Tình hình chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh vẫn đang diễn ra ngày càng ác liệt.
Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế, chấm dứt leo thang căng thẳng, giải quyết hòa bình các xung đột.
Pháo binh Azerbaijan bắn về phía quân ly khai người Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan.
Trong một thông báo, Pháp bày tỏ lo ngại về sự can thiệp quân sự của những nước thứ 3 và sự xuất hiện của tay súng thánh chiến cực đoan, có nguy cơ đẩy cuộc xung đột tới một bước ngoặt mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, ông đã có trong tay những thông tin chắc chắn về hoạt động di chuyển của các tay súng thánh chiến cực đoan từ Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Nagorno-Karabakh, khu vực tranh chấp hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan.
“Tôi rất lo ngại về những gì chúng tôi đã nghe thấy trong những ngày qua. Ở giai đoạn này, tôi cũng vô cùng lo ngại bởi những thông điệp hiếu chiến đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, về cơ bản là muốn hiện diện quân sự tại khu vực xung đột. Điều này chúng tôi sẽ không chấp nhận”.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, đây là một diễn biến cực kỳ nguy hiểm, có thể làm thay đổi bản chất cuộc xung đột.
Nga cũng đưa ra những thông tin tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đã chỉ trích những tuyên bố và hành động “hiếu chiến” của các bên thứ ba liên quan đến tình hình ở Maria Zakharova có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
“Chúng tôi coi bất kỳ tuyên bố và hành động hiếu chiến nào của các bên thứ ba có thể tiếp tục làm leo thang căng thẳng và mất ổn định tình hình ở Nam Kavkaz là phản tác dụng và vô trách nhiệm, có thể gây ra những hậu quả khó lường”.
Bà Zakharova nhắc lại lời kêu gọi của Nga yêu cầu các bên liên quan cuộc xung đột “thể hiện kiềm chế tối đa”. Bà cũng nhấn mạnh không có giải pháp nào thay thế cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, các vấn đề khu vực nên được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như là chưa đủ khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ nhảy vào giúp Azerbaijan nếu được yêu cầu. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, hiện Azerbaijan không yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trong cuộc giao tranh. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ không do dự" hỗ trợ nếu được yêu cầu.
Trong khi đó, những nước liên quan trực tiếp là Armenia và Azerbaijan vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ dừng xung đột, đồng thời kiên quyết khước từ những đề xuất tổ chức trung gian đối thoại, hòa giải của các nước lớn.
Tuy nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song Nagorno-Karabakh lại là khu vực có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia, mà đỉnh điểm là cuộc xung đột trong những năm 1990 làm 30 nghìn người thiệt mạng. Những cuộc đụng độ hiện nay được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 2016. Dù vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực dọc đường giới tuyến, song điều đáng lo ngại nhất hiện nay là cuộc xung đột có nguy cơ bị quốc tế hóa và sự xuất hiện của các lực lượng thánh chiến cực đoan./.
Vũ Anh Tuấn/VOV.VN