Ngày làm việc trên du thuyền quốc tế của chàng trai Việt

Thứ 7, 25.04.2020 | 17:30:00
671 lượt xem

Đối với chàng phục vụ du thuyền quốc tế, việc sáng dùng bữa ở một nước, tối đã ngủ tại nước khác là trải nghiệm thú vị của tuổi trẻ.

7h sáng mỗi ngày, Từ Trung Hậu (Henry Từ) theo thói quen với tay tắt chuông báo thức rồi sắp xếp lại ga giường, chăn gối. Sau khi vệ sinh cá nhân, anh thay đồng phục, đeo bảng tên, chỉnh lại đầu tóc và lên nhà ăn ăn sáng.

8h kém 5 phút, Hậu đã sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Điều thú vị là nhà hàng nơi anh làm không đứng im một chỗ, mà di chuyển mỗi ngày do nằm trên du thuyền quốc tế, có hải trình vòng quanh châu Á. Đó cũng là lý do Hậu có thể sáng dùng bữa ở một nước, tối đã ngủ tại nước khác.

Công việc chính của chàng trai 27 tuổi là beverage seller - đi vòng quanh khu vực nhà hàng để bán đồ uống, kem, đồ ăn kèm... Mọi nhà hàng nơi Hậu làm đều phục vụ ăn uống miễn phí, vì tiền đã được khách trả khi mua tour. Do đó, để có thêm doanh thu, nhà hàng phục vụ thêm các loại đồ ăn, thức uống khác ngoài thực đơn.

            Hậu trong một ca làm việc. Ảnh: Henry Từ.

Hậu trong một ca làm việc. Ảnh: Henry Từ.

Sau khi hành khách dùng bữa, Hậu có khoảng 30 phút đến 1 tiếng ăn trưa. Thông thường, nhân viên trên tàu có cùng quốc tịch sẽ ngồi một bàn để dễ "buôn" chuyện. Kết thúc giờ nghỉ cũng thường đến giờ tàu cập cảng tại một quốc gia nào đó trong hải trình. Các nhân viên như Hậu sẽ có thời gian rảnh từ 3 đến 5 tiếng, tùy vị trí làm việc. Trong thời gian này, những người không có nhiệm vụ trong ngày có thể được phép rời tàu và nhập cảnh để tranh thủ tham quan những vùng đất mới.

Mỗi khi tàu cập cảng, tùy theo khung giờ làm và lượng khách, số ngày neo đậu, Hậu sẽ biết được mình có thể ra ngoài chơi hay không. Lối ra cho nhân viên treo bảng thông báo thời gian chậm nhất phải về tàu là mấy giờ. "Tất nhiên tàu sẽ không chờ mình đâu", chàng trai người Bình Phước nói.

Sau khi đi chơi, Hậu sẽ nhớ giờ quay lại tàu để chuẩn bị phục vụ khách bữa tối. Thỉnh thoảng, anh chàng cũng được điều động sang nhà hàng khác để hỗ trợ, nếu bên đó đông khách. Hết giờ làm, Hậu thường lên mũi tàu hóng gió, ngồi trò chuyện với bạn bè hoặc lên bar dành cho nhân viên để nhâm nhi vài lon bia, đi tập gym. Anh hay đọc sách và "cày phim" trên máy tính những lúc rảnh.

            Cabin của Hậu không có cửa sổ và có 3 người với 3 hộc tủ, tivi, tủ lạnh mini. Hậu chụp phòng ngủ lúc đã mang chăn ga gối đi đổi lấy đồ mới. Bình thường, mỗi giường đều có một tấm rèm che kín để tạo không gian riêng tư cho mỗi người. Ảnh: Henry Từ.

Cabin của Hậu không có cửa sổ và có 3 người với 3 hộc tủ, tivi, tủ lạnh mini. Hậu chụp phòng ngủ lúc đã mang chăn ga gối đi đổi lấy đồ mới. Bình thường, mỗi giường đều có một tấm rèm che kín để tạo không gian riêng tư cho mỗi người. Ảnh: Henry Từ.

Công việc của Hậu tưởng như khá đơn giản, nhưng thường chiếm tới 12 giờ mỗi ngày và không có ngày nghỉ. Các nhân viên chỉ được nghỉ khi đau ốm và có xác nhận của bác sĩ trên tàu. Trong trường hợp này, mọi người không cần đi làm và vẫn được trả lương. Với những ca bệnh nặng hơn, bác sĩ sẽ viết giấy và chuyển nhân viên ra bệnh viện tại quốc gia gần với vị trí của tàu nhất, mọi chi phí sẽ được bảo hiểm trả (trừ nha khoa).

Nhiều người nghe thấy Hậu mỗi ngày phải làm 12 tiếng thường tỏ vẻ lo lắng, vì thời gian quá dài. Những ngày đầu lên thuyền, Hậu cũng có cảm giác tương tự. Tuy nhiên khi đã quen, anh thấy một ngày trôi qua rất nhanh và hào hứng tận hưởng quãng thời gian làm việc thú vị trên tàu. Thời gian mỗi lần phục vụ trên tàu thường kéo dài tới 8 tháng, nhưng "chẳng mấy chốc đã thấy tới lúc chuẩn bị được về nhà", Hậu nói.

Trên tàu, mỗi ngày các nhân viên được ăn tới 6 bữa: sáng, trà sáng, trưa, trà chiều, tối và khuya. Mọi thứ đều có khung giờ cố định trong nhà ăn, và mọi người có thể ăn thoải mái theo khả năng. Tuy nhiên ăn mãi đồ nước ngoài cũng chán, Hậu cũng mang thêm sẵn mì gói, đồ ăn Việt để đổi món. 

Về sinh hoạt thường ngày, mỗi tuần Hậu có hai ngày để mang chăn, ga, khăn tắm, vỏ gối... xuống đổi lấy đồ mới. Trên tàu có phòng giặt đồ để mọi người giặt đồng phục và đồ cá nhân. Hậu nói, mọi thứ diễn ra trên tàu đều có quy củ vì có khung giờ hoạt động nhất định. Mọi người cứ dựa vào các khung giờ để hoạt động.

Mỗi nhân viên sẽ được phát một tấm thẻ (Crew Card). Hậu gọi đó là chiếc thẻ "thần thánh", vì nó được dùng trong mọi trường hợp: mua wifi (wifi trên tàu khá đắt nên anh thường đến nước nào sẽ mua sim của nước đó), đồ uống, thức ăn trong quầy bar, đồ miễn thuế trên tàu và thỉnh thoảng tự thưởng cho mình một bữa ăn hoành tráng trên tàu. Mỗi lần quẹt thẻ, số tiền chi ra sẽ được trừ thẳng vào lương tháng. Thẻ này cũng để nhân viên lên, xuống tàu mỗi khi cập cảng.

  Lương khởi điểm mà Hậu ký cho vị trí phục vụ nhà hàng của mình là 658 USD một tháng, đó là vào cuối năm 2017. Hiện tại, thu nhập của anh đã cao hơn. Tùy vào chi tiêu, mua sắm của từng người mà số tiền tiết kiệm của các nhân viên trên tàu cũng khác nhau. Bản thân Hậu thấy hài lòng với cuộc sống và công việc trên tàu của mình, vì anh tiết kiệm được khá nhiều.

            Thẻ lên tàu của Hậu. Ảnh: Henry Từ.

Thẻ lên tàu của Hậu. Ảnh: Henry Từ.

Hậu tốt nghiệp khoa Quản trị Nhà hàng Khách sạn của một trường đại học trong nước vào năm 2013. Sau đó, anh thử sức ở nhiều công việc khác nhau như lễ tân, sale, làm sự kiện... Đến năm 2016, anh vô tình thấy thông tin tuyển dụng làm việc trên tàu quốc tế từ một công ty ở Việt Nam. Yêu thích trải nghiệm và khám phá nên chàng trai trẻ mạnh dạn ứng tuyển. Hãng tàu mà anh từng làm việc là Star Cruises và Dream Cruises, hai hãng có cùng công ty mẹ là Genting Malaysia, có nhiều con tàu nằm ở các nước khác nhau.

Hợp đồng làm việc đầu tiên của Hậu là trên tàu 4 sao Super Star Libra (SSR), hải trình gồm Cảng Klang (cảng mẹ - homeport, gần Kuala Lumpur, Malaysia), Penang, Langkawi, Phuket (Thái Lan), đảo Macleod (Myanmar), Medan (Indonesia). Những chuyến đi tiếp theo của Hậu là trên tàu 5 sao Genting Dream (GDR) với hải trình Singapore, cảng Klang, Langkawi, Penang, Bintan (Malaysia); Bali (Indonesia), Phuket hoặc Pattaya (Thái Lan) và đôi khi cập cảng Phú Mỹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Việt Nam).

Ngôn ngữ chính để giao tiếp trên tàu là tiếng Anh, do sống trong môi trường làm việc quốc tế, với các đồng nghiệp và khách hàng đến từ nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan... Nhờ đó, sau khi làm việc một thời gian, khả năng tiếng Anh của Hậu tiến bộ vượt bậc. Lượng khách nói tiếng Trung trên tàu khá lớn. Do đó, Hậu cũng học thêm tiếng Trung Quốc để tiện giao tiếp.

Một trong những điều chàng phục vụ thích nhất khi làm việc trên tàu là gặp người Việt Nam. "Lúc đó thì tiếng mẹ đẻ cứ tuôn trào, không cản được", anh nói. Ngoài ra, sự kỷ luật về giờ giấc, sinh hoạt là điều Hậu bị thu hút khi làm việc trên tàu.

Việc quen biết những người bạn quốc tế cũng là trải nghiệm tuổi trẻ vui vẻ và khó quên của anh. Bạn thân nhất trên tàu của Hậu là Quân. Cả hai gặp nhau khi đến công ty ký hợp đồng làm việc trên tàu và đi cùng một chuyến bay. 

Hiện tại, Hậu sống tại TP HCM. Cậu đã hết hợp đồng làm việc và đang tạm nghỉ do chịu ảnh hưởng chung của Covid-19 trên toàn cầu. Tạm khép lại giấc mơ biển cả, anh trở lại đất liền và theo học ngành thiết kế đồ hoạ mà mình yêu thích. Nhưng chàng trai này vẫn mong một ngày có thể quay lại làm khách trên những du thuyền đi khắp thế giới. "Vì máu xê dịch trong người vẫn không ngừng chảy", Hậu bày tỏ.


Phương Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/ngay-lam-viec-tren-du-thuyen-quoc-te-cua-chang-trai-viet-4088542.html

  • Từ khóa