Đưa du lịch Cao Bằng "cất cánh"

Thứ 4, 13.03.2024 | 09:47:59
525 lượt xem

Là tỉnh miền núi biên giới có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng, cùng những nét văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên tự nhiên, nhân văn dồi dào này, Cao Bằng đã và đang nỗ lực từng bước để khẳng định vị thế là trung tâm du lịch của khu vực trung du miền núi phía bắc.

Khách tham quan gian hàng, mua sắm sản vật Cao Bằng trong Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội năm 2023. (Ảnh MẠNH PHÚC)

Nhắc đến Cao Bằng là nhắc đến vùng đất chứa đựng nhiều di sản địa chất, địa mạo cổ sinh với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, cảnh sắc thiên nhiên còn đậm nét hoang sơ, trong đó có nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, quần thể hồ Thăng Hen, Vườn quốc gia Phja Oắc-Phja Ðén...

Không chỉ là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, Kinh..., Cao Bằng còn là "cái nôi" của cách mạng Việt Nam, nơi được Bác Hồ lựa chọn để trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Vì thế, Cao Bằng vừa là nơi lưu giữ, phát triển những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, vừa là nơi sở hữu nhiều quần thể di tích lịch sử-văn hóa giàu giá trị.

Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 200 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 72 di tích cấp tỉnh; 2 bảo vật quốc gia; 7 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2018, UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.

Năm 2019, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam cũng chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðây có thể xem là "mỏ vàng" dồi dào để Cao Bằng hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Không ngừng mở rộng không gian phát triển du lịch, tạo nên những điểm nhấn cho ngành kinh tế xanh địa phương, những năm qua, Cao Bằng đã đẩy mạnh khai thác nhiều loại hình du lịch mang tính thế mạnh, như: Du lịch văn hóa lịch sử kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa, gắn liền việc tổ chức các lễ hội (Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội tranh đầu pháo, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô...); du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, như ở điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (huyện Bảo Lạc), điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao (huyện Nguyên Bình)...; du lịch về nguồn; du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch mạo hiểm.

Ðặc biệt, với loại hình du lịch tham quan, khám phá hang động, bên cạnh 4 tuyến trải nghiệm Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, tuyến du lịch thứ 5 kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Ðồng Văn (Hà Giang) - Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cũng tiếp tục được xây dựng nhằm tạo ra sản phẩm đặc sắc chưa từng có để thu hút du khách.

Với hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc, Cao Bằng cũng đang nỗ lực phát triển loại hình du lịch qua biên giới. Tháng 9/2023 vừa qua, tỉnh Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Ðức Thiên (Trung Quốc). Khu cảnh quan được kỳ vọng sẽ trở thành khu du lịch kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh và bền vững.

Ngoài ra, Cao Bằng cũng đang chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, ngoài chợ đêm ở thị trấn Bảo Lạc, thị trấn Thông Nông, phố đi bộ Kim Ðồng, còn đưa vào khai thác thêm tuyến đi bộ ven sông Bằng góp phần thu hút đông đảo khách du lịch.

Bên cạnh những nỗ lực trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Cao Bằng còn đặc biệt chú trọng tới khâu quảng bá, xúc tiến để lan tỏa hình ảnh đất và người Cao Bằng tới du khách trong, ngoài nước, từ đó thu hút đầu tư.

Gần đây nhất phải kể tới các hoạt động như: Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2023, Hội nghị "Giới thiệu Cao Bằng" năm 2023, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc 2023 với chủ đề "Về miền non nước", Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội 2023... Nhờ đó, vượt qua những thách thức do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Cao Bằng đã đón được khoảng hai triệu lượt khách năm 2023, đạt 112% kế hoạch năm, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 113,3% kế hoạch năm, khách du lịch nội địa đạt 112% kế hoạch năm; tổng thu du lịch đạt 121% kế hoạch năm, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, bên cạnh những thuận lợi và thời cơ, ngành du lịch Cao Bằng vẫn đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đã và đang là "điểm nghẽn" lớn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đến Cao Bằng. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho hoạt động du lịch còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng, năng lực, nhất là lực lượng hướng dẫn viên du lịch quốc tế; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cũng còn thiếu chiến lược lâu dài và hiệu quả... Do đó, để phát triển du lịch Cao Bằng có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch địa phương. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thương hiệu, độc đáo và khác biệt, có sức hút và sức cạnh tranh cao; vận dụng thực hiện các chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh...

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Ðông cho rằng, về sản phẩm du lịch, bên cạnh phát huy các sản phẩm hiện có, Cao Bằng cần làm mới các loại hình, dịch vụ trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên huyện, liên tỉnh, xuyên biên giới; xây dựng các gói kích cầu du lịch có chất lượng, có tính cạnh tranh so với các điểm đến khác. Về xúc tiến du lịch, Cao Bằng cần lấy hạt nhân là các sản phẩm du lịch gắn liền với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp và triển khai chuyên nghiệp, rộng rãi trong nước và quốc tế. Về công tác chuyển đổi số, Cao Bằng phải chú trọng nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch, phối hợp Cục Du lịch quốc gia Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và trục kết nối liên thông hệ thống thông tin từ trung ương đến cơ sở; chủ động tích hợp dữ liệu vào ứng dụng Du lịch Việt Nam, nền tảng số vietnam.travel và các mạng xã hội du lịch Việt Nam như Facebook, Instagram, Youtube...; đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ mới. Thứ trưởng Tạ Quang Ðông cũng đề nghị Cao Bằng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, du lịch cộng đồng và kết nối các điểm có tiềm năng phát triển du lịch; đồng thời hy vọng tuyến đường bộ cao tốc kết nối Lạng Sơn-Cao Bằng sau khi hoàn thành sẽ mang đến nhiều thuận lợi về thời gian di chuyển cho du khách, từ đó tạo điều kiện xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối Cao Bằng với các điểm đến khác tại các địa phương.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dua-du-lich-cao-bang-cat-canh-post799748.html

  • Từ khóa