"Chắp cánh" cho hàng không-du lịch vươn tầm

Thứ 4, 12.06.2024 | 14:40:47
420 lượt xem

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng. Để phát triển bền vững cần được tạo dựng bởi nhiều yếu tố như thị thực (visa), dịch vụ điểm đến, giao thông vận tải, an ninh trật tự,... Trong bối cảnh phục hồi hiện nay, sự hợp tác giữa du lịch và hàng không là vấn đề được đặt ra cấp thiết, vì lợi ích chung của nền kinh tế quốc gia.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). (Ảnh NAM TRẦN)

Ngoài nỗ lực từ mỗi bên, vai trò của Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ cũng như quản lý hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi "chắp cánh" cho hai ngành phát triển tương hỗ, vươn tầm trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Mục tiêu đầy thách thức

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, du lịch và hàng không có mối quan hệ chặt chẽ, cùng nhau tạo nên sự phát triển mang tính tương hỗ, không thể tách rời trong quá trình phát triển. Cả hai đều là ngành cung cấp dịch vụ, nghĩa là sản phẩm không thể lưu trữ được và phụ thuộc nhiều vào công nghệ để cung cấp dịch vụ hiệu quả, thuận lợi cho khách hàng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đối với hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam khai thác 45 đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương, thực hiện gần 600 chuyến bay mỗi ngày. Năm 2023, đường bay trục Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh được khai thác nhiều nhất với gần 43 nghìn chuyến bay, chiếm 17,5% số chuyến bay nội địa. Đây cũng là đường bay được ghi nhận trong Tốp 10 đường bay bận rộn nhất thế giới năm 2023.

Thời điểm hiện tại, thị trường hàng không quốc tế đã có 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác với 164 đường bay quốc tế, kết nối 33 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 6 điểm của Việt Nam là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc và Đà Lạt. Mạng đường bay quốc tế đã được khôi phục hoàn toàn như giai đoạn trước dịch Covid-19 và tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.

"Vận chuyển hàng không quốc tế đã góp phần giúp du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh với 7,6 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 và kỳ vọng đạt 18 triệu khách trong năm 2024", ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam nhận định.

Để đạt mục tiêu đón gần 130 triệu lượt khách du lịch cả quốc tế và nội địa trong năm 2024, vai trò của hàng không rất lớn. Theo các số liệu thống kê, hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao gần 80% so với các phương thức vận tải khác.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá nhiên liệu tăng cao, trong khi đây là yếu tố chiếm tỷ trọng tới gần 40% chi phí một chuyến bay. Thêm vào đó, giá thuê động cơ và phụ tùng tàu bay cũng tăng cao, chênh lệch tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ đã gây ảnh hưởng lớn, làm tăng chi phí hoạt động của các hãng hàng không do phần lớn khoản chi của hãng thanh toán bằng ngoại tệ.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới có xu hướng tăng cao hơn thời điểm trước. Các hãng hàng không đang phải đối mặt hàng loạt bất lợi về chi phí nhiên liệu cao, việc nâng cấp đội bay, bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, thiếu hụt nhân lực, giá phục vụ tại sân bay,... dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng những năm tiếp theo.

"Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác dao động khoảng 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu so với bình quân tàu bay khai thác năm 2023. Nguyên nhân do việc triệu hồi động cơ Pratt&Whitney và một số hãng đang thực hiện tái cơ cấu. Các hãng trong nước phải cân đối lực lượng tàu bay khai thác nội địa và quốc tế để cạnh tranh, duy trì thị phần quốc tế với các hãng nước ngoài"... ông Đỗ Hồng Cẩm cho biết thêm.

Như vậy, ngay trong ngắn hạn, việc hoàn thành mục tiêu năm 2024 của ngành du lịch trở nên đầy thách thức trong bối cảnh sự phục hồi của hàng không, du lịch trong nước vẫn tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nhất là trước diễn biến khó lường từ tình hình địa chính trị thế giới, lạm phát, biến đổi khí hậu,...

Hợp tác nhiều bên cùng có lợi

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, du lịch và hàng không giống như "đôi cánh" cùng góp phần phát triển kinh tế, trong điều kiện địa hình trải dài từ bắc tới nam của nước ta, phương tiện vận chuyển hàng không có nhiều lợi thế hơn. Hàng không là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế...

Cũng chính vì vai trò quan trọng này, nhiều quốc gia coi hàng không là một trong những lĩnh vực để điều chỉnh ngành du lịch và kinh tế. Ngành hàng không tăng trưởng thúc đẩy phát triển du lịch, tạo cơ hội cho hành khách khám phá những điểm đến mới. Nhìn chung, du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không, từ việc tạo ra nhu cầu cho dịch vụ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đến việc tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến.

Giá vé máy bay nội địa tăng cao trong thời gian qua đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân địa phương. Theo nhận định của các chuyên gia Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), vấn đề giảm giá vé máy bay nội địa có thể được giải quyết nhờ sự phối hợp toàn diện, đầy đủ của các chủ thể liên quan, gồm: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

"Vấn đề hợp tác giữa hai ngành này được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mãi mà cần được xem xét xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ để có tác động dài lâu. Cần có diễn đàn trao đổi về điểm mạnh, điểm yếu của mỗi bên, những hành động cấp bách hỗ trợ bảo đảm nhiều bên cùng có lợi, gồm doanh nghiệp hàng không-du lịch, điểm đến, chính quyền và người dân địa phương", ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB nhận xét.

Các chuyên gia của TAB cũng lưu ý một vấn đề mang tính vòng lặp đáng báo động là khi giá vé máy bay nội địa tăng cao, dẫn đến các điểm du lịch phải hạ giá dịch vụ, khiến chất lượng giảm sút, làm giảm sự hài lòng của du khách. Kết quả là nhu cầu đi du lịch trong nước giảm, số lượng chuyến bay giảm theo và cuối cùng là giá vé máy bay nội địa lại tiếp tục tăng cao. Các hãng hàng không giảm bớt chính sách khuyến mãi và giảm quan tâm chất lượng dịch vụ khách hàng có thể dẫn đến hệ quả giá vé bay tiếp tục tăng cao và chất lượng dịch vụ giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu du lịch nội địa,...

Đại diện một doanh nghiệp du lịch nhìn nhận, trên thực tế, nhiều liên kết phát triển du lịch đã bị phá vỡ bởi sự xung đột quyền lợi trong nội bộ một bên, bởi sự xuất hiện của bên thứ ba. Nhiều chương trình không triển khai được do lo ngại nguy cơ một số doanh nghiệp khác trong ngành không tham gia nhưng lại được hưởng lợi. Do đó, trước khi tìm giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác giữa hai ngành, cần có giải pháp, cơ chế để kiểm soát trong chính nội bộ ngành và điều này rất cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp,...

Nhằm phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của ngành hàng không, du lịch hiện nay, tìm ra các giải pháp liên kết, hợp tác giữa hai ngành này một cách thực chất, hiệu quả; kiến nghị, đề xuất Chính phủ những giải pháp hỗ trợ, từ đó góp phần đưa ngành hàng không, du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững..., Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo: "Hàng không-Du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững" chiều 12/6, tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; các cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế; các doanh nghiệp hàng không, du lịch; các tổ chức xã hội-nghề nghiệp; một số cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài...


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chap-canh-cho-hang-khong-du-lich-vuon-tam-post813900.html

  • Từ khóa