Phở Phượng (quận 1) và phở Hoàng (quận 10) của 2 chị em ruột Phượng và Hoàng nổi tiếng ở TPHCM mấy chục năm qua, được Michelin Guide vinh danh là quán ngon, giá phải chăng liên tiếp 2 năm liền.
14h, quán phở Phượng tọa lạc trên đường Hoàng Sa (quận 1, TPHCM), do bà Nguyễn Ngọc Phượng (58 tuổi) làm chủ đông đúc dù đã quá giờ cơm trưa. Trong quán, bà Phượng khi thì tưới nước lèo nghi ngút khói vào tô phở đầy, khi lại nhanh tay làm ly trà đá, mang ra cho khách.
Người phụ nữ U60 cho biết, năm nay, quán của bà lại tiếp tục lọt vào danh sách Bib Gourmand 2024 (quán ngon, giá cả phải chăng) của Michelin Guide.
Điều khiến bà tự hào hơn, là quán phở Hoàng (quận 10) do em gái bà - bà Nguyễn Ngọc Phượng Hoàng (56 tuổi) - làm chủ, cũng lần thứ 2 lọt vào danh sách Bib Gourmand 2024. "Hai chị em ruột có 2 quán được vinh danh, cũng vui", bà bộc bạch.
Quán phở Phượng nằm trên đường Hoàng Sa (Ảnh: Mộc Khải).
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, bà Phượng cho biết rất vui khi món phở tâm huyết của mình được nhiều người yêu thích, công nhận. Song, bà cũng chia sẻ, dù vừa được vinh danh, nhưng lượng khách đến quán cũng không có nhiều sự thay đổi bởi quán của bà vốn đã đông khách lâu nay.
"Quán tôi đã hoạt động được hơn 40 năm nay, được Michelin vinh danh từ năm 2023. Tất nhiên buôn bán cũng sẽ hôm này, hôm khác, song quán cũng có được lượng khách nhất định, có nhiều khách nước ngoài", bà Phượng nói.
Chủ quán phở Phượng bày tỏ, 2 quán phở của 2 chị em cùng thuyết phục được thực khách và được Michelin vinh danh, có thể vì có chung một hương vị đậm đà, nước phở ngọt, thơm lừng nhờ công thức gia truyền.
Bà Phượng kể, mẹ bà là người Nam Định, vào TPHCM bán phở từ thập niên 60, nuôi chị em bà khôn lớn. Dần dà, hương vị phở Nam Định của mẹ bà cũng được biến tấu để phù hợp với khẩu vị người miền Nam.
Khi mẹ mất, chị em bà Phượng tiếp nối quán phở, bà Phượng đứng bếp chính, sử dụng công thức cũ của mẹ để duy trì thương hiệu. Sau đó, bà Phượng truyền lại công thức nấu phở cho em gái là bà Hoàng.
"Thời gian đầu kinh doanh khó khăn lắm chứ không phải dễ dàng. Chúng tôi kiên trì phấn đấu mấy mươi năm mới có được lượng khách như vậy. Đến năm 2004, em gái tôi lập gia đình, mở thêm quán phở cho riêng mình, đặt tên là phở Hoàng. Quán của em gái tôi tồn tại đến nay cũng hơn 20 năm rồi", bà kể.
Dù hoạt động riêng lẻ, khác thương hiệu nhưng cả 2 quán phở Phượng và phở Hoàng đều sử dụng cùng một công thức, nguồn cung cấp nguyên liệu, nên được nhiều người nhận xét có hương vị giống nhau.
Nồi nước dùng được hầm từ xương, thịt và đuôi bò tại phở Phượng (Ảnh: Mộc Khải).
Bà Phượng nói, nước dùng phở tại quán được hầm từ xương, thịt, đuôi bò trong 20 tiếng. Vì vậy, nước dùng của quán ngọt và có mùi thơm đặc trưng từ đuôi bò.
Bà Phượng cũng cho rằng, nước dùng có hương vị đặc biệt, chính là bí quyết hàng đầu khiến phở của hai chị em hút khách và được Michelin "chấm".
Hằng ngày, phở Phượng tiếp hàng trăm lượt khách. Có lúc, quán đông khách, nên dù nhiều bàn ghế đã được bố trí trong quán, song thực khách đến ăn vẫn thiếu chỗ ngồi, phải đợi chờ vài phút.
Bà Lý Nga (SN 1960, Phú Nhuận) - khách quen của quán phở Phượng - cho biết bà thích ăn phở tại quán này vì nước dùng có mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà.
"Thông thường tôi ăn phở sẽ không dùng nước, vì mỗi lần ăn bột ngọt nhiều là 5 phút sau tôi sẽ thấy khó chịu trong người. Tuy nhiên, nước phở của cô Phượng lại ngọt, béo, ăn vào thấy ngon nhưng không cảm nhận được vị bột ngọt. Cũng vì thế, tôi trở lại ủng hộ quán nhiều lần", chị Nga tâm sự.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, một tô phở tại quán phở Phượng nhiều bánh phở, nước dùng đậm đà, phần thịt bò ăn kèm cắt vừa phải, không quá mỏng nên vẫn giữ được độ mềm khi dùng.
Quán phở Phượng có các loại phở bò viên, tái, nạm, đuôi bò... dao động từ 70.000 đồng đến 110.000 đồng.
Hằng ngày, phở Phượng mở bán từ sáng sớm đến khoảng 20h30 thì đóng cửa, dọn dẹp. Tuy nhiên, trong quán luôn có một nồi nước dùng to được hầm trên bếp, nóng hổi, có người canh liên tục để chuẩn bị cho hôm sau.
Bà Phượng cũng cho biết, ngoài bà Hoàng, bà còn truyền công thức nấu phở cho một người cháu (con của chị ruột). Hiện tại, TPHCM có 3 quán phở sử dụng chung một công thức nấu nước dùng.
Bên trong quán phở Hoàng (Ảnh: Mộc Khải).
Phở Phượng (trái) và phở Hoàng có hương vị giống nhau (Ảnh: Mộc Khải).
Dù hoạt động cùng lĩnh vực nhưng các thành viên trong gia đình bà Phượng luôn hỗ trợ lẫn nhau và vui khi cùng nhau được thực khách ủng hộ, tin tưởng, không có chuyện cạnh tranh hay ghen ghét.
Bà Phượng mong rằng món phở gia truyền với công thức do mẹ bà để lại sẽ ngày càng lan rộng, đến được với nhiều người yêu phở nói riêng và người yêu ẩm thực nói chung.
Theo dantri.com.vn