Để hoàn thành trọn vẹn chuyến đi một năm dọc châu Phi và phòng lây lan Covid-19, Mai quyết định ở lại Mozambique mà không về nước.
Sau thời gian học đại học ở TP HCM và thực tập tại Nhật Bản, Ấn Độ, Nguyễn Thị Thanh Mai (Đồng Nai) nung nấu ý định về một chuyến đi dài, khám phá thế giới và chính bản thân mình. Vì vậy, khi kết thúc thực tập và trở về Việt Nam, ngày 15/4/2019, cô bắt đầu chuyến đi một năm dọc châu Phi bằng hình thức đi nhờ (hitchhike).
Thanh Mai thực hiện hitchhike ở sa mạc Sahara, Sudan. Cô chia sẻ "Mình muốn nói với các bạn có ước mơ khám phá giống mình rằng, mình làm được thì bạn cũng làm được." Ảnh: NVCC.
Mai dự định kết thúc hành trình ở Maputo, thủ đô Mozambique và dành một tháng để chuẩn bị về nước. Cô sẽ đi nhờ tàu biển về Singapore và từ đây đi nhờ xe máy về Việt Nam. Nhưng thời điểm này cũng là lúc Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia, việc đi nhờ tàu trở thành ý tưởng tồi tệ, cô tìm phương án hai là đi nhờ máy bay. "Trong suốt hành trình, mình đã đi nhờ xe dọc châu lục này. Mình muốn hoàn thành chuyến đi bằng chính cách đó. Với mình như vậy mới trọn vẹn", Mai chia sẻ.
Khi các nước rục rịch đóng cửa biên giới và các hãng bay dần dần dừng hoạt động, Mai tính ở lại Mozambique, dù lúc đó cô vẫn có thể mua vé về. Nếu di chuyển lúc này, cô cảm thấy bản thân thật vô trách nhiệm khi có thể làm phát tán virus nhanh hơn. "Mình không muốn kết thúc chuyến đi một cách bất đắc dĩ như thế nên quyết định ở lại, tự cách ly và chờ đợi mọi thứ trở lại bình thường", cô nói.
Cô nhanh chóng tới Maputo, liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại đây, để chuẩn bị kế hoạch ứng phó nếu virus đã lan tới và tìm chỗ ở trong vài tháng. Đại sứ quán lưu lại số điện thoại của Mai để hỗ trợ thông tin và giúp cô liên lạc với cộng đồng người Việt ở Mozambique.
Mozambique đóng cửa biên giới, ngừng hoạt động hàng không và thực hiện cách ly xã hội đến hết 30/4, các cửa hàng, quán ăn cũng phải đóng cửa, hoặc phục vụ tối đa 10 người. Ban đầu, Mai liên tục xuống phòng xuất nhập cảnh ở thành phố để xin gia hạn visa. Tuy nhiên quốc gia này đã tự động gia hạn cho du khách nước ngoài tới 30/6, vì vậy cô không còn quá lo lắng.
Với Mai, việc "bỏ của chạy lấy người" về Việt Nam trong lúc dịch bệnh khá vô trách nhiệm vì biết đâu chính mình là người làm phát tán virus. Ảnh kỷ niệm của cô tại trung tâm giáo dục cộng đồng ở Tanzania. Ảnh: NVCC.
Lúc đầu, cô ngụ tại một khách sạn ở Maputo. Nơi này không còn du khách nên khách sạn chỉ còn mình cô, một bảo vệ, vài nhân viên vệ sinh và quản lý thi thoảng ghé qua. Do không thể giao tiếp với mọi người nên cô cảm thấy mông lung và buồn chán. Trò chuyện cùng những người Việt Nam ở đây, Mai được một phụ nữ tên Xuân Lý ngỏ ý đón về ở cùng. Bà Lý đang kinh doanh nhà hàng, hiện vẫn được mở cửa tuy nhiên phục vụ không quá 10 người một lúc.
"Ở đây, mình thấy rất tốt. Bạn bè của cô Lý thân thiện, họ thường hỏi han và trò chuyện cùng mình", cô nói. Ban đầu, có nhiều người người địa phương lầm tưởng Mai là người Trung Quốc nên thường gọi cô là "corona virus". Tuy nhiên với Mai, mọi người chỉ có ý trêu chọc, phần lớn đều lịch sự với cô.
Dù mong mỏi về nước khi có thể, Mai vẫn giữ tinh thần lạc quan và tình yêu với châu Phi. Công việc chính của Mai là cung cấp các dịch vụ mạng xã hội nên cô vẫn luôn bận rộn, có việc làm để không buồn chán. Mỗi tháng, Mai chi tiêu khoảng 370 USD, gồm tiền thực phẩm, nơi ở và Internet. Khi có thể, Mai phụ giúp công việc cho cô Lý, trò chuyện và hỏi thăm mọi người, để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè.
Ngay sau khi hết dịch, Mai mong muốn thực hiện được chuyến đi nhờ về Việt Nam. Khi hàng không được hoạt động trở lại, cô sẽ gửi thư cho họ và hợp tác viết bài như trước đây cô từng làm với các hãng tàu. Với Mai, đây vừa là thách thức, vừa là mong muốn của bản thân.
Mai hi vọng, dịch bệnh được kiểm soát tốt, để Mozambique nói riêng và châu Phi nói chung sớm được trở lại bình thường. Đặc biệt, cô sẽ hoàn thành được chuyến phượt dài của mình, kết thúc trọn vẹn ở điểm cuối cùng mà mình mong muốn.
Lan Hương/vnexpress.net
https://vnexpress.net/du-khach-viet-tinh-nguyen-mac-ket-o-chau-phi-4088509.html