Trong đêm rằm đầu tiên của năm Giáp Thìn, các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An, Quảng Nam đông nghịt du khách, dịch vụ chèo đò trên sông Hoài quá tải, du khách phải xếp hàng chờ đợi để trải nghiệm.
Đêm 23/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), đây cũng được xem là đêm rằm đầu tiên của năm hay còn gọi Tết Nguyên tiêu, hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đổ về phố cổ Hội An (thành phố Hội An) để tham quan, trải nghiệm.
Trong đêm 14 Âm lịch, Hội An tổ chức tắt đèn - đây là một trong những hoạt động thuộc sự kiện "Đêm phố cổ" diễn ra vào đêm 14 Âm lịch hàng tháng. Khi ánh đèn vụt tắt, những ngọn nến lung linh tạo nên không gian huyền ảo; các dãy nhà, tuyến phố rực rỡ ánh đèn lồng, tạo nên khung cảnh lãng mạn chỉ có ở Hội An.
Bạn Khánh An (du khách Hà Nội) cho biết: "Tôi cảm giác được lạc vào thế giới cổ tích rực rỡ, đầy màu sắc. Đêm nay, tôi cũng thả hoa đăng xuống dòng sông Hoài để cầu nguyện may mắn, bình an cho bản thân và gia đình".
Các dịch vụ bán hàng lưu niệm, ăn uống… thu hút đông du khách. Đặc biệt dịch vụ ghe bơi sông Hoài ngắm phố cổ về đêm trở nên quá tải, tại các điểm bán vé du khách phải xếp hàng dài để chờ đến lượt.
Du khách thả hoa đăng trên sông Hoài (Ảnh: Ngô Linh).
Nhân viên một điểm bán vé cho biết số lượng du khách mua vé quá đông mà ghe bơi không đủ nên phải xếp hàng. "Chúng tôi cũng bất ngờ về lượng khách lớn như vậy, anh em làm không xuể. Dù chờ đợi nhưng khách cũng không phàn nàn gì, họ sẵn sàng bỏ thời gian để trải nghiệm", nhân viên bán vé nói.
Bà Jessica (du khách Úc) chia sẻ: "Việc chờ đợi không quá lâu, mọi người đều xếp hàng trật tự. Đây là lần đầu tiên tôi đến Hội An, rất tuyệt vời và tôi đã có những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ tại nơi đây".
Chụp hình cùng đèn lồng là trải nghiệm không thể thiếu khi đến Hội An (Ảnh: Ngô Linh).
Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi là tết Thượng nguyên), một trong những lễ hội quan trọng của cộng đồng cư dân Hội An.
Lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa người Việt từ rất sớm, sự giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Quốc, có ý nghĩa tâm linh rất lớn; được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ và tổ chức hàng năm, tạo thành nét văn hóa đặc trưng của Hội An.
Du khách dạo bước dưới những ánh đèn lồng rực rỡ, ngắm nhìn những mái nhà cổ kính… là trải nghiệm lãng mạn chỉ có ở Hội An (Ảnh: Ngô Linh).
Sau ngày Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng hàng năm), người dân Hội An lại nô nức chuẩn bị Tết Nguyên tiêu. Vào dịp này, các hội quán, di tích tín ngưỡng trong và ngoài khu phố cổ tổ chức lễ cúng tiền hiền, cầu an, cầu tài lộc đầu năm với ước vọng mọi việc trong năm mới được hanh thông, như ý.
Tháng 2/2023, lễ hội Tết Nguyên tiêu tại Hội An đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo dantri.com.vn