Các bãi biển gần Hà Nội và TPHCM có lượng khách tăng đột biến trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5. Nhiều địa phương "bỏ túi" nghìn tỷ.
Thời tiết nắng nóng kéo dài trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đã khởi động mùa du lịch hè "bùng nổ". Những thách thức lớn từ cuộc khủng hoảng giá vé máy bay được khắc chế nhờ việc du khách linh động lựa chọn các hình thức du lịch mới như du lịch đường tàu hỏa, du lịch gần thành phố lớn...
Một số địa phương lượng khách tăng đột biến như Sầm Sơn (Thanh Hóa); Cửa Lò (Nghệ An); Nha Trang (Khánh Hòa); Bà Rịa - Vũng Tàu; Hạ Long (Quảng Ninh)...
Cụ thể, Thanh Hóa là địa phương đón đông khách nhất trong các địa phương du lịch biển với hơn 1,5 triệu lượt trong 5 ngày nghỉ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ.
Tại Thanh Hóa, trong 3 ngày đầu nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết nắng nóng gần 40 độ C, hàng vạn du khách đổ về biển Sầm Sơn (Ảnh: Thanh Tùng).
Lượng lớn khách du lịch ở thành phố Sầm Sơn nhiều nhất với 905.000 lượt, thị xã Nghi Sơn, biển Hải Tiến đón gần 90.000 lượt.
Công suất sử dụng phòng trên địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 82,5%. Tổng doanh thu du lịch của Thanh Hóa dịp lễ này đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2023.
Hà Tĩnh là địa phương có tỷ lệ khách tăng cao nhất cả nước, 68% so với cùng kỳ, đạt khoảng 603.000 lượt, chủ yếu tập trung vào các bãi biển. Tỷ lệ lấp đầy phòng trống đạt 85% từ khách sạn đến nhà nghỉ ở các khu du lịch biển. Riêng biển Thiên Cầm, tỷ lệ kín phòng đạt 100%.
Nghệ An đón 950.000 lượt khách, tăng 22% so với năm 2023, trong đó khách lưu trú ước đạt 350.000 lượt. Tổng thu du lịch hơn 1.700 tỷ đồng. Biển Cửa Lò là điểm hút khách nhất tại Nghệ An.
Tương tự Nghệ An, Khánh Hòa cũng đạt gần 1 triệu lượt du khách, khoảng 970.000 lượt, tăng 21% so với năm ngoái. Tổng doanh thu đạt hơn 1.306 tỉ đồng. Trước kỳ nghỉ lễ, đây là địa phương được dự báo sẽ thụt giảm lượng khách do giá vé máy bay tăng cao.
Tuy nhiên, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới khánh thành, giúp thời gian di chuyển từ TPHCM giảm từ 8 tiếng xuống 5 tiếng nên Khánh Hòa thu hút được lượng khách lớn từ các tỉnh phía Nam. Khách di chuyển bằng đường hàng không giảm 20%.
Tại Quảng Ninh, trong vòng 3 ngày nghỉ lễ (27-29/4) địa phương này đón khoảng 700.000 lượt khách, doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng.
Khách xếp hàng chờ đợi để lên tàu ra vịnh Hạ Long (Ảnh: Ban Quản lý vịnh Hạ Long).
Tính riêng trong ngày 29/4, tổng khách du lịch đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 254.800 lượt, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 5 ngày lễ, các khách sạn 4-5 sao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và nhiều du thuyền ghi nhận kín phòng, công suất đạt trên 95%.
Tổng lượng khách tham quan, lưu trú tại Đà Nẵng trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đạt hơn 336.000 lượt, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 72.000 lượt, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu du lịch của Đà Nẵng sau 5 ngày khoảng 1.336 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023 với hơn 16.000 lượt. Lượng khách di chuyển bằng đường bộ, đặc biệt là phương tiện tự túc cũng tăng cao. Công suất chung khối cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao và tương đương đạt 70%.
Tại khu vực phía Nam, các bãi biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút khoảng 626.000 lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ, công suất buồng đạt hơn 90% toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, do vé máy bay quá cao, nhiều du khách chọn du lịch tự túc tại các điểm đến gần thành phố như Hồ Tràm, biển Long Hải... và một số điểm check-in mới như khu du lịch Suối Mơ, hồ Trị An, khu du lịch Bửu Long ở Đồng Nai cũng ghi nhận lượng khách tăng mạnh so với dịp lễ cùng kỳ năm 2023.
Theo Sở VHTT&DL Bình Thuận, khách đến địa phương này cũng chủ yếu di chuyển bằng phương tiện các nhân, đi dạng gia đình, nhóm bạn bè và khách lẻ.
Trong 5 ngày lễ, Bình Thuận đã đón 220.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng khoảng 25% so với năm du lịch đột phá 2023 nhờ đưa vào khai thác cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Công suất phòng bình quân đạt khoảng 75-95%, doanh thu khoảng 420 tỷ đồng.
Du khách chen chân tại khu chợ đêm thuộc tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Đà Lạt) (Ảnh: Minh Hậu).
Có khí hậu mát mẻ, Đà Lạt vẫn là lựa chọn hàng đầu những kỳ nghỉ, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Thành phố này đón khoảng 170.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo các chuyên gia, những con số tăng trưởng trên là một tín hiệu đáng mừng để khởi động mùa du lịch hè bùng nổ. 5 ngày nghỉ lễ cho thấy, khách Việt vẫn rất yêu thích các điểm đến trong nước với việc linh hoạt lựa chọn phương tiện di chuyển, khắc phục thực trạng giá vé máy bay tăng cao.
Theo bà Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Công ty CP Lữ hành Vietluxtou, trước lễ, các doanh nghiệp du lịch lo ngại nhất là giá vé máy bay quá cao làm hạ nhiệt cao điểm du lịch.
Đến nay vé máy bay vẫn còn là nỗi lo ngại của du lịch nội địa, đặc biệt với các đoàn khách lớn hàng trăm đến ngàn khách.
"Tuy nhiên, sự trỗi dậy của du lịch đường bộ, cùng khách gia đình du lịch tự túc lái ô tô đã phần nào khắc chế thách thức này. Vì vậy, du lịch nội địa không bị ảnh hưởng quá nhiều", bà Thu nói.
Theo dantri.com.vn