Thất bại của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với đảng Dân chủ, khiến họ luôn sống trong lo âu, dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden đang thắng thế.
Ám ảnh vì “bóng ma quá khứ”
Sau màn tranh luận cuối cùng vào ngày 23/10, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Joe Biden tiếp tục gia tăng. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do CNN mới công bố, 53% khán giả cho rằng ông Biden đã thắng trong màn so găng cuối cùng, trong khi 39% nghiêng về Tổng thống Donald Trump. Trên toàn quốc, ông Biden vẫn dẫn trước Tổng thống Trump 10 điểm phần trăm, theo khảo sát của trường Đại học Quinnipiac. Trong số các cử tri dự định bỏ phiếu qua thư hoặc bỏ phiếu vắng mặt, 69% nói rằng họ ủng hộ Biden, còn 21% cho biết ủng hộ ông Trump.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc vận động tranh cử ở bang Kansas hồi tháng 9/2020. Ảnh: AP.
Dù ứng cử viên Biden có nhiều lợi thế như vậy, nhưng đảng Dân chủ vẫn còn nhiều lo lắng khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa cuộc bầu cử sẽ chính thức diễn ra.
Còn nhớ cách đây 4 năm, ứng cử viên Hillary Clinton được dự đoán có khả năng giành chiến thắng vang dội, thế nhưng kết quả cuối cùng lại khiến phe Dân chủ thất vọng. Đảng Dân chủ có lẽ vẫn còn nhớ đến sự đảo chiều đầy đau đớn này và cơn ác mộng năm 2016 dường như khiến họ tỉnh giấc mỗi đêm.
Los Angeles Times dẫn lời Paul Begala - người sáng lập tổ chức gây quỹ khổng lồ của đảng Dân chủ Priorities USA, cho biết: “Mọi người đều lo lắng. Đó không chỉ là rối loạn sau chấn thương mà còn là một sự sang chấn tâm lý kéo dài. Chúng tôi chẳng bao giờ quên được những gì đã xảy ra vào năm 2016”.
Đội ngũ tranh cử của ông Biden bị ám ảnh về cách thức mọi thứ có thế xảy ra trong cuộc bầu cử khó đoán này. Đại dịch đã ảnh hưởng đến cách người dân bỏ phiếu, trong khi đó kết quả các cuộc thăm dò dư luận vẫn còn nhiều tranh cãi. Nỗi lo sợ lặp lại kịch bản năm 2016 dường như len lỏi vào mọi hoạt động trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, từ vận động gây quỹ đến chạy quảng cáo. Đội ngũ tranh cử của ông Biden đã chạy quảng cáo tới 65 lần một ngày tại các bang chiến địa.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump 2 con số về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc nhưng lại có khoảng cách hẹp ở các bang chiến địa vốn là những bang quan trọng để giành được ít nhất 270 phiếu Đại cử tri. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về tâm trạng của các cử tri tại những bang này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn, có thể khiến ứng cử viên Biden thất bại và giúp ông Trump giành được chiến thắng sít sao, ngay cả khi Tổng thống bị thua về số phiếu phổ thông – như điều từng xảy ra 4 năm trước.
Những kịch bản không mong muốn
Trong một bản ghi nhớ có tên gọi “Battleground Bulletin”, Priorities USA - tổ chức gây quỹ của đảng Dân chủ đã chỉ ra rằng, cuộc đua có thể nhanh chóng đảo chiều nếu một phần nhỏ cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động tại các bang dao động quay lưng với ông Biden hoặc tỷ lệ cử tri da màu bỏ phiếu thấp hơn một chút so với dự đoán.
Căng thẳng gia tăng đến mức ngay cả dấu hiệu trục trặc nhỏ nhất trên con đường vận động tranh cử cũng khiến phe Dân chủ phải đau đầu. Sự giảm nhẹ tỷ lệ ủng hộ của các cử tri da màu và cử tri gốc Latin đối với ông Biden trong thời gian gần đây đã khiến các thành viên của đảng Dân chủ phải đánh giá lại công việc của họ ở Milwaukee, Detroit và Philadelphia, theo dữ liệu thăm dò gần đây của Đại học California, Los Angeles (UCLA). Một số thành viên đảng Dân chủ thậm chí chỉ trích quyết định dừng vận động gõ cửa từng nhà của đảng này ở giai đoạn đầu đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sự thu hẹp lợi thế dẫn trước của ông Biden ở Florida - bang có 29 phiếu đại cử tri, cũng gióng lên hồi chuông báo động.
Chuck Rocha, người sáng lập Nuestro PAC, một tổ chức ủng hộ ông Biden, tập trung vào việc thu hút cử tri Mỹ gốc Latin chia sẻ: “Tình hình tại Florida khiến tôi thức giấc vào ban đêm. Nevada cũng khiến tôi không khỏi lo lắng”.
“Thảm họa Covid-19 đã đổ ập lên đầu những người lao động, thế nhưng quan điểm cho rằng dịch bệnh sẽ thúc đẩy các cử tri Mỹ gốc Latin đi bỏ phiếu để phản đối cách ứng phó của Tổng thống Trump không hoàn toàn đúng. Họ có rất nhiều mối quan tâm như cho con cái học trong phòng khách, lo về việc bật đèn... vì thế sẽ rất khó tập trung khi tôi nói với họ về việc điền vào một lá phiếu vắng mặt”, ông Rocha nói.
Một nỗi lo khác mà đảng Dân chủ luôn canh cánh là những thông tin sai lệch được phát tán trong chiến dịch tranh cử có thể hạn chế số lượng cử tri đi bầu và khiến ông Biden hứng chịu thất bại tương tự như bà Clinton. Cộng đồng tình báo Mỹ đã cảnh báo rằng có nhiều nhân tố nước ngoài đang tìm cách gây gián đoạn cuộc bầu cử.
Karen Finney, từng là cố vấn cấp cao trong đội ngũ tranh cử của bà Clinton cho biết: “Khi nghĩ về cuộc bầu cử năm 2016, những bài học kinh nghiệm đúc rút được từ thất bại của bà Clinton đã khiến tôi mất ăn mất ngủ. Có rất nhiều điều chúng tôi không biết và cũng không thể dự đoán được trong thời gian tới”.
Bà Karen Finney cho rằng, đảng Dân chủ cần phải lắng nghe các quan chức ở từng địa phương. Có lẽ sai lầm lớn nhất mà đội ngũ tranh cử của bà Clinton mắc phải là “phớt lờ” các nhà hoạt động trên thực địa – những người từng cảnh báo hậu quả của việc quá tự mãn về kết quả thăm dò tại các bang Michigan và Wisconsin – vốn là hai thành trì của đảng này.
“Có sự khác biệt giữa mô hình trên máy tính và những gì diễn ra trên thực địa. Chúng tôi đã coi việc nhận được sự ủng hộ của các cử tri da màu là điều hiển nhiên”, Karen Finney cho biết. Kết quả là bà Clinton đã bị thua ở cả 2 bang này.
Ngay cả khi chiến dịch của ông Biden và các nhóm đồng minh đang dồn sức huy động sự ủng hộ cử tri da màu ở các bang dao động, dữ liệu thăm dò gần đây của Đại học California, Los Angeles (UCLA) vẫn không khiến họ lo lắng.
Nỗi lo này cũng được các cựu nhân viên từng phục vụ dưới thời chính quyền Tổng thống Obama chia sẻ. Trong một chương trình có tựa đề: “Làm thế nào ông Trump có thể giành chiến thắng”, họ đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản đảng Dân chủ một lần nữa phải sống trong cơn ác mộng năm 2016.
Những người tổ chức chương trình cảnh báo nếu ông Trump nhanh chóng giành được chiến thắng ở Florida và Pennsylvania và đảng Dân chủ sẽ phải giành chiến thắng ở các bang chiến địa khác thì sự kiện ngày 3/11 có thể trở thành một bi kịch giống năm 2016.
Việc bỏ phiếu qua thư, vốn được đảng Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ, cũng khiến các thành viên đảng này không khỏi lo ngại về những rủi ro liên quan. Trong đó phải kể đến khả năng các lá phiếu gửi qua thư sẽ bị loại nhiều hơn do lỗi của cử tri. Bên cạnh đó, phe Dân chủ cũng lo lắng về việc những người cấp tiến trẻ tuổi, có xu hướng không bỏ phiếu qua thư, sẽ không đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử.
Katie Eder, giám đốc điều hành nhóm Future Coalition nhận xét: “Phe Dân chủ đã rất đúng đắn khi lo lắng về việc bỏ phiếu của những người trẻ tuổi. Trước đó, có chưa đến một nửa số cử tri trẻ tuổi đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016”.
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Nỗi lo sợ đang bị thổi phồng?
Tuy vậy, vẫn có một số thành viên đảng Dân chủ gạt bỏ những mối lo ngại trên. Cornell Belcher, người từng thăm dò ý kiến cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Barack Obama, cho biết: “Mọi người đã phóng đại những bài học năm 2016. Tôi nhận thấy rất nhiều sự lo lắng. Nhưng đối với những người có kinh nghiệm trong các cuộc thăm dò dư luận, lợi thế mà ông Biden có được rất vững chắc”.
Ông Belcher cho biết, những số liệu mạnh mẽ về tỷ lệ ủng hộ ông Biden kết hợp với xếp hạng ảm đạm của Tổng thống Trump, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại trên khắp nước Mỹ, đã khiến ông Biden có được vị thế vững chắc hơn cả cựu Tổng thống Obama trong các cuộc bầu cử trước đây.
Chuyên gia này lưu ý, các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2016, khoảng 7 triệu cử tri vắng mặt đã bỏ phiếu và đây là một tín hiệu đầy hứa hẹn cho đảng Dân chủ. Hơn nữa, các cử tri da màu ủng hộ ông Obama, nhưng không ủng hộ bà Clinton, đã báo hiệu rằng họ sẽ nghiêng về phía Biden. Và tỷ lệ cử tri da trắng ủng hộ ông Biden cũng cao hơn so với tỷ lệ mà ông Obama có được.
Khi học giả William Galston của Viện Brookings chỉ ra những điều có thể giúp ông Trump chiến thắng trong thời điểm này, ông đã nhận thấy một số điểm tương đồng so với năm 2016. Galston, người đã cố vấn cho sáu chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ trước đây, cho biết, rủi ro lớn nhất đối với ông Biden là đầu tư quá nhiều nguồn lực vào các bang đỏ [màu sắc đại diện cho đảng Cộng hòa-ND] như Texas, Georgia và Ohio – vốn được xem là những bang trung thành với ông Trump, trong khi cắt giảm nguồn lực tại các bang khác.
“Luôn có một sự cám dỗ phải đạt được chiến thắng sâu rộng tại các bang. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, việc theo đuổi chiến lược này có thể dẫn tới thảm họa”, William Galston nói.
Điều đó khiến các thành viên đảng Dân chủ quay trở lại với một châm ngôn chính trị mà họ dường như đã lãng quên vào tháng 10/2016: Luôn vận động tranh cử như thể đang bị thua kém vài điểm.
Bốn năm trước, dự đoán của trang blog Fivethirtyeight.com về cơ hội chiến thắng thấp của Tổng thống Trump đã khiến phe Dân chủ tự mãn. Nhưng giờ đây họ đang nhìn nhận những con số với một thái độ dè dặt hơn./.
Hồng Anh/VOV.VN