Tổng thống Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đều muốn rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq và Afghanistan, nhưng cách tiếp cận của hai nhân vật này khác nhau.
Trump và Biden khẩu chiến về việc rút quân
Giới phân tích cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử ngày 3/11 sẽ có ảnh hưởng lâu dài không chỉ đối với quân đội Mỹ mà còn đối với nhiều khu vực khác.
Quân đội Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ rút tất cả quân đội ở nước ngoài về nước và chấm dứt “các cuộc chiến tranh bất tận”. Tuyên bố này khiến nhiều chỉ huy quân sự, quan chức quốc phòng, thậm chí các nghị Cộng hòa lo lắng về việc đột ngột bỏ rơi các đối tác trên thực địa. Thời gian gần đây, Tổng thống Trump đã gia tăng sức ép và nỗ lực làm việc để thực hiện lời hứa của ông, nhằm rút quân đội về nước trước Ngày Bầu cử vào tháng 11/2020.
“Chúng ta đang thoát khỏi những cuộc chiến tranh bất tận”, ông Trump phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông đã nói điều này với các quan chức cấp cao trong Bộ Quốc Phòng, mà ông cho là “những người không thích” ông bởi vì “họ chẳng muốn làm gì ngoài việc chiến đấu để tất cả các công ty chế tạo bom mìn và máy bay, cùng nhiều khí tài quân sự khác cảm thấy vui lòng”. “Chúng ta hãy đưa các binh sỹ trở về nhà”, ông Trump nhấn mạnh.
Dù nỗ lực thực hiện lời hứa, nhưng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã khiến nhiều cử tri không khỏi thất vọng khi họ chứng kiến hàng tỷ USD được sử dụng cho việc phòng thủ quốc gia thay vì các nhu cầu trong nước. Chính sách này cũng gây rạn nứt quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác lâu năm ở châu Âu, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của Mỹ vốn từ trước đến nay luôn được coi là một đồng minh đáng tin cậy.
Trái lại, ứng cử viên Joe Biden tỏ ra cương quyết hơn trong việc khôi phục quan hệ của Mỹ với các đồng minh và khối NATO. Quan điểm của ông đối với các cuộc chiến tranh cũng được xem xét kỹ lưỡng hơn. Joe Biden cho rằng việc rút quân phải được thực hiện một cách có trách nhiệm và cần có sự hiện diện của một lực lượng Mỹ tại Afghanistan để đảm bảo các nhóm khủng bố không thể quay trở lại và tấn công nước Mỹ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã khiến phe cấp tiến tức giận. Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ đã dành quá nhiều thời gian, tiền bạc và xương máu cho các cuộc chiến ở nước ngoài.
“Người Mỹ đúng là quá mệt mỏi với các cuộc chiến tranh kéo dài. Tôi cũng vậy. Nhưng chúng ta phải kết thúc chiến tranh một cách có trách nhiệm, để đảm bảo ngăn chặn được các mối đe dọa đối với đất nước”, ông Joe Biden cho biết.
“Nói thì dễ nhưng làm thì khó”
Một số nhà phân tích cho rằng, dù có cùng mục đích rút binh sỹ Mỹ tham chiến nước ngoài về nước, nhưng cả ông Biden và ông Trump đều chưa thực hiện được kế hoạch này.
Vào thời điểm ông Trump lên nắm quyền, số lượng binh sỹ Mỹ tại Afghanistan lúc đó giới hạn khoảng 8.400 người. Trong vòng 1 năm tiếp theo, con số này đã tăng lên đến 15.000 sau khi nhà lãnh đạo Mỹ chấp thuận yêu cầu của các chỉ huy quân đội về việc bổ sung quân số để đảo ngược những thất bại trong huấn luyện các lực lượng của Afghanistan chống lại một nhóm Hồi giáo cực đoan nguy hiểm và gây sức ép buộc phiến quân Taliban phải ngồi vào bàn đàm phán.
Khi ông Biden còn là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận với chính phủ Iraq năm 2011, kết quả là Washington đã rút toàn bộ quân đội ra khỏi quốc gia này. Nhưng điều này kéo dài không lâu. Chỉ 3 năm sau, khi các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn của Iraq, Mỹ đã phải tái triển khai quân tại Iraq và nước láng giềng Syria để đánh bại IS.
Trong bối cảnh mọi sự chú ý đang hướng về cuộc bầu cử Mỹ, ông Trump đã đẩy mạnh việc đưa quân đội về nước. Tướng Frank McKenzie, chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ tại Trung Đông, cho biết đến tháng 11, số lượng binh sỹ Mỹ ở Afghanistan có thể giảm xuống còn 4.500 người và ở Iraq có thể giảm từ khoảng 5.000 người xuống còn 3.000 người.
John Glaser, Giám đốc chính sách đối ngoại tại Viện Cato, tỏ ra nghi ngờ về việc thực hiện cam kết của hai ứng cử viên. Ông John Glaser cho rằng, nếu Biden chiến thắng thì ứng cử viên này sẽ phải đối mặt với sức ép của việc rút quân, nhưng về lâu dài ông có thể bị cuốn vào vòng xoáy đưa mọi thứ trở lại như bình thường, để thể hiện “Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh, và thực hiện mọi cam kết với NATO”.
Còn về Tổng thống Trump, chuyên gia John Glaser đánh giá, ông Trump thực sự muốn rút quân, nhưng bị tác động bởi những toan tính trước bầu cử. “Ông ấy muốn làm công việc đó nhưng chưa biết làm thế nào để không bị rơi vào tình thế khó”.
Theo chuyên gia này nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, câu chuyện có thể diễn ra theo chiều hướng khác: “Nếu không có phiếu chống, tôi không biết ông ấy sẽ làm gì. Ông ấy có thể sa vào một cuộc xung đột khác vì bản thân ông ấy luôn thể hiện sự hiếu chiến trước bất cứ vấn đề gì”.
Yếu tố chính tác động đến kế hoạch rút quân
Tướng McKenzie và các nhà lãnh đạo quân sự khác đều nhận định, tình hình trên thực địa và các hoạt động của kẻ thù mới là những yếu tố chính để quyết định có nên rút quân hay không. Họ lưu ý, Mỹ phải duy trì quân đội trong khu vực để đảm bảo kẻ thù không giành lại được chỗ đứng.
Còn Michele Flournoy, cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, người được cho là nhân vật tiềm năng sẽ tiếp quản vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, cảnh báo, bất kỳ cuộc rút lui “nhanh chóng” nào khỏi Afghanistan có thể gây nguy hiểm cho hòa bình.
Trong bài phát biểu trước diễn đàn An ninh Aspen, bà Michele Flournoy nói rằng mặc dù Mỹ không muốn ở Afghanistan mãi mãi, nhưng nước này nên duy trì lực lượng chống khủng bố cho đến khi thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan được củng cố.
Ông Mac Thornberry – thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ cho rằng, Tổng thống Trump sẽ cấp nhiều kinh phí hơn cho quân đội còn phe Dân chủ có thể cố gắng cắt giảm ngân sách quốc phòng. Tuy vậy, ông Thornberry cũng bày tỏ lo ngại về việc rút quân đội Mỹ ở Afghanistan. Điều này phán ảnh sự lưỡng lự của Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ trước quyết định có nên từ bỏ Afghanistan hay không khi mà Taliban liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công và tàn dư của khủng bố IS có nguy cơ trỗi dậy.
“Mọi người đều muốn có thể đưa quân đội từ Afghanistan và các nơi khác về nước. Tôi cho rằng sự khác biệt chủ yếu nằm ở việc chúng ta chỉ làm điều đó khi một số điều kiện nhất định được đáp ứng hay chúng ta cứ rút quân rồi hy vọng điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Thực sự điều tôi đang nghĩ đến là cách Tổng thống Obama rút khỏi Iraq. Chúng tôi đã rút lui và nói rằng "Chúc may mắn". Nhưng mọi thứ không diễn ra như mong muốn”, ông Thornberry nhấn mạnh./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)