Bát hủ tiếu giá 100.000-150.000 đồng/bát ở Hà Nội gây tranh cãi vì mức giá đắt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Nhiều thực khách nhận xét, với số tiền này có thể nấu được một mâm cơm gia đình.
12h, quán hủ tiếu trên đường Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kín gần hết các bàn. Thực khách đến quán đa phần là người trung tuổi, các gia đình và một số khách nước ngoài.
Theo chị Trần Bích Ngọc, chủ quán, đây đều là khách quen nhiều năm nay, mỗi tuần đến 1-2 lần nên chị Ngọc chào hỏi như người nhà.
Quán ăn của chị Ngọc mở cửa từ năm 2018, chuyên bán những món nước của ba miền như: Phở, hủ tiếu, bánh canh, bún bò Huế, bún mắm… Trong đó, hai món được thực khách yêu thích nhất, cũng đắt đỏ nhất là hủ tiếu và bánh canh.
Bát hủ tiếu rẻ nhất ở quán này có giá 100.000 đồng/bát hủ tiếu nước, loại hủ tiếu trộn là 110.000 đồng/bát. Ngoài ra, nhiều thực khách muốn ăn bát đầy đặn hơn, thường gọi bát 150.000-200.000 đồng.
Mức giá trên đắt hơn hẳn mặt bằng chung, khi thị trường bán khoảng 40.000 đồng/bát hủ tiếu. Nhiều thực khách nhận xét, bát hủ tiếu này chỉ bán được cho giới thượng lưu, hội nhà giàu đến thưởng thức cho biết.
"150.000 đồng mua được cả mâm cơm gia đình, bát này ngoài miếng sườn to không có gì khác đắt đỏ hơn bát hủ tiếu thường", một thực khách chia sẻ.
Một bát hủ tiếu nước 100.000 đồng có một miếng sườn to 300-400g, hai con tôm, hai quả trứng cút, vài miếng gan, một ít thịt băm ăn cùng với hẹ và nước chấm. Ngoài ra, sợi hủ tiếu trong một bát tương đối ít, khiến nhiều thực khách "ăn không đủ no".
Theo chủ quán, sườn được mua từ sáng sớm. Miếng sườn phải đảm bảo có cả nạc cả mỡ, khi lên bát thực khách sao cho miếng thịt mềm, tróc xương nhưng không bị nũn.
"Trước đây, quán bán hủ tiếu xí quách, dùng xương ống to, thịt mỏng. Về sau, nhận thấy nhu cầu của khách Hà Nội thường muốn ăn nhiều thịt, nguyên liệu trong bát phải đầy đặn, chất lượng, nên tôi đổi sang loại xương sườn, miếng to", chị Ngọc nói.
Cũng theo chị Ngọc, quán bán giá cao hơn thị trường nhưng quán tự tin "đắt xắt ra miếng". Mọi nguyên liệu được chính chủ quán lựa chọn vào buổi sáng, đảm bảo độ tươi của thực phẩm.
Quầy bếp mở, thực khách có thể quan sát mọi công đoạn tạo ra một bát hủ tiếu, tận mắt nhìn thấy nguyên liệu tươi ngay từ khi bước vào cửa.
Tuy nhiên, lối vào chật chội, người đi phải lách qua nhau. Đôi khi đang ngồi ăn phải đứng dậy để nhường chỗ cho khách di chuyển.
Không gian quán nhỏ, bán đồ ăn Việt Nam nhưng thiết kế theo phong cách Nhật Bản. Quán có hai tầng với khoảng hơn 50 chỗ ngồi.
Chị Ngọc cho biết, mỗi ngày quán phục vụ lượng khách không quá đông, khoảng vài chục người nhưng luôn giữ được thị phần riêng trên thị trường.
Để thưởng thức được món hủ tiếu của quán, thực khách phải đến vào thứ 5 và thứ 6. Những ngày khác trong tuần, quán phục vụ các món phổ thông như phở, bánh mì, bún bò Huế... thứ 7 có món bánh canh cua.
Theo dantri.com.vn