Khi tới Việt Nam du lịch, cũng vì chủ quan chỉ quen thanh toán tiền điện tử chứ không mang theo tiền mặt nên cô gái người Singapore phải loay hoay tốn nhiều thời gian.
Là cây bút chuyên viết cho mảng du lịch của tờ Business Insider, nghề nghiệp đặc biệt mang tới cho Marielle Descalsota nhiều cơ hội trải nghiệm cuộc sống. Cô gái người Singapore hiện đã đặt chân tới khá nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Cô cho biết đã tới thăm địa đạo Củ Chi ở Việt Nam, ngắm mặt trời mọc tại Angkor Wat (Campuchia), chăm sóc voi khi tới Chiang Mai (Thái Lan) hay thám hiểm rừng rậm Borneo (Brunei).
Vị khách Singapore ghé thăm chung cư có nhiều quán cà phê ở TPHCM (Ảnh: Marielle Descalsota).
Với mỗi chuyến đi và tiếp xúc với miền đất mới là vô số những trải nghiệm mới lạ chưa từng biết tới nên cô gái trẻ lại tự đúc rút ra kinh nghiệm riêng. Trong lần tới Việt Nam du lịch, Marielle cho rằng một trong những sai lầm lớn nhất là không mang theo tiền mặt.
Tại Singapore, vị khách này không có thói quen mang tiền mặt khi ra đường. Cô thường thanh toán bằng Apple Pay, thanh toán điện tử hay quẹt thẻ.
Tuy nhiên trong chuyến du lịch Việt Nam lần thứ 3, Marielle chủ quan không cầm tiền mặt. Tới một cửa tiệm nước hoa sang trọng để mua sắm, hóa đơn của vị khách khoảng 200 USD. Cô đã loay hoay gần một tiếng để chuyển khoản nhưng không thành công. Tại đây, nhân viên cửa hàng nói họ không nhận quẹt thẻ quốc tế hoặc thanh toán điện tử.
Trên thực tế, tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, hầu hết các tiểu thương hay người bán hàng rong đều có mã QR.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán qua QR code đã tăng 172% và giá trị giao dịch tăng 74% so với năm 2022. Qua đó thấy được mức độ phổ biến của hình thức này tới người dân. Tuy nhiên hầu hết các mã QR này chỉ chấp nhận chuyển khoản qua các ngân hàng trong nước.
Tiểu thương bán gà ở phố Hàng Bè dán mã QR lên tay để khách tiện thanh toán (Ảnh: Tố Linh).
Bởi vậy, Marielle cho rằng cho dù hệ thống thanh toán ngày càng hiện đại, du khách vẫn nên chuẩn bị trước ít tiền mặt để tránh những trường hợp cần gấp.
Ngoài ra, vị khách Singapore cũng chỉ ra sai lầm thứ 2 khi đi du lịch là "quên mang theo thuốc cá nhân".
Cô nhận thấy Đông Nam Á là khu vực sở hữu đồ ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. Ở những quốc gia tại nơi này, du khách có thể thoải mái tìm đồ ăn hợp khẩu vị mà giá thành hợp lý. Như tại Việt Nam hay Malaysia, Marielle dễ dàng tìm được những món ngon chỉ mất khoảng 1 USD (25.000 đồng).
Đồ ăn đường phố ở Đông Nam Á ngon và giá phải chăng nhưng cô gái Singapore cho rằng khách cần mang theo thuốc cá nhân phòng trường hợp cần thiết (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).
"Khi du lịch ở Đông Nam Á, tôi chủ yếu ăn đồ ngoài đường phố nên rất cần những thuốc trị bệnh cá nhân. 2 lần tôi bị đau bụng do ăn cùng một món, nhưng đều không mang thuốc", cô nhớ lại kỷ niệm nhớ đời.
Cuối cùng, cô gái cho rằng, cho dù đến bất cứ đâu cũng cần chú ý tới yếu tố thời tiết và các mùa có phù hợp với du lịch hay không.
"Tôi từng tới Thái Lan vào tháng 7 mà không biết đó là mùa mưa. Hầu như ngày nào tôi cũng gặp mưa lớn. Trong khi tại Bangkok, tôi đặt phòng tại một khách sạn ở Chakkrawat, nơi có những con đường nhỏ hẹp, nên việc di chuyển dưới trời mưa như trút nước càng khó khăn hơn", cô nói.
Hay tại Philippines, Marielle lưu ý du khách nên tránh 2 mùa là mùa mưa bão và "mùa cháy" (là thời điểm người nông dân đốt lửa cho các cánh đồng canh tác để dọn sạch đất). Hiện tượng này cũng khá phổ biến ở các quốc gia như Lào, Thái Lan, đảo Borneo và Malaysia.
"Tôi không để ý "mùa cháy" nên đã tới Lào vào tháng 4/2023. Cũng bởi vậy cả chuyến đi ngồi khinh khí cầu của tôi bị hủy bỏ do khói quá dày đặc. Tôi cũng quên mang theo khẩu trang nên bị đau họng", vị khách Singapore lưu ý.
Theo dantri.com.vn