Trong khi nhiều ý kiến cho rằng gói ghém đồ ăn từ nhà đem theo đi du lịch sẽ rất mệt mỏi, không được nghỉ ngơi đúng nghĩa, thì số còn lại trân trọng điều này, coi đây là trải nghiệm thú vị.
Biến xe du lịch thành "nhà bếp di động" với xôi, bánh mỳ, giò, chả
Vào mỗi dịp hè hay các dịp nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình thường tổ chức các chuyến du lịch để nghỉ ngơi thư giãn, gắn kết tình cảm gia đình.
Bên cạnh những vali hành lý chứa quần áo, tư trang, họ mang theo cả nồi thịt kho, chục cân giò hay cả thùng xôi to… Nhiều chuyến xe vì thế bỗng biến thành "nhà bếp di động" khi có đủ mọi đồ ăn lẫn hoa quả, nước uống tráng miệng.
Mới đây, một clip ghi lại hình ảnh đoàn du lịch gia đình mang theo rất nhiều đồ ăn từ nhà sau đó chia nhau thưởng thức đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Món ăn đơn giản gồm có cơm trắng, dưa leo và một món mặn.
Nhiều gia đình thường có thói quen mang theo đồ ăn khi đi du lịch cùng nhau (Ảnh: Cắt từ clip).
Ở một video khác, một gia đình thuê xe 45 chỗ chuẩn bị đủ các món từ xôi, ngô luộc, bánh mỳ, trứng, thịt kho, trứng luộc và chia cho nhau ăn ngay trên xe… Vì có quá nhiều đồ ăn được đựng vào các thùng nhựa lớn, các thành viên trong gia đình đã tận dụng lối đi lại của xe để đặt đồ.
Bên dưới phần bình luận của những video này, cư dân mạng đã chia làm 2 luồng ý kiến.
Một số ý kiến cho rằng, du lịch kiểu này vừa vui, vừa tiết kiệm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không lo bị "chặt chém" và đặc biệt là gắn kết tình cảm gia đình.
Chị Đỗ Thúy (quê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: "Nếu cả đại gia đình đi du lịch cùng nhau thì sẽ có cả người già lẫn trẻ nhỏ, mỗi người mỗi khẩu vị.
Việc chuẩn bị được một số món ăn quen thuộc trong những ngày đầu vừa không bị lạ bụng, đảm bảo sức khỏe cho mọi người lại vừa tiết kiệm.
Có lần, mẹ tôi đi du lịch nhưng lại bị rối loạn tiêu hóa do không hợp thức ăn nên từ sau chuyến đó, mỗi lần đi chơi, mẹ đều mang theo một hộp ruốc to".
Chị Đỗ Ngọc Mai (ở Ba Vì, Hà Nội) cũng cho rằng, việc mang theo đồ ăn không có gì là vất vả nếu biết sắp xếp và có sự thỏa thuận với lái xe.
"Nhiều tài xế thường không thích cho khách mang đồ ăn lên xe và ăn uống ngay trên xe bởi dễ gây ám mùi. Tài xế thường được mọi người gọi vui là "cán bộ đường lối", tốt nhất nên có thỏa thuận trước với lái xe để đôi bên cảm thấy thoải mái, không khiến tài xế cảm thấy khó chịu vì mang theo đồ ăn và ăn ngay trên xe", chị Mai nói.
Theo kinh nghiệm của gia đình chị Mai, chị thường bồi dưỡng thêm cho tài xế một khoản vừa là để cảm ơn, vừa coi như phí vệ sinh xe sau chuyến đi.
Ở chiều ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng, khi đi du lịch, mỗi người nên dành thời gian nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản địa phương thay vì khệ nệ mang theo đồ ăn thức uống. Đi du lịch mà còn vất vả cơm đùm cơm nắm thì chẳng khác nào "hành xác".
Anh Đỗ Văn An (27 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) chia sẻ, gia đình anh thường tổ chức đi du lịch biển vào dịp hè. Nhà anh An đã đi khắp các bãi biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Mỗi chuyến đi như thế, hơn 20 thành viên của gia đình thường thuê chuyến xe 29 chỗ để di chuyển.
Theo thói quen, mẹ và các dì thường chia nhau mỗi người chuẩn bị một món ăn. Người nấu xôi, người mua giò, người làm ruốc, người đặt bánh mỳ…
Chuyến nào cả nhà cũng dậy từ 3-4h sáng để chuẩn bị nên anh An thấy ai cũng vất vả. Nhiều khi đồ đem theo nhiều nhưng di chuyển xa ai cũng mệt nên ăn không hết.
"Một vài năm gần đây, tôi khuyên mọi người nên tự "giải phóng" sức lao động, đi du lịch là để nghỉ ngơi, ăn những món ngon, đặc sản vùng miền", anh An nói.
Người dùng mạng có tài khoản Vũ Dũng thì bình luận: "Đi chơi chứ không phải đi hành xác. Dịch vụ nhiều nơi phát triển, giá cả cũng phải chăng nên mỗi người không nên tự làm khổ mình. Đi du lịch mà ăn uống vạ vật thì ở nhà vẫn hơn".
Anh Dũng cũng cho rằng, việc mang theo đồ ăn tới các khu du lịch dễ gây ra cảnh tượng mất thẩm mỹ trong mắt du khách. Anh Dũng từng chứng kiến cảnh không ít người vô tư mở xôi gà, giò, cơm nắm ăn giữa sân chùa hay trên bãi biển rồi xả rác nilon bừa bãi khiến nhiều người xung quanh ái ngại.
Lưu ý khi đi du lịch tự túc
Chị Minh Phương (CMPVINA Travel & Logistics) chia sẻ, nhiều đoàn khách là gia đình, bạn bè tổ chức đi tự túc thường có thói quen mang theo nhiều loại đồ ăn, thức uống dự trữ.
"Kinh tế khó khăn, nhiều nhóm khách có tâm lý tiết kiệm nên thường lựa chọn đi tự túc vì cho rằng được chủ động ăn uống, đi lại, lưu trú sẽ rẻ hơn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc đi tự túc có thể còn đắt hơn đi tour của các công ty. Giá bán và giá cung cấp dịch vụ cho các đoàn khách tự túc thường là "giá bán lẻ", còn giá cho các công ty du lịch thường là "giá buôn" nên sẽ rẻ hơn.
Ngoài ra, các công ty hoạt động lâu năm, chuyên nghiệp thường sẽ biết được những địa chỉ cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú chất lượng mà giá cả phải chăng hợp với từng nhóm khách", chị Phương nói
Đi du lịch tự túc có ưu điểm thoải mái thời gian và du khách có quyền tự quyết hoặc thay đổi các cung đường, điểm đến (Ảnh: V. T).
Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Văn Thanh, hướng dẫn viên Công ty du lịch Sao Việt cũng cho biết, đa số các đoàn khách mang đồ ăn theo khi đi du lịch là các đoàn khách gia đình.
"Phí nhân công, mặt bằng ở các địa điểm du lịch thường cao hơn ở các địa phương khác nên giá cả ăn uống sẽ chênh lệch.
Nhiều du khách thấy đồ ăn thức uống giá cao hơn mức ở nơi mình sinh sống thì thường so sánh và cho rằng bị "chặt chém". Vì thế, nhiều người sẽ chuẩn bị đồ ăn mang theo khi đi du lịch", anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, đi du lịch tự túc có ưu điểm là thoải mái thời gian và du khách có quyền tự quyết.
Tuy nhiên, để chuyến du lịch đem lại trải nghiệm nghỉ ngơi đúng nghĩa, các gia đình nên chuẩn bị kế hoạch rõ ràng, lên lịch trình cụ thể, nên chuẩn bị sớm, tránh tình trạng đi "sát nút" để chọn được dịch vụ giá ưu đãi và nơi ăn chốn nghỉ như ý.
Trong trường hợp mang theo đồ ăn nên đảm bảo các quy định về đảm bảo mỹ quan, vệ sinh của các điểm đến du lịch khi ăn uống.
Theo dantri.com.vn