Ngành du lịch đầu năm 2024 đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và đang trên đà phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều "cơn gió ngược", ngành công nghiệp không khói trở thành điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một khu phố ẩm thực sầm uất ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: ĐINH TRƯỜNG |
Bất chấp những biến động phức tạp về kinh tế và địa chính trị thời gian qua, ngành du lịch vẫn chứng tỏ sức sống mạnh mẽ. Số liệu vừa được Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) công bố cho thấy, có 1,3 tỷ lượt khách du lịch quốc tế đi lại năm 2023, tương đương 88% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ðáng chú ý, dữ liệu của UNWTO cũng cho thấy vai trò quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế thế giới. Doanh thu từ du lịch quốc tế đạt khoảng 1.400 tỷ USD.
Số liệu vừa được Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) công bố cho thấy, có 1,3 tỷ lượt khách du lịch quốc tế đi lại năm 2023, tương đương 88% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhận định, những con số biết nói trên là minh chứng cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch sau vài năm "ngủ đông" do dịch bệnh. Sự phục hồi này có tác động đáng kể đến nền kinh tế cũng như thị trường việc làm toàn cầu.
Tất cả khu vực trên thế giới đều chứng kiến sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành công nghiệp không khói. Năm 2023, Trung Ðông là khu vực duy nhất ghi nhận hoạt động du lịch vượt mức trước đại dịch khi tăng 22% so với năm 2019.
Cùng xu hướng phát triển mạnh mẽ đó, ngành du lịch châu Âu cũng có một năm bội thu khi phục hồi 94% so mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu trong khu vực tăng cao và số lượng lớn du khách đến từ Mỹ. Tỷ lệ này ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ cũng đạt hơn 90%, trong khi tại châu Á-Thái Bình Dương là 65%.
Giới chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào sự cất cánh của ngành du lịch trong năm 2024, bởi dư địa phát triển du lịch tại khu vực châu Á còn rất rộng mở.
Nhu cầu du lịch tăng mạnh sau thời gian bị dồn nén do đại dịch khiến ngành công nghiệp không khói của nhiều quốc gia đang đứng trước cơ hội bùng nổ, trở lại là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ khởi sắc nhờ chính sách miễn thị thực cho công dân nhiều nước châu Âu đến cuối tháng 11/2024. Tại châu Âu, việc Romania và Bulgaria dự kiến gia nhập Khu vực tự do đi lại Schengen, cùng với việc Pháp đăng cai Thế vận hội mùa hè vào tháng 7 và tháng 8 tới cũng là những đòn bẩy thúc đẩy ngành du lịch tại Lục địa già phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, các nước vùng Vịnh mới đây thông qua kế hoạch cấp thị thực du lịch thống nhất, được ví như một kiểu "visa du lịch Schengen" của vùng Vịnh. Ðây là bước đi quan trọng trong nỗ lực đưa ngành du lịch và dịch vụ trở thành trụ cột của các nền kinh tế vùng Vịnh trong kỷ nguyên hậu dầu mỏ. UNWTO khẳng định, với những tiềm năng nêu trên, trong năm nay, du lịch quốc tế có thể quay trở lại thời kỳ đầy sức sống như trước đại dịch Covid-19, thậm chí có thể tăng trưởng 2% so mức năm 2019.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức và dễ bị tổn thương trước những cuộc khủng hoảng hay biến động địa chính trị, sự phát triển vững vàng của ngành du lịch có thể trở thành điểm tựa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường việc làm.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đánh giá, ngành du lịch đang tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Theo dự báo của WTTC, đến năm 2033, ngành này sẽ đóng góp 11,6% GDP toàn cầu và tạo việc làm cho 430 triệu người dân trên khắp thế giới.
Mặc dù ngành du lịch có triển vọng phát triển tích cực, song quá trình phục hồi vẫn đối mặt thách thức đáng kể do những rủi ro địa chính trị. Căng thẳng tại Ukraine và nguy cơ cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas lan rộng tại Trung Ðông có thể khiến ngành công nghiệp không khói chịu nhiều thiệt hại.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân lực cũng là một bài toán khó khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, nhất là nhân viên có trình độ chuyên môn cao.
Ðể ngành du lịch tiếp tục bứt phá thời gian tới, giới chuyên gia kêu gọi các chính phủ đẩy nhanh quá trình xin thị thực nhằm hỗ trợ hơn nữa cho du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, WTTC cho rằng, chìa khóa cho tương lai của du lịch là thúc đẩy cách làm du lịch bền vững hơn, bảo đảm di sản văn hóa, truyền thống địa phương và môi trường được bảo tồn từ thế hệ này sang những thế hệ sau.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nganh-du-lich-chuyen-minh-manh-me-post795983.html