Khách sửng sốt với bát phở 5.000 đồng ở Nam Định chục năm không tăng giá

Thứ 3, 28.05.2024 | 14:51:33
506 lượt xem

Cách đây chục năm, chị Chung từng tăng thêm 2.000 đồng thành 7.000 đồng một bát tối thiểu nhưng ế khách sau một tuần thử nghiệm. Cuối cùng chị lại duy trì mức giá cũ 5.000 đồng/bát gần 20 năm nay.

Quán phở 5.000 đồng/bát, khách ăn 3-4 bát là bình thường

Nằm trong con hẻm nhỏ thuộc phường Tế Xương, thành phố Nam Định, là quán phở 5.000 đồng đã trở thành thương hiệu của chị Nguyễn Thị Chung. Đã 20 năm qua, quán phở trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân địa phương và thực khách khu vực lân cận như Thái Bình.

Khách sửng sốt với bát phở 5.000 đồng ở Nam Định chục năm không tăng giá - 1Phở 5.000 đồng trở thành thương hiệu của quán (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước kia, chị Chung từng bán hàng cơm cho bà ngoại nhưng tới năm 2005 tính việc chuyển sang bán phở. Do thạo nấu nướng nên chị chỉ học cách nấu phở ở một vài nơi rồi về tự mày mò mở quán. Kinh nghiệm nấu phở cũng tự mình chị dần tự đúc kết theo năm tháng.

Cách đây 20 năm, những bát phở đầu tiên có giá 3.000 đồng, rồi 5.000 đồng và cả 10.000 đồng. Nhưng thực khách vẫn nhớ nhất tới chị là tô phở 5.000 đồng.

"Thú thực với vật giá leo thang như hiện nay, tôi bán tô phở 5.000 đồng là lỗ đấy. Bát loại này thường bán cho học sinh là chính. Còn người ăn sang hơn sẽ gọi bát 20.000 đồng hay 30.000 đồng. Thông thường nếu ăn bát 5.000 đồng, khách ăn thêm quả trứng vịt lộn, gọi chai nước cũng tạm bù trừ phần lỗ", chị Chung phân trần.

Với một bát phở 5.000 đồng nhưng vẫn đầy đủ bánh phở, một viên mọc, ít thịt gà lườn xé sợi, hành lá rắc lên trên chan thêm phần nước dùng thơm đậm đà.

Theo tìm hiểu, mỗi ngày quán dùng khoảng 400.000 đồng tiền xương ống ninh trong nồi 100 lít. Một nồi khác chuyên để luộc gà. Mỗi ngày quán dùng 20-30 con gà công nghiệp, là gà già ăn sẽ dai hơn. Sau đó chủ quán sẽ sử dụng nước của hai loại này nêm nếm thành nước dùng vừa miệng.

Khách sửng sốt với bát phở 5.000 đồng ở Nam Định chục năm không tăng giá - 2Bên cạnh bát phở 5.000 đồng còn có bát phở 30.000 đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nếu so sánh về định lượng, bát phở 5.000 đồng sẽ ít bánh và phần thịt, nhân hơn so với bát 20.000 đồng và 30.000 đồng. Mặc dù vậy, vẫn nhiều khách tới đây chọn ăn 4 bát 5.000 đồng thay vì gọi một bát 20.000 đồng.

"Khách của quán đa phần đều quen mặt. Có những khách quen là sinh viên tối nào cũng tới, hai cậu gọi 8 bát mỗi bát 5.000 đồng ăn sạch sẽ gọn gàng. Tôi cũng từng chứng kiến có thanh niên gọi tới 6 bát giá 5.000 đồng và ăn hết. Thấy khách ăn ngon miệng, tôi cũng mừng lây", chị tâm sự.

Từng tăng giá thêm 2.000 đồng nhưng ế khách

20 năm mở quán nhưng chị Chung lại chọn thời điểm lỡ cỡ để bán hàng, từ 17h30 đến 1h sáng. Chị nói vui nếu quán bán buổi sớm với giá 5.000 đồng chắc "sớm sạt nghiệp" vì bù lỗ.  

Mỗi ngày quán bán hơn 500 bát, trong đó một nửa là bát 5.000 đồng, tiêu thụ 80kg bánh phở và 40kg bún. Dù vậy thông thường khách ăn bát 5.000 đồng sẽ gọi thêm vài đồ ăn kèm khác nên phần lỗ phải gồng gánh sẽ bù trừ nhau. Chị Chung nhẩm tính, quán phải bán số lượng lớn mới có lãi.

Khách sửng sốt với bát phở 5.000 đồng ở Nam Định chục năm không tăng giá - 3Cận cảnh bát phở 5.000 đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Có thời điểm cách đây độ chục năm, quán từng tăng giá mỗi bát thêm 2.000 đồng thành 7.000 đồng giá tối thiểu. Chị Chung muốn thử nghiệm xem phản ứng khách thế nào. Nhưng sau một tuần bán ế, chị chấp nhận quay lại mức giá cũ đã thành thương hiệu của mình.

"Có nhóm khách đến quán biết bị tăng giá thành 7.000 đồng thì quay xe luôn. Họ nói quen ăn bát 5.000 đồng rồi. Thấy vậy, tôi đành về giá cũ mà không tăng nữa", chị nói.

Ban ngày, 3 mẹ con chị Chung cùng nhau soạn sửa thực phẩm. Tối đến quán thuê thêm 3 nhân viên chuyên phục vụ, dọn rửa bát mới kịp làm đồ ăn cho khách. Có thương hiệu 20 năm nhưng chủ quán cho biết công việc bán phở cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.

"Nhiều người nhìn vào thấy khách tới quán tấp nập cứ nghĩ làm ăn tốt lắm. Có những khách quen ở Thái Bình quay lại nói vui với tôi rằng, sao quán mở mấy chục năm mà giờ vẫn vậy không khang trang, sửa chữa thêm mặt bằng. Thú thực do lãi ít nên tôi chỉ mong bán nhiều số lượng để bù đắp", chị tâm sự.

Được biết, diện tích quán khoảng 30m2. Nằm trong ngõ hẻm, quán còn kê thêm khoảng 20 bộ bàn ghế để khách ngồi dọc bên ngoài. Quán mở gần như mở cửa quanh năm, chỉ bất đắc dĩ mới tạm đóng cửa một vài hôm.

Theo Tổng cục thống kê, Bến Tre, Nam Định, Quảng Trị là những địa phương có chỉ số SCOLI (chỉ số giá sinh hoạt theo không gian) năm 2023 thấp nhất cả nước. Tại Nam Định, chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 86,35% so với Hà Nội (100%) - địa phương "đắt đỏ" nhất nước.

Lý do là phần lớn các mặt hàng trong nhóm dịch vụ ăn uống, may mặc, nhà thuê, giao thông, bưu chính, dịch vụ giáo dục và vui chơi giải trí có mức giá thấp.

Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ như: may mặc, mũ nón, giày dép; văn hóa giải trí, du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/khach-sung-sot-voi-bat-pho-5000-dong-o-nam-dinh-chuc-nam-khong-tang-gia-20240527123907753.htm

  • Từ khóa