Đó là chiến lược mà Nga sử dụng khi xét tới số phận Hiệp ước START mới sắp hết hạn trong bối cảnh Tổng thống Trump đang ở sau đối thủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử Mỹ.
Một con chim sẻ tiều tụy trên tay có đáng giá bằng hai con chim cút bụ bẫm trong bụi cây? Người Nga có lẽ sẽ nói là không – ít nhất là khi xét đến việc lựa chọn giữa một thỏa thuận kiểm soát vũ khí vào phút chót theo đề nghị từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với cách tiếp cận mà ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden sẽ theo đuổi đối với Nga nếu đắc cử.
Vấn đề ở đây chính là số phận của hiệp ước START mới. Hiệp ước này là tâm điểm trong quan hệ với Nga của chính quyền Obama, có hiệu lực từ năm 2011 và sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021 nếu cả 2 bên không đồng ý gia hạn. Hiệp ước hạn chế số lượng máy bay ném bom chiến lược, tên lửa, số lượng đầu đạn mà Nga và Mỹ triển khai, cùng một loạt các yêu cầu xác minh nghiêm ngặt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên năm 2018. Ảnh: EPA
Nước cờ đôi
Nếu START mới hết hạn – tiếp sau sự sụp đổ của Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo dưới thời Tổng thống George W. Bush và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung dưới thời Tổng thống Donald Trump - quân đội Mỹ và Nga sẽ không bị ràng buộc bởi các hiệp ước kiểm soát vũ khí song phương lần đầu tiên kể từ những năm 1960.
Các quan chức chính quyền Trump đã nhiều lần viện dẫn mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc chạy đua vũ trang trong thế kỷ 21 để gây sức ép buộc Nga phải nhượng bộ. Mỹ muốn Nga phải thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán 3 bên về một hiệp ước tiếp nối START mới. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối và tuyên bố kho vũ khí hạt nhân của nước này chỉ bằng một phần nhỏ so với Nga và Mỹ.
Gần đây hơn, chính quyền Trump đã đề nghị gia hạn hiệp ước thêm một năm nếu Nga chấp nhận một khuôn khổ ràng buộc về mặt chính trị, theo đó cả hai bên sẽ “đóng băng” số lượng đầu đạn hạt nhân phi chiến lược ở mức hiện tại. Mặt khác, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã kêu gọi gia hạn START mới vô điều kiện trong 5 năm – khoảng thời gian tối đa cho phép theo hiệp ước.
Nga đã thể hiện rõ sự “chán chường” với các đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump.
Sau khi đặc phái viên kiểm soát vũ khí của Mỹ Marshall Billingslea nói với các phóng viên vào tuần trước rằng, các bên đã đạt được “thỏa thuận của các quý ông” liên quan tới việc đóng băng cấp độ đầu đạn và gia hạn hiệp ước START mới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã thẳng thừng phản bác lại.
Ông Ryabkov gọi đề xuất của Mỹ là “không thể chấp nhận được” và cảnh báo, nếu các quan chức Mỹ cần báo cáo với cấp trên của họ trước cuộc bầu cử về điều mà họ nghĩ rằng đã nhất trí với Nga, thì họ sẽ không nhận được điều đó.
Tuy nhiên, Nga cũng không “đóng cửa” hoàn toàn việc gia hạn thỏa thuận với chính quyền Trump. Sau tuyên bố của ông Ryabkov, Tổng thống Nga Putin kêu gọi gia hạn hiệp ước START ít nhất một năm mà không có bất cứ điều kiện nào. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói rằng các cuộc thảo luận căng thẳng về số phận của START mới vẫn đang tiếp diễn.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/10 nhấn mạnh rằng về nguyên tắc, Nga có thể đồng ý đóng băng [số lượng] đầu đạn như một phần của hiệp ước được gia hạn thêm một năm, nhưng Mỹ không được “đưa ra thêm bất cứ điều kiện bổ sung nào”. Tuyên bố này được cho là nói đến các biện pháp xác minh bổ sung mà các quan chức Mỹ muốn có.
Ngoài ra, Moscow cũng nói rằng khi đàm phán về một hiệp ước song phương tiếp theo START mới, các bên cũng phải thảo luận về tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược, tức là bao gồm cả các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mà lâu nay Washington vốn miễn cưỡng đưa lên bàn thảo luận.
Đặt cược vào chính quyền Biden?
Mặc dù để ngỏ thỏa thuận, nhưng Nga cũng không muốn “tặng” cho Nhà Trắng bất kỳ nhượng bộ nào về kiểm soát vũ khí, bất chấp những lời đe dọa của các quan chức cấp cao Mỹ là để hiệp ước hết hiệu lực mà không có thỏa thuận nào trước bầu cử.
Việc Nga sẵn sàng mạo hiểm với nước cờ này có thể cho quan điểm hiện tại của Moscow đối với chính quyền Trump cũng như triển vọng tái đắc cử của ông. Phía Nga rõ ràng đã thất vọng vì các chính sách của Tổng thống Trump đối với Nga-trên thực tế thù địch hơn nhiều so với những gì ông đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Các chính sách của ông Trump bao gồm một số biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, cung cấp vũ khí mới cho Ukraine, tăng cường binh sỹ Mỹ ở Đông Âu và rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí [với Nga]. Nga chắc chắn cũng nhận ra các dữ liệu thăm dò dư luận ở Mỹ cho thấy cơ hội tái đắc cử của Trump không phải là màu hồng.
Bên cạnh đó, phía Nga cũng không thể không lưu tâm tới quan điểm muốn “duy trì sự ổn định chiến lược” của ứng viên Biden.
Hơn nữa, phía Nga dường như đang kỳ vọng vào một số nhân vật có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh quốc gia nếu ông Biden đắc cử. Những người này bao gồm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Bill Burns, người nổi tiếng ở Moscow về quan điểm cứng rắn nhưng tương đối thực dụng trong thời gian làm Đại sứ Mỹ tại Nga, và Rose Gottemoeller, trưởng đoàn đàm phán về hiệp ước START mới của Mỹ năm 2009. Bà Gottemoeller cũng là một trong những tác giả của bức thư ngỏ kêu gọi cách tiếp cận cân bằng và thực dụng hơn đối với Nga.
Dù Biden có những tuyên bố cứng rắn về Tổng thống Nga Putin, nhưng Điện Kremlin có lẽ hy vọng rằng hai bên có thể hợp tác về các vấn đề chiến lược nếu ông đắc cử.
Những yếu tố này giải thích sự thận trọng của Nga khi xem xét đề xuất của Trump về gia hạn START mới. Nếu ông Trump tái đắc cử, Nga sẽ vẫn ở một vị trí có thể nhanh chóng đi đến thỏa thuận chính thức gia hạn hiệp ước cũng như đàm phán về một thỏa thuận tiếp sau đó. Còn nếu ông Biden giành chiến thắng, phía Nga cũng không làm điều gì “mếch lòng” chính quyền mới ở Mỹ./.
Hoàng Phạm/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/nga-dang-choi-nuoc-co-doi-voi-my-787820.vov