Ấn tượng tàu kết nối di sản

Chủ nhật, 24.11.2024 | 08:34:36
65 lượt xem

Chiều 22/11, Hành trình “Kết nối di sản miền trung” của Đường sắt Việt Nam được vinh danh dẫn đầu hạng mục hoạt động-dịch vụ trải nghiệm ấn tượng trong Chương trình bình chọn “Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế 2024”. Sau 8 tháng hoạt động, tàu “Kết nối di sản miền trung” đã đón gần 170 nghìn lượt hành khách trong nước và quốc tế trải nghiệm cung đường sắt đẹp nhất dải đất hình chữ S xinh đẹp theo cách vô cùng đặc biệt.

Biểu diễn văn nghệ phục vụ hành khách trên toa cộng đồng.

Trải nghiệm độc đáo, khó quên

Với chiều dài hơn 100km có nhiều đoạn đường quanh co, uốn lượn như dải lụa men theo triền đèo, bên là núi non hùng vĩ, bên là biển cả bao la, tuyến đường sắt Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng mang lại nhiều cảm xúc.

Với nhiều du khách, hành trình trên tàu ngập tràn niềm vui, hạnh phúc khi được dịch chuyển, chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên để thư thái lắng lòng mình, “chữa lành”, nạp năng lượng sau những tháng ngày bận rộn lo toan của cuộc sống.

Cảnh sắc kỳ diệu ẩn hiện giữa trời mây, biển xanh, cây rừng, đá núi nơi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” Hải Vân khiến du khách không thể rời mắt. Xa xa là cánh sóng xanh rì, những khóm hoa bướm bạc nở rộ khoe sắc trắng bên đường khiến lòng người xao xuyến.

Hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như tranh, đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất mang lại cảm giác thư giãn, nhẹ nhàng và bình yên.

Ấn tượng tàu kết nối di sản ảnh 1
Du khách thưởng thức ẩm thực trên tàu.

Tàu sạch đẹp, khang trang, tiện nghi, khoang hành lý, ghế ngồi rộng rãi, nhân viên phục vụ chu đáo, tận tình, nhiều dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách đi tàu, trải nghiệm thú vị, độc đáo, đó là cảm tưởng của GS.TS.Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải và nhiều du khách trên chuyến tàu kết nối di sản.

Lần đầu đi tàu hỏa, các con chị Nguyễn Thảo, hành khách tàu HĐ4 rất háo hức, mải mê ngắm nhìn cảnh đẹp. Bên ô cửa toa tàu, chị Thảo chỉ cho hai bé Anh Tuấn, Anh Tú xa xa là đầm Lập An, làng chài, biển Lăng Cô hiền hòa với bờ cát trắng trải dài, cảng Tiên Sa…

Trong chuyến đi phượt, chị Hải Yến ở Minh Khai, Hai Bà Trưng (Hà Nội) cùng con đi tàu ra Huế để có cơ hội trải nghiệm, còn chồng chị một mình đi ô-tô đón mẹ con ở ga Huế. Chị Lê Thị Lợi ở Cầu Hai, Phú Lộc (Huế) chọn thuê xe ô-tô dịch vụ đi vào Đà Nẵng ngắm cảnh đẹp từ đỉnh đèo Hải Vân, trở về chọn đi tàu để có cảm nhận đầy đủ “hai trong một”.

Ngắm nhìn, tận hưởng những khung cảnh nên thơ được thiên nhiên ưu ái ban tặng, hành khách say sưa quay phim, chụp ảnh, không bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt vời.

Mỗi lần xách ba lô lên đường là một lần trải nghiệm, thêm yêu đất nước, sinh viên Nguyễn Minh Quang ở Giải Phóng, Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, lần này đi tàu có thêm cảm hứng mới và sẽ có bộ ảnh đẹp lưu giữ trên Facebook. Thả tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc đẹp nao lòng lướt qua trên cung đường thơ mộng, các du khách nước ngoài trầm trồ thích thú.

Trên hành trình, tàu dừng đỗ tại ga Lăng Cô 10 phút là cơ hội để hành khách có thêm thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp hay chụp hình, check-in ở một nhà ga mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp cổ.

Ấn tượng tàu kết nối di sản ảnh 2
Hành khách lên tàu tại ga Lăng Cô.

Biết tin có đoàn tàu kết nối di sản, lần này về nước bay ra Đà Nẵng rồi đi tàu về thăm quê, ông Jonh Phan, Việt kiều Mỹ, người gốc Huế cảm nhận rất thú vị. “Mấy chục năm không đi tàu, khác xa với thời bao cấp, giờ đây bao ký ức thân thương ùa về”, ông trải lòng.

Bà Trần Thị Thanh Kiểm ở quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) bộc bạch, mỗi lần nghe bài hát về Huế, trong lòng trào dâng nỗi nhớ quê hương khôn nguôi. “Tàu đẹp, không còn “mùi tàu”, nhà vệ sinh sạch sẽ, điều hòa mát lạnh, cửa ra vào các toa tự động, loa phát thanh thuyết minh từng chặng đường, thoải mái thư giãn, ngắm cảnh gần ba tiếng, lại được thưởng thức văn nghệ đặc sắc, ẩm thực đậm hương vị quê nhà, tôi rất hài lòng”, bà hồ hởi.

Tiếng đàn, tiếng hát từ toa cộng đồng vọng lại mời gọi du khách tới khám phá, thưởng thức điều đặc biệt nhất trong chuyến tàu Kết nối di sản.

Bước vào toa cộng đồng, du khách như lạc vào không gian cung đình xưa với cách bài trí, hoa văn đậm giá trị văn hóa di sản Cố đô, những nét đặc sắc mô phỏng cầu Rồng ngập tràn sắc vàng của Đà Nẵng-thành phố đáng sống sở hữu những bãi biển được bình chọn đẹp nhất hành tinh.

Các nghệ sĩ mặc trang phục truyền thống biểu diễn cháy hết mình với tiết mục nhã nhạc, hò Huế, tiếng sáo du dương giai điệu bài “Thương về cố đô” nao lòng người, “Đà Nẵng ơi tình người” da diết gợi nhớ hình ảnh quê hương, thổn thức lòng người xa xứ, tiếng saxophone sâu lắng “Một cõi đi về” của nhạc sĩ xứ Huế họ Trịnh tài hoa.

Khách nồng nhiệt cùng nghệ sĩ hòa mình trong những giai điệu vui tươi, rộn ràng, đồng thanh hòa vang lời ca bài hát “Tàu anh qua núi” khi tàu chạy chậm qua đèo Hải Vân. Âm nhạc, cảnh sắc và lòng người giao thoa tạo nên cảm giác lâng lâng khó tả.

Không chỉ thưởng thức chương trình văn nghệ lắng đọng lẫn sôi động, được kết nối, giao lưu, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn ẩm thực của Huế ngon và hợp khẩu vị, đó là chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Toàn, Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và đoàn khách từ phương nam.

Trên chuyến tàu HĐ3, chị Hoa Phượng, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cảm nhận nhiều hoạt động thật sự mang lại những giây phút thư giãn và hạnh phúc cho hành khách, bày tỏ mong muốn ngành đường sắt vừa hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được nét đẹp đáng yêu, đáng quý và không quên tặng cuốn sách “Trước nhà có cây hoàng mai” cho tủ sách trên tàu.

Toa cộng đồng trở thành điểm check-in "di động" ấn tượng. Trưởng tàu Nguyễn Ngọc Sơn hào hứng cho biết, nhiều đoàn khách từ khắp các tỉnh, thành về trải nghiệm, khách nước ngoài bất ngờ, ấn tượng với một đoàn tàu đặc biệt, khi đắm chìm với giai điệu trữ tình ngọt ngào, lúc hứng thú hát nhảy, “quẩy” tưng bừng, khám phá tinh hoa ẩm thực Huế, mua sắm những món quà lưu niệm độc đáo. Dịp hè, tỷ lệ lấp đầy chỗ trung bình 90%, ngày cuối tuần đạt 100%.

Với tiện ích về lịch trình chạy, thời gian di chuyển, cơ sở vật chất, nhân viên phục vụ, một số công ty du lịch cũng đang quan tâm, thiết kế đưa chuyến tàu vào tour phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam mùa thu, đông.

Ấn tượng tàu kết nối di sản ảnh 3
Trưởng tàu Nguyễn Ngọc Sơn lắng nghe góp ý của hành khách.

Hành trình kết nối

Trải nghiệm một chuyến đi tuyệt vời với nhiều cảm xúc, dịch vụ tốt, nhân viên nhiệt tình, niềm nở, thân thiện, ngành đường sắt đã có nhiều thay đổi, khách đi tàu càng đông…những phản hồi, đánh giá tích cực là nguồn động viên, khích lệ các tổ tàu cố gắng.

Nhân viên Lê Thị Bích trải lòng, tàu kết nối di sản đậm nét văn hóa, khách du lịch nhiều nên càng phải nỗ lực trau dồi nghiệp vụ, vệ sinh toa xe sạch sẽ, chăm sóc tận tình, ân cần, giao tiếp lịch thiệp để lần sau khách trở lại trải nghiệm và lan tỏa tới bạn bè, người thân tiếp tục khám phá đoàn tàu.

Trưởng tàu HĐ3 Lê Minh Đức cho biết, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Đồng Hới Lương Xuân Thường luôn kiểm tra, nhắc nhở, cầu thị lắng nghe nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tổ tàu để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, để mỗi tiếp viên trên tàu trở thành “đại sứ” kết nối, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu "Kết nối di sản miền trung" đúng Ngày kỷ niệm 49 năm giải phóng Thừa Thiên Huế 26/3/2024 minh chứng cho tinh thần không ngừng đổi mới, tư duy, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, khẳng định vai trò và vị thế của ngành đường sắt trong thời đại mới.

Nhớ lại những buổi “vạn sự khởi đầu nan”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho hay, đề nghị từ thành phố Huế cũng rất trùng hợp với ý tưởng của Tổng Công ty, khai thác cung đường tuyệt đẹp không chỉ quảng bá du lịch, kết nối di sản vùng miền mà còn phục vụ hành khách đi lại thuận tiện, an toàn, do đó hai bên bắt tay phối hợp với quyết tâm cao trên tinh thần chia sẻ lợi ích, hỗ trợ lẫn nhau.

Tư duy đổi mới không đơn thuần vận tải khách thuần túy di chuyển giữa hai điểm đi, đến mà còn mang lại mang lại câu chuyện khám phá văn hóa, trải nghiệm ấn tượng khó quên cho du khách trong suốt hành trình đã củng cố thêm niềm tin, vượt qua những định kiến băn khoăn, lo lắng đầu tư sẽ thất bại bởi trước đây chạy tàu chợ đã phải dẹp bỏ.

Lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam cùng các họa sĩ làm cả ngày đêm cho kịp tiến độ, vừa thi công toa cộng đồng vừa điều chỉnh kể cả gam màu, chất liệu, ánh sáng, biến ý tưởng thành hiện thực. Rồi cả núi công việc: đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, chỉnh trang nhà ga, bố trí cả phòng đợi VIP, dọn dẹp tuyến đường sắt bảo đảm xanh, sạch, đẹp…cũng khẩn trương hoàn thành chỉ sau hơn 1 tháng triển khai.

Tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng cũng rốt ráo vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng để tạo điều kiện thuận lợi cho khách đi tàu xuống ga kết nối giao thông thuận tiện với các điểm ăn uống, vui chơi, ưu đãi giảm giá khách sạn, nhà hàng, tham quan di tích, điểm du lịch…

Ấn tượng tàu kết nối di sản ảnh 4
Hành khách check-in tại toa cộng đồng.

Chuyến tàu "Kết nối di sản miền trung" không chỉ kết nối các điểm đến giàu tính lịch sử mà còn kết nối giữa nhân viên, nghệ sĩ biểu diễn với du khách và giữa các du khách với nhau.

Tàu kết nối di sản là một sản phẩm hình mẫu trực quan sinh động, tạo đà tiếp tục cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm kinh doanh vận tải đường sắt kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, lịch sử, văn hóa, đánh trúng nhu cầu thị trường trong thời gian tới.

Thành công chỉ là bước đầu, đòi hỏi không ngừng đổi mới, vươn lên, tạo thiện cảm tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước. Để hành khách không nhàm chán, đi tàu chỉ vì hiếu kỳ, trải nghiệm một lần cho biết là cả thách thức.

Do đó, cần tăng cường quảng bá, kết nối với các công ty du lịch để hút khách, tiếp tục cải thiện toa xe, trang thiết bị, nhân viên nâng cao giao tiếp ứng xử và trình độ ngoại ngữ, giữ cho đoàn tàu sạch đẹp, văn minh, chất lượng dịch vụ mở rộng và đi vào chiều sâu, phục vụ riêng cả tệp khách hàng cao cấp, để mỗi lần đi tàu hành khách có thêm trải nghiệm thú vị, góp phần lan tỏa văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/an-tuong-tau-ket-noi-di-san-post846588.html

  • Từ khóa