Trong bối cảnh ngày bầu cử Mỹ đang cận kề, ông Trump ráo riết áp dụng các chiến lược tranh cử để giành lợi thế trước đối thủ Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm sống lại chính sách vận động tranh cử năm 2016 của ông theo đó tập trung mũi nhọn nhằm vào Trung Quốc, với hy vọng có thể giành được lợi thế trước ứng cử viên Joe Biden.
Tổng thống Trump muốn Mỹ phân ly kinh tế với Trung Quốc. Ảnh: Getty
Trump quyết rắn tay với Trung Quốc về thương mại
Phần lớn những gì mà đội ngũ tranh cử của ông Trump đưa ra trong thời gian gần đây đều giống như lời hứa trong chiến dịch tranh cử cách đây 4 năm: Ngừng xuất khẩu phần mềm, mang công ăn việc làm trở lại Mỹ, chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguyên liệu đầu vào và hỗ trợ những công ty sản xuất ngay trên nước Mỹ.
“Dưới thời chính quyền của tôi, chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi. Chúng tôi sẽ áp thuế đối với những công ty rời bỏ nước Mỹ để tạo công ăn việc làm ở Trung Quốc và các quốc gia khác. Nếu họ không thể làm điều đó thì hãy buộc họ phải trả một khoản thuế lớn để xây dựng nhà máy ở một nơi khác và đưa sản phẩm vào Mỹ”, ông Trump nói.
Trước đó trong cuộc vận động cử tri tại bang Bắc Carolina ngày 8/9, Tổng thống Trump cáo buộc ông Biden là người ủng hộ hoàn toàn cho chủ nghĩa toàn cầu và “chỉ để lại những thứ bỏ đi cho các cộng đồng Mỹ”.
“Nếu Biden thắng thì Trung Quốc thắng. Kế hoạch hành động của Joe Biden là sản xuất tại Trung Quốc. Kế hoạch hành động của tôi là sản xuất tại Mỹ”, ông Trump nói.
Mặc dù đội ngũ tranh cử của ông Trump không nêu chi tiết về cách thức ông sẽ mang công ăn việc làm từ Trung Quốc về Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai, song đã viện dẫn những hành động mà họ cho là thành công trong việc đối phó với cái mà họ gọi là “hành vi gian lận thương mại của Trung Quốc”, chẳng hạn như việc ông Trump áp thuế đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá hơn 300 tỷ USD.
“Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên đứng lên chống lại Trung Quốc và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động không chính đáng của mình còn Joe Biden thì dành toàn bộ sự nghiệp để xoa dịu Bắc Kinh và gia tăng sự phụ thuộc của Mỹ vào quốc gia này”, ông Ken Farnaso, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump nói.
Một thành công khác mà đội ngũ tranh cử của ông Trump nhắc đến là thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước, được ký kết vào tháng 1/2020. Để đổi lấy một số biện pháp giảm thuế quan từ Washington, Bắc Kinh đã cam kết cải cách các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trong vòng 2 năm.
Thuế quan không phải “viên đạn ma thuật”
Bất chấp các đòn áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc khiến Bắc Kinh thiệt hại hàng trăm tỷ USD, các lệnh trừng phạt nhằm vào quan chức Trung Quốc và những biện pháp hạn chế khác, phần lớn các công ty của Mỹ không có kế hoạch đóng cửa nhà máy hay chuỗi kinh doanh tại Trung Quốc và quay trở về nước.
Ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất Mỹ (Alliance for American Manufacturing) cho biết: “Chưa có bất kỳ hoạt động chuyển đổi nào của các tập đoàn đa quốc gia nhằm thay thế những nguồn cung từ Trung Quốc. Công ty 3M vẫn đang sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc còn Apple không có kế hoạch thoái vốn khỏi quốc gia này”.
Bloomberg dẫn một báo cáo ngày 9/9 cho biết, chỉ khoảng 4% trong số hơn 200 nhà sản Mỹ tham gia cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở thành phố Thượng Hải nói sẽ chuyển hoạt động sản xuất nào về nước. Hơn 75% khẳng định rằng, họ không có ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong khi 14% cho biết, họ sẽ chuyển một số hoạt động sang các nước khác.
Trong một cuộc khảo sát riêng rẽ của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc, 87% trong số hơn 100 công ty Mỹ đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh nói họ không có kế hoạch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, với lý do có niềm tin lâu dài vào thị trường đó.
Một số chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng đưa công ăn việc làm về Mỹ của Tổng thống Trump dựa trên những thành tựu trong nhiệm kỳ đầu của ông. Phó Chủ tịch của Viện Chính sách xã hội châu Á, ông Wendy Cutler nhận định: “Tổng thống Trump có 4 năm để có thể biến điều này thành hiện thực. Không có cách nào để sửa chữa sai lầm. Ông ấy đã phá vỡ khuôn mẫu bằng cách sử dụng thuế quan và cho rằng đây là viên đạn ma thuật”.
Đội ngũ tranh cử của cựu Phó Tổng thống Biden và nhiều nhà phân tích chính sách đối ngoại lần lượt lập luận rằng, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã gây ảnh hưởng đến người nông dân Mỹ, thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước đạt được rất ít tiến triển và ông Trump cũng không thành công khi buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch Covid-19.
Derek Scissors, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ nhận xét, thỏa thuận thương mại giai đoạn một không phải là thỏa thuận đột phá vì Trung Quốc đến nay vẫn chưa thực hiện được cam kết mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, trong khi các vấn đề quan trọng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
“Vấn đề với chính quyền của Tổng thống Trump là sự cứng rắn giận dữ của họ với Trung Quốc hầu hết chỉ được thể hiện qua lời nói và không phát huy hiệu quả”, Derek Scissors đánh giá.
Đội ngũ tranh cử của ông Biden tuần này đã công bố kế hoạch hạn chế hoạt động của những tập đoàn Mỹ có chuỗi sản xuất và kinh doanh ở nước ngoài, đồng thời đổi mới việc sản xuất trong nước. Sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”, cựu Phó Tổng thống Mỹ có kế hoạch tăng thuế đối với những công ty mang lại lợi nhuận cho nước ngoài, nhưng lại ưu đãi thuế cho các công ty chuyển việc làm và đầu tư trở lại Mỹ.
Chiến dịch tranh cử của Biden cũng chỉ trích Tổng thống Trump đã không thực hiện được các lời hứa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
“Ông Trump hứa hẹn rất nhiều. Ông ấy cam kết ngăn chặn tình trạng đưa công ăn việc làm ra nhước ngoài. Thế nhưng ông ấy có lẽ đang hy vọng chúng ta chẳng nhớ gì về những lời hứa đó”, cựu Phó Tổng thống Biden nói trong cuộc vận động tại bang Michigan ngày 9/9.
Kết quả thăm dò dư luận thời gian gần đây cho thấy, hai ứng cử viên đang bám sát nhau về tỷ lệ ủng hộ trong việc điều hành kinh tế. Về cách thức ông Trump xử lý quan hệ với Trung Quốc, một cuộc thăm dò của Gallup cho biết, 57% số người được hỏi không tán thành trong khi 40% bày tỏ sự ủng hộ.
Một số nhà phân tích cho rằng, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Tổng thống Trump đã đi đúng lộ trình trong việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và có thành tựu lớn khi đưa tăng trưởng việc làm đạt mức cao nhất vào tháng 11/2019. Thế nhưng dịch bệnh đã khiến mọi thứ đi theo chiều hướng xấu, làm mất hơn 700.000 việc làm trong các nhà máy.
“Khi bạn nhìn vào những lời hứa của ông Trump về việc chuyển đổi dòng chảy thương mại và thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực sản xuất, có thể thấy rằng ông ấy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thành tựu của chính mình”, Scott Paul, Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất Mỹ đánh giá.
Tách rời Trung Quốc không phải là kịch bản khả thi
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng trong thời gian gần đây, với nhiều xung đột và cạnh tranh đang nổi lên. Tổng thống Trump nhiều lần đe dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Ông thậm chí còn nhấn mạnh Mỹ “vẫn duy trì một sự lựa chọn trong chính sách đó là tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc”.
Thế nhưng, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trong phát biểu trước Quốc hội cho rằng, việc tách rời hai nền kinh tế không phải là một lựa chọn mang tính khả thi.
Theo một số nhà quan sát, nhận định của ông Robert Lighthizer có phần đúng. Bởi trước hết Trung Quốc là một thị trường thu hút các doanh nghiệp. Với dân số 1,4 tỷ người và có 400 triệu người tiêu dùng trung lưu, thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn.Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, ông Craig Allen, gần đây bày tỏ lạc quan khi cho rằng, các công ty Mỹ sẵn sàng phát triển kinh doanh và tăng cường đầu tư vào Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc sở hữu lực lượng lao động có tay nghề cao trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Một lực lượng lao động có trình độ như vậy không thể được đào tạo trong “một sớm một chiều”. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ từng có ý định chuyển một số dây chuyền công nghiệp, bao gồm việc sản xuất các sản phẩm điện tử, trở lại Mỹ, nhưng gã khổng lồ công nghệ Apple đã không đồng ý do phụ thuộc vào lao động Trung Quốc.
Thứ ba, sự tách rời của Trung Quốc và Mỹ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới Sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa, Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng bị ràng buộc với nhau bởi các chuỗi cung ứng phức tạp. Do đó, nếu Mỹ vội vàng cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì điều này không chỉ gây thiệt hại cho cả hai bên, mà còn gây tổn hại đáng kể cho chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng trên thế giới./.
Hồng Anh/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/so-huu-vien-dan-ma-thuat-trong-tay-trump-van-kho-ha-be-biden-778209.vov