Tương lai của báo chí phụ thuộc vào mối quan hệ với Google và Facebook

Thứ 3, 06.10.2020 | 09:44:33
726 lượt xem

Chính phủ Australia đang nỗ lực để bảo vệ cơ quan báo chí trong bối cảnh các cơ quan này ngày càng gặp nhiều khó khăn do nguồn thu từ quảng cáo giảm mạnh.

Báo chí Australia đối mặt với nhiều khó khăn

Các cơ quan báo chí tại Australia đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu từ quảng cáo giảm mạnh. Theo Dự án định vị phòng tin tức, kể từ đầu năm 2019 đến nay, hơn 200 tờ báo của Australia phải đóng do doanh thu quảng cáo lao dốc. Sự xuất hiện của dịch Covid-19 trong năm 2020 càng làm gia tăng thách thức đối với sự tồn tại của các cơ quan báo chí. Số liệu thống kê công bố vào tháng 3/2020 cho thấy, doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí trong đó có cả các kênh truyền hình của Australia giảm tới 54%.

Australia đang nỗ lực để bảo vệ các cơ quan báo chí trước ưu thế vượt trội của Google và Facebook. Nguồn: Getty

Australia đang nỗ lực để bảo vệ các cơ quan báo chí trước ưu thế vượt trội của Google và Facebook. Nguồn: Getty

Do nguồn thu từ quảng cáo giảm nên cơ quan báo chí lớn nhất Australia là News Corp đã phải ngừng xuất bản hơn 100 tờ báo in địa phương để tập trung vào các sản phẩm điện tử. Cơ quan thông tấn Australia (AAP) cũng suýt phải đóng cửa sau 85 năm tồn tại nhưng may mắn khi có một số nhà hảo tâm đã bỏ tiền để duy trì hoạt động của AAP với tư cách là một cơ quan báo chí phi lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều tờ báo của Elliott Newspaper Group hay của Australian Community Media cũng đã phải đóng cửa. Hàng nghìn người đã bị mất việc làm khi các tờ báo này ngừng xuất bản.

Tác động từ Google và Facebook

Cuối năm ngoái, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã công bố báo cáo sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng cho thấy, 19,2 triệu người Australia sử dụng Google hàng tháng, 17,6 triệu người sử dụng YouTube (cũng của Google), 17,3 triệu người sử dụng Facebook và 11,2 triệu người sử dụng Instagram (thuộc quyền sở hữu của Facebook). Việc các nền tảng và mạng xã hội của các công ty công nghệ toàn cầu đang ngày càng được nhiều người sử dụng đã làm chuyển dịch xu hướng quảng cáo. Các công ty thay vì việc chi tiền quảng cáo cho các cơ quan báo chí như trước thì nay chuyển sang chi tiền cho các công ty công nghệ. Báo cáo của ACCC cho thấy trong 100 AUD các công ty chi cho quảng cáo trực tuyến thì 47 AUD sẽ vào túi Google, 24 AUD sẽ vào túi Facebook và 29 AUD còn lại sẽ chảy vào các cơ quan khác. Ưu thế về công nghệ đã khiến các công ty như Google và Facebook nhanh chóng chiếm được thị phần lớn trên thị trường quảng cáo trị giá khoảng 9 tỷ AUD của Australia mỗi năm.

Không chỉ là cuộc cạnh tranh không cân bằng về công nghệ, Google và Facebook còn thu hút được nhiều người sử dụng một phần là do các công ty này dùng nhiều tin tức của các cơ quan báo chí. Điều tra của ACCC cho thấy, hơn 1/3 số người sử dụng Facebook tại Australia đã sử dụng các mạng xã hội để vào các trang báo điện tử. Vì coi trọng các tin tức và có từ 8 đến 14% người dùng trang này yêu cầu các nội dung tin tức nên Google đã thiết lập các tap Top Stories và healdlines trên trang của mình.

ACCC cũng nhận định, “Google trở thành một trong những công cụ tìm kiếm chất lượng cao và đáng tin tin cậy trong khi đó, News feed của Facebook cũng trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều người một phần là nhờ những tin tức độc lập, và chính xác”. Điều không công bằng là ở chỗ, mặc dù dùng nhiều cách sử dụng tin tức của các cơ quan báo chí nhằm thu hút ngày càng nhiều người sử dụng song Goolge và Facebook lại không trả tiền cho cơ quan sản xuất nội dung. Vì vậy, 1 trong 23 kiến nghị mà ACCC đưa ra đó là Australia cần xây dựng bộ quy tắc quy định mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ, trong đó có Google và Facebook để mang lại sự công bằng cho các cơ quan báo chí.

Australia muốn mang lại sự công bằng cho các cơ quan báo chí

Các cơ quan báo chí Australia đã tiến hành đàm phán với Google và Facebook song nhiều khả năng các bên không thể đạt được thỏa thuận vào tháng 11 tới, khi thời hạn đàm phán kết thúc. Vì vậy, vào tháng 4/2020, chính phủ Australia đã giao ACCC xây dựng bộ quy tắc quy định mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí Australia và các công ty công nghệ trong đó có Google và Facebook. Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg khẳng định, báo cáo của ACCC cho thấy, chính phủ Australia cần phải cải tổ chính sách để “bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, cải thiện tính minh bạch và đảm bảo sức mạnh thị trường không được sử dụng để làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền thông và quảng cáo”.

Ngày 31/7/2020, ACCC đã công bố bản dự thảo quy tắc điều phối mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí Australia với Google và Facebook.

Bộ quy tắc này không quy định cụ thể số tiền mà Google và Facebook phải trả cho các cơ quan báo chí để được sử dụng các tin tức mà chỉ tạo ra nền tảng để các bên xây dựng mối quan hệ công bằng, minh bạch và xây dựng nền tảng để các bên có thể tiến tới thỏa thuận về việc chi trả cho các cơ quan báo chí.

Theo dự thảo bộ quy tắc mà ACCC đưa ra, Google và Facebook và các doanh nghiệp báo chí của Australia sẽ phải thảo luận về số tiền mà các công ty công nghệ phải trả cho việc sử dụng tin tức trên các nền tảng của mình. Nếu không đạt được thỏa thuận vấn đề được chuyển sang cơ quan trọng tài. Quyết định của trọng tài là cuối cùng mà các bên buộc phải thực hiện. Hiện nay, có ý kiến cho rằng, các công ty công nghệ phải trả khoảng 10% tiền mà Google và Facebook thu được từ hoạt động quảng cáo trực tuyến, tức là tương đương khoảng 500 triệu AUD. Tuy vậy, cũng có cơ quan báo chí cho rằng, số tiền mà Goolge và Facebook phải trả cho các cơ quan sản xuất nội dung tại Australia có thể lên tới từ 600 triệu đến 1 tỷ AUD.

Bên cạnh đó, dự thảo bộ quy tắc mà Australia soạn thảo cũng yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp chi tiết các dữ liệu về phản ứng của người sử dụng đối với các nội dung tin tức mà họ đăng tải trên nền tảng của mình; đưa ra các giải pháp để phân biệt các tin tức gốc và phải thông báo trước 28 ngày nếu thay đổi các thuật toán và chính sách có thể ảnh hưởng tới các nội dung tin tức và quảng cáo.

Nếu vi phạm các quy định này, các công ty công nghệ có thể sẽ phải đối mặt với khoản phạt lên tới 10% lợi nhuận tại Australia, hoặc 10 triệu AUD hoặc 3 lần lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg khẳng định, dự thảo bộ quy tắc vừa công bố “không phải để bảo vệ các doanh nghiệp báo chí của Australia trong cuộc cạnh tranh hay khỏi sự sụp đổ đang diễn ra trong ngành này mà nó tạo ra sân chơi bình đẳng”. Bộ trưởng Frydenberg nhấn mạnh, “không có gì khác ngoài việc tương lai của nền báo chí Australia được đánh cược vào những thay đổi này”.

Phản ứng của Google và Facebook

Bà Melanie Silva, giám đốc điều hành Google khẳng định, công ty ủng hộ việc Australia xây dựng bộ quy tắc điều phối mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với các công ty công nghệ. Song những quy định đưa ra trong dự thảo bộ quy tắc này cho thấy, Australia “bỏ qua những giá trị mà Google mang lại cho các cơ quan báo chí”. Bà Silva cũng cho hay, việc yêu cầu Google thông báo sớm về những thay đổi thuật toán sẽ khiến các cơ quan báo chí có nhiều lợi thế hơn và khiến họ có thể dễ dàng xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm không phải trả tiền nếu so với các doanh nghiệp, những nhà sáng tạo hay các trang web khác. Google đồng thời phản đối cơ chế giải quyết tranh chấp mà dự thảo bộ quy tắc đưa ra và gọi đó là “những yêu cầu vô cùng lớn”, “nghiêng hẳn về một phía và không công bằng”. Mặc dù đe dọa sẽ không cung cấp dịch vụ tin tức Google News tại thị trường Australia song chính Google cũng khẳng định là rất khó làm điều này như đã từng làm với Tây Ban Nha.

Facebook cũng không đồng ý với dự thảo bộ quy tắc mà ACCC đưa ra. Trong một bài viết đăng trên blog vào ngày 31/8, ông Will Easton, Giám đốc điều hành Facebook Australia cho biết, “Australia đang soạn thảo một bộ quy tắc mới gây hiểu lầm về cách thức mà các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng lợi thế từ internet và sẽ gây hại đối với các tổ chức mà chính phủ nước này đang cố gắng bảo vệ”. Bởi khi dự thảo luật này chính thức trở thành luật thì Facebook sẽ phải ngừng cho phép người dân và các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức địa phương và quốc tế trên Facebook cũng như Instagram. Facebook dẫn chứng thông tin là chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, nền tảng này đã chuyển 2,3 tỷ cú nhấp chuột vào các tin tức trên News feed sang các báo điện tử mà không tính phí. Ông Easton cho rằng, chỉ riêng việc này đã làm gia tăng lượng người truy cập và làm lợi khoảng 200 triệu AUD cho các cơ quan báo chí Australia.

Xu hướng của thế giới

Không chỉ riêng Australia, một số quốc gia Châu Âu cũng đã có bước đi tương tự nhằm đem lại sự công bằng cho các cơ quan báo chí. Từ năm 2014, Tây Ban Nha đã ban hành điều luật cho phép các cơ quan báo chí buộc Goolge phải trả tiền cho việc các dòng tin chính (healdline) xuất hiện trên Google News. Tuy vậy, Goolge không đồng ý trả tiền vì thế công ty này đã ngừng cung cấp dịch vụ Google News tại Tây Ban Nha.

Vào tháng 3/2019, Liên minh Châu Âu cũng đã thông qua các quy định mới về bản quyền để cho phép các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ có thể thảo luận về việc chi trả cho việc sử dụng tin tức trên các nền tảng xã hội. Tại Pháp, quốc gia đầu tiên thực thiện quy định này, do Google không đồng ý trả tiền cho các cơ quan báo chí nên công ty này chỉ hiển thị hình ảnh thumbnail cho các tin tức được cung cấp miễn phí. Tại Đức, Google cũng thực thi chính sách tương tự.

Năm ngoái, đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí năm 2019 cũng được đưa ra Quốc hội Mỹ để “các cơ quan sản xuất nội dung trực tuyến thương lượng với các nền tảng về các nội dung mà họ có thể phân phối”.

Vì vậy, nếu vào cuối năm nay, Quốc hội Australia thông qua dự luật quy định mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí và Google cũng như Facebook, Australia sẽ được bổ sung vào danh sách các quốc gia nỗ lực đấu tranh để mang lại sự công bằng cho các cơ quan báo chí trước sự lớn mạnh và chiếm ưu thế của các công ty công nghệ./.


Việt Nga/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/tuong-lai-cua-bao-chi-phu-thuoc-vao-moi-quan-he-voi-google-va-facebook-783668.vov

  • Từ khóa