Khách Việt chịu cái lạnh tê tái -30 độ C để hất nước sôi nóng lên trời

Thứ 4, 17.01.2024 | 15:10:09
661 lượt xem

Nhớ lại ngày đầu mới sang Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), Hiền Mai vốn quen ở xứ nhiệt đới nên bị sốc bởi nhiệt độ mùa đông có thể hạ xuống -20 độ C đến -30 độ C. Nếu không cẩn thận, cô rất dễ bị bỏng lạnh.

Cô gái Việt mê tuyết trắng

Hiền Mai, cô gái đến từ Hà Nội, cho biết, vì quá mê tuyết trắng nên cô muốn trải nghiệm ở Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, nơi được mệnh danh là "thành phố băng tuyết" ở Trung Quốc.

Do ảnh hưởng vì dịch bệnh nên tới tháng 10/2022, Mai mới chính thức đặt chân đến Cáp Nhĩ Tân, tiếp tục hành trình theo học đại học ở đây.

Khách Việt chịu cái lạnh tê tái -30 độ C để hất nước sôi nóng lên trời - 1Hiện Mai là du học sinh tại một trường Đại học ở thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Nhớ lại ngày đầu mới sang, vốn quen sống ở xứ nhiệt đới nên Mai gặp phải không ít cú sốc. Vào mùa đông, nhiệt độ ở đây có thể hạ xuống -20 độ C, thậm chí -30 độ C. Khi ra đường, nếu không giữ ấm cẩn thận, cô gái rất dễ bị cảm hoặc bỏng lạnh.

Ngoài ra, vấn đề ăn uống cũng là một trở ngại không nhỏ. Người dân địa phương có thói quen ăn rất nhiều dầu mỡ và hơi cay so với khẩu vị của người Việt. Bởi vậy, Mai phải mất một khoảng thời gian để thích nghi.

Sau hơn một năm sinh sống và học tập, Mai cảm nhận đây là thành phố rất đáng trải nghiệm. Dù không phồn hoa náo nhiệt như Bắc Kinh, Thượng Hải, hay cổ kính hoa lệ như chốn Giang Nam, nhưng Cáp Nhĩ Tân có sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Nét kiến trúc vừa có sự cổ điển Á Đông nhưng vẫn mang vẻ hiện đại tráng lệ của châu Âu.

Khách Việt chịu cái lạnh tê tái -30 độ C để hất nước sôi nóng lên trời - 2Cô chụp ảnh cùng những khối băng khổng lồ trên sông Tùng Hoa.

Đặc biệt, Mai nhận thấy nhịp sống của thành phố chậm rãi còn con người lại có tính cách cởi mở, phóng khoáng. Họ nhiệt tình hỗ trợ nếu du khách cần giúp đỡ.

Sở dĩ Cáp Nhĩ Tân được gọi là "thành phố băng tuyết" bởi mùa đông kéo dài cùng nhiệt độ xuống rất thấp. Từ cuối tháng 10 hàng năm, tuyết đã phủ trắng nhiều vùng. Bởi vậy, thành phố du lịch này cũng mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm rất đa dạng liên quan tới tuyết.

Nổi tiếng nhất phải kể tới lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới thường tổ chức vào đầu tháng 12. Đây là lễ hội thường niên, đón lượng khách quốc tế rất lớn từ nhiều nơi đổ về. Nhờ lợi thế đang học tập và sinh sống ở đây, cô gái Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội tham dự.

Khách Việt chịu cái lạnh tê tái -30 độ C để hất nước sôi nóng lên trời - 3Tranh thủ quãng thời gian du học, cô gái Việt không bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm các điểm du lịch.

Với Mai, đây là ngày hội hoành tráng nhất của thành phố. Trước khi mùa lễ hội diễn ra, các công trình kiến trúc khổng lồ được tạo ra bằng những khối băng cắt trên sông Tùng Hoa, lần lượt xuất hiện. Bên cạnh đó còn nhiều trò thú vị khác như trượt băng, trượt tuyết, ngồi xe kéo trên sông băng...

Vào mùa đông, sông Tùng Hoa trở thành điểm vui chơi của người dân và du khách tứ phương. Khi mặt sông đóng băng, mọi người sẽ ra chụp hình với những khối băng trong suốt khổng lồ, ánh lên màu xanh lấp lánh. Hoạt động hất nước sôi lên trời cũng là trải nghiệm được nhiều người thích thú.

Ăn lẩu nóng ở nhà hàng băng tuyết, hất nước sôi giữa trời -30 độ C

Khi bắt đầu mùa đông, nhân lúc khách du lịch chưa đến quá nhiều, Mai tranh thủ tới thăm Làng Tuyết, nơi cô cho rằng đây là địa điểm nhất định phải đến khi tới Cáp Nhĩ Tân. Xuất phát từ trung tâm thành phố, cô di chuyển bằng xe khách mất khoảng 5 tiếng mới tới nơi.

Sự háo hức của Mai hoàn toàn xứng đáng khi ngôi làng hiện ra đẹp lung linh đúng như những gì cô từng nhìn thấy trên báo chí hay các phương tiện truyền thông.

Đặc biệt khi đêm xuống, Làng Tuyết huyền ảo như chốn cổ tích bởi được thắp sáng bởi những ngọn đèn lồng xanh đỏ mang không khí đặc trưng lễ hội cuối năm và nét văn hóa của người dân sống ở khu vực Đông Bắc.

Tới đây, du khách có thể trải nghiệm ăn lẩu trong nhà hàng xây hoàn toàn bằng băng tuyết. Đó là món lẩu cay đặc trưng của người Trung Quốc với mức giá khoảng 600.000 đồng/khách.

Mai còn trải nghiệm ngồi xe do đàn tuần lộc kéo vào rừng ngắm tuyết. Theo cô, trải nghiệm này rất đáng giá vì không phải ở đâu cũng có với chi phí khoảng 150.000 đồng/người.

Giữa cái lạnh ngoài trời hạ xuống -30 độ C, cô gái Việt cầm bình đựng nước sôi nóng hổi hất thẳng lên trời. Khi gặp lạnh, những hạt nước nóng bỏng đóng băng trong tích tắc, tạo thành hình vòng cung tuyệt đẹp giữa không trung. Để trải nghiệm dịch vụ này, du khách tốn khoảng 60.000 đồng - 100.000 đồng/lượt.

Được biết, hắt nước sôi nóng để chứng kiến cảnh nước đóng băng ngay lập tức là "đặc quyền" chỉ có tại những nơi siêu lạnh trên thế giới. Người dân ở thành phố Mohe thuộc tỉnh Hắc Long Giang hay một số vùng đất thuộc Nga cũng phục vụ dịch vụ này để du khách trải nghiệm.

Theo kinh nghiệm của Mai, thời điểm đẹp nhất để tới Làng Tuyết vào khoảng cuối tháng 12 hàng năm. Lúc này tuyết rơi khá nhiều và những điểm du lịch trong làng đều hoàn thiện để đón khách. Du khách có thể kết hợp tới trải nghiệm rồi ở lại đón Giáng Sinh và chờ năm mới.

Do nhiệt độ hạ sâu nên du khách cần chuẩn bị kỹ trang phục gồm quần áo giữ nhiệt, mũ lông, găng tay, áo lông vũ. Nếu có điều kiện, du khách có thể đến nơi rồi mua sắm các bộ đồ phù hợp với nhiệt độ và đảm bảo chất lượng.

Khách Việt chịu cái lạnh tê tái -30 độ C để hất nước sôi nóng lên trời - 4Làng Tuyết như chốn cổ tích về đêm.

Ngoài ra, sạc dự phòng là món vật rất cần thiết mang theo bên mình bởi thời tiết lạnh khiến điện thoại nhanh hết pin, dễ sập nguồn.

Sống ở Cáp Nhĩ Tân hơn một năm và tới thăm nhiều điểm du lịch nhưng Mai chưa từng gặp phải hiện tượng "chặt chém" du khách. Cô nhận thấy các dịch vụ ở đây làm rất tốt, đúng danh xưng của một thành phố du lịch.

Du khách Việt cho rằng để làm được điều này, chính quyền địa phương có sự quản lý rất nghiêm ngặt, đồng thời các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc.  


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/khach-viet-chiu-cai-lanh-te-tai-30-do-c-de-hat-nuoc-soi-nong-len-troi-20240115160638253.htm

  • Từ khóa