Sáng 26/9, thế giới đã ghi nhận hơn 32,7 triệu ca mắc, trong đó có 992.029 ca tử vong do Covid-19.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 26/9, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 32.711.777 trường hợp, trong đó có 992.029 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 24.135.567 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của người dân tại Indian Wells, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ , Ấn Độ, Brazil, Nga và Colombia.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 44.565 ca mắc vào hôm qua (25/9) nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 7.229.787. Số ca tử vong ở Mỹ do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 208.268. Theo thống kê của Reuters, ở thời điểm hiện tại, tính trung bình Mỹ đang mất đi khoảng 800 sinh mạng mỗi ngày do dịch Covid-19.
Dịch bệnh hiện đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Nhiều nhà lãnh đạo tại Mỹ Latinh đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch đối với kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải chứng kiến sự suy thoái tài chính lớn chưa từng có.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 29.704 ca mắc và 654 ca tử vong, nâng tổng số lên 4.689.613 ca bệnh và 140.537 ca tử vong. Tiếp đến là Colombia ghi nhận 798.317 ca mắc và 25.103 ca tử vong. Peru với 788.930 ca mắc và 31.938 ca tử vong. Mexico ghi nhận 715.457 ca mắc và 75.439 ca tử vong.
Nga ghi nhận thêm 7.212 ca mắc và 108 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại vượt qua 1,1 triệu trường hợp, trong đó 20.056 trường hợp tử vong. Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người của Nga nhận định, nước này chưa cần có các biện pháp hạn chế mới vì tình hình dịch bệnh "vẫn ổn định".
Nam Phi ghi nhận thêm 1.480 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên đến 668.529 trong đó có 16.312 ca tử vong.
Còn tại châu Âu, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong tháng 10 và tháng 11.
Tây Ban Nha tiếp tục bùng phát làn sóng Covid-19 mới. Nước này ghi nhận 4.122 ca mắc trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 735.198, trong đó có 31.232 ca tử vong. Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, hiện đang đứng thứ 8 về số ca mắc.
Pháp ghi nhận thêm 15.797 ca mắc mới và 150 ca tử vong, nâng số ca mắc lên thành 513.034, trong đó có 31.661 ca tử vong.
Anh ghi nhận 6.874 ca mắc mới và 34 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 423.236 và tổng số ca tử vong là 41.936. Theo chính phủ Anh, các biện pháp hạn chế có thể kéo dài 6 tháng. Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ gia tăng 30% tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời hối thúc cải cách cơ quan này và kêu gọi khôi phục hợp tác xuyên biên giới để chấm dứt “những rạn nứt”.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 439.882 sau khi ghi nhận thêm 3.563 trường hợp trong 24h qua. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 25.222 trường hợp.
Israel ghi 217.899 ca mắc, trong đó có 1.412 ca tử vong. Bộ Y tế Israel ban bố tình trạng khẩn cấp đối với tất cả bệnh viện tại nước này sau khi số ca mắc Covid-19 tăng bất thường.
Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng. Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 85.473 ca mắc và 1.093 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 5.901.576 trường hợp, trong đó có 93.410 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 trên thế giới về số ca mắc. Ấn Độ hiện ghi nhận số ca mắc tính theo ngày cao nhất trên thế giới do quốc gia này có mật độ dân số cao, nhưng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.
Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.322 ca mắc, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca mắc lên tới 299.361 ca sau khi ghi nhận 2.630 ca mắc mới, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.
Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 2 với 266.845 ca mắc và 10.218 ca tử vong.
Một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo số ca tử vong do dịch Covid-19 có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu người trước khi vaccine Covid-19 được sử dụng rộng rãi. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua (25/6), ông Mike Ryan – người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Liên Hợp Quốc cho biết: “Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, con số tử vong sẽ lên đến 2 triệu người. Đây là điều rất khó tưởng tượng nhưng đáng buồn là có thể xảy ra”./.
Hồng Anh/VOV.VN