Một số chuyên gia cho rằng, lựa chọn này là vô nhân đạo và đẩy nhanh quá trình tái bố trí các công ty dược phẩm Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, khi Mỹ tăng cường các đòn tấn công nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc và lời đe dọa “tách rời” ngày càng gia tăng, các cố vấn của chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về điều mà họ gọi là “lựa chọn hạt nhân”: cắt quyền tiếp cận của Mỹ với dược phẩm.
Từ các loại thuốc giảm đau cho tới thuốc điều trị HIV, Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc do việc bố trí sản xuất ra nước ngoài những năm 1990.
Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc do việc bố trí sản xuất ra nước ngoài những năm 1990.
“Vũ khí hóa” xuất khẩu dược phẩm là vô đạo đức?
Dù việc “vũ khí hóa” xuất khẩu dược phẩm và các loại tiền chất chưa nhận được sự ủng hộ chính thức, nhưng các cuộc thảo luận về vấn đề đã thu hút sự quan tâm cả ở Mỹ và Trung Quốc.
Ý tưởng này được Li Daokui, một cố vấn chính phủ đồng thời là học giả nổi tiếng của Trung Quốc, đưa ra gần đây. Ông nói rằng, việc hạn chế tiếp cận thuốc có thể là sự trả đũa hợp pháp đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu các công nghệ và phần mềm của Mỹ.
Trong một tuyên bố với SCMP, ông Li cho biết, ông muốn nhấn mạnh vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc và việc tách rời 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều không thể. Năm 2019, ông cũng từng nói rằng Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thuốc kháng sinh sang Mỹ như một công cụ đáp trả chiến tranh thương mại.
Các chuyên gia khác cho rằng ý tưởng này không chỉ vô đạo đức mà còn có thể sẽ phản tác dụng.
“Gợi ý này không có nhiều ý nghĩa. Nó sẽ thất bại và không giúp Trung Quốc đáp trả Mỹ, nó cũng sẽ làm gia tăng các nỗ lực ngăn chặn các công ty công nghệ cao của Trung Quốc”, Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, đồng thời là cố vấn của Hội đồng nhà nước Trung Quốc.
Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung dược phẩm từ Trung Quốc
An ninh chuỗi cung cấp dược phẩm đã nổi lên như một chủ đề quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, khi cả đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đều tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 đã làm phơi bày điểm yếu trong hệ thống cung cấp dược phẩm và thiết bị y tế của Mỹ.
Trong khi các công ty dược phẩm vẫn duy trì cơ sở nghiên cứu ở trong nước, thì việc sản xuất quy mô lớn lại gần như “biến mất” khỏi Mỹ.
Nhiều thành phần quan trọng của thuốc kháng sinh không còn được sản xuất ở Mỹ. Công ty sản xuất các thành phần penicillin cuối cùng còn hoạt động ở Mỹ cũng đã đóng cửa năm 2004.
Theo dữ liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, năm 2019, khoảng 40% các loại thuốc kháng sinh nhập khẩu vào Mỹ là từ Trung Quốc, trong đó có 90% chloramphenicol, 93% tetracyclines và 52% pennicillin.
Điểm yếu của Mỹ, lợi thế của Trung Quốc
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung cấp một số loại thuốc cơ bản là một điểm yếu đối mới Mỹ và là lợi thế đối với Trung quốc, theo Zhang Weiwei, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Fudan.
Trong một bài phát biểu đầu năm nay, ông nói rằng “tất cả các bệnh viện ở Mỹ sẽ phải đóng cửa nếu thiếu nguồn cung từ Trung Quốc, do sự phụ thuộc lớn vào thuốc kháng sinh Trung Quốc.
Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất thế giới các thành phần dược phẩm hoạt tính (API), các thành phần tiền chất sử dụng trong các loại thuốc gốc. Hơn 11.000 nhà sản xuất [Trung Quốc] xuất khẩu dược phẩm, với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản là 3 điểm đến hàng đầu.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không thông tin cụ thể về khối lượng API được sản xuất ở Trung Quốc. Nhưng trong một lá thư gửi tới FDA tháng 8/2019, Chủ tịch Ủy ban tài chính thượng viện Chuck Grassley ước tính khoảng 80% các loại API sử dụng ở Mỹ là được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngành công nghiệp thuốc gốc của Ấn Độ, mà theo FDA là cung cấp 40% thuốc gốc cho Mỹ, cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Ấn Độ nhập khẩu tới 75% API từ nước láng giềng nhưng chỉ vì giá thành rẻ, theo một báo cáo từ trang web Y tế trực tuyến của Ấn Độ.
Theo báo cáo này, sản xuất tiền chất ở Trung Quốc, nước cũng là nhà sản xuất điện lớn nhất thế giới có hiệu quả chi phí tốt hơn.
Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu 9,8 tỷ USD dược phẩm và 7,4 tỷ USD hóa chất hữu cơ – trong đó bao gồm cả API và thuốc kháng sinh – sang Mỹ, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc.
Trung Quốc tự bắn vào chân mình
Nếu Trung Quốc có ý định phê chuẩn lựa chọn hạt nhân về hạn chế cung cấp dược phẩm, thì Mỹ gần như không thể tái bố trí sản xuất hoặc tìm nguồn cung thay thế ngay trong ngắn hạn, Giáo sư Shi Yinhong của Đại học Nhân dân nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, chính các công ty Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng vì phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, và các công ty này “sẽ chết” nếu họ để mất các khách hàng từ Mỹ.
“Nếu Trung Quốc cắt nguồn cung dược phẩm, điều này sẽ như đổ thêm dầu vào lửa. Nếu cả 2 nước lựa chọn cách tiếp cận ăn miếng trả miếng, Mỹ sẽ luôn có nhiều bài để chơi hơn so với Trung Quốc”, ông Shi nói.
Bất cứ động thái ngăn chặn xuất khẩu dược phẩm nào cũng gần như chắc chắn sẽ khiến các công ty dược phẩm nước ngoài phải giảm mạnh hoặc tái bố trí hoàn toàn các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, ông Zhao Daojiong, Giáo sư trường nghiên cứu quốc tế, Đại học Peking nói.
“Đó chỉ là một giải pháp ‘tự bắn vào chân mình’. Việc tách rời ngành công nghiệp dược phẩm một cách vô cớ và có động cơ chính trị chỉ gây tổn hại cho bên khởi xướng điều đó, vì nó sẽ đồng nghĩa với việc mất đi các nguyên liệu và bí quyết nước ngoài đã được chuyển giao”, ông Zhao nhận định.
Mỹ sẽ đưa sản xuất dược phẩm trở lại trong nước
Mỹ từ lâu đã nhận thức được sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với dược phẩm. Năm 2019, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung đã đánh dấu đây là một "rủi ro an ninh".
Vấn đề đã được nêu rõ vào tháng 2/2020 khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa do đại dịch Covid-19. Truyền thông Mỹ đưa tin người Mỹ phải vật lộn để tìm mua các loại thuốc gốc ở các hiệu thuốc địa phương. Theo FDA, vẫn còn thiếu 118 loại thuốc trên toàn quốc.
Tháng 7/2020, các Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Elizabeth Warren đã giới thiệu một luật lưỡng đảng, Đạo luật Đánh giá Chuỗi Cung ứng Dược phẩm Mỹ, yêu cầu nghiên cứu về sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung cấp dược phẩm ở nước ngoài, đồng thời cảnh báo rằng nó có thể “làm giảm” năng lực trong nước và “làm trầm trọng thêm” sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia khác.
Rachna Shah, phó giáo sư về chuỗi cung ứng tại Đại học Minnesota, cho biết các công ty Mỹ thuê nước ngoài sản xuất API vì hai lý do chính: nguyên liệu rẻ hơn và các quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn.
“Nếu Trung Quốc sử dụng ‘lựa chọn hạt nhân’, tôi nghĩ Mỹ có thể sẽ đưa ngành sản xuất [dược phẩm] trở lại trong nước. Sẽ mất một thời gian, nhưng về lâu dài, chúng tôi sẽ ổn vì Mỹ có vốn và khả năng nghiên cứu, phát triển”, bà nói.
Sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc chủ yếu là về nguyên liệu thô, tức là các API, theo bà Shah. Ấn Độ là một nhà sản xuất thuốc thành phẩm rất lớn, nhưng nước này vẫn cần các API và các thành phần bất hoạt tính. Trung Quốc làm tất cả các khâu trong quá trình sản xuất thành phẩm, từ sản xuất bao bì, đến chế tạo API và các thành phần bất hoạt tính.
Theo bà Shah, Mỹ phải có các phương án lựa chọn thay thế cả 3 loại kể trên nếu họ thực sự muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các thành phần bất hoạt tính có thể được sản xuất ở Malaysia hay Indonesia vì chúng dễ sản xuất nhất. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao và các quy tắc môi trường nghiêm ngặt có thể khiến Mỹ không muốn sản xuất API ở trong nước./.
Hoàng Phạm/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/cat-xuat-khau-duoc-pham-sang-my-trung-quoc-tu-ban-vao-chan-minh-777880.vov