ hội dân gian và đương đại nổi bật, có thể kết nối để cùng quảng bá, xúc tiến qua các kênh truyền thông, nhất là truyền thông số.
Nói về kinh nghiệm tổ chức du lịch gắn với lễ hội ở điểm đến, Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Những năm qua, các sự kiện lễ hội được tổ chức dày đặc, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tạo ra những tuần, tháng văn hóa, lễ hội phục vụ du lịch trong năm như Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, Tuần lễ Áo dài Huế, Tuần lễ Chăm sóc Sức khỏe…, góp phần làm tăng hiệu ứng tham gia của du khách, cộng đồng, tạo thành những sản phẩm và điểm đến thú vị. Ðể xây dựng Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam, Thừa Thiên Huế đã triển khai Ðề án Festival bốn mùa với chuỗi hoạt động lễ hội trải dài trong năm, bao gồm đầy đủ các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại hay thể thao, nhằm tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, tạo cơ hội thuận lợi để công chúng và du khách tham gia vào bất cứ thời điểm nào khi đến Huế.
Ông Phúc nhấn mạnh, việc tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch lễ hội mang tính đặc trưng, có đẳng cấp sẽ tạo ra tính cạnh tranh trong việc thu hút khách và doanh thu của điểm đến.
Ông Try Chhiv, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ASEAN, Bộ Du lịch Campuchia chia sẻ, đất nước ông cũng xác định lễ hội có vai trò quan trọng trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch. Ðó là lý do thời gian gần đây, bên cạnh các lễ hội truyền thống, Campuchia còn tạo ra nhiều lễ hội hiện đại như lễ hội biển, lễ hội sông, và tương lai có thể là lễ hội gắn với núi, lúa gạo, voi... những thứ có tiềm năng phát triển thành lễ hội.
Theo ông Try Chhiv, để thắt chặt hơn việc hợp tác về du lịch giữa các nước ASEAN, cần có cơ chế hợp tác ở mức độ nhỏ hơn là tiểu vùng để kết nối các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch nhằm trao đổi ý tưởng, học tập cách làm của nhau. Ðây sẽ là cách để thúc đẩy du lịch ASEAN nói chung, du lịch lễ hội nói riêng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/phat-trien-du-lich-le-hoi-nang-cao-suc-canh-tranh-diem-den-asean-post791394.html