Theo các chuyên gia quân sự, nếu Mỹ thiết lập một hạm đội hải quân mới ở Ấn Độ Dương, điều này sẽ là rào cản không nhỏ đối với các tham vọng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite mới đây cho biết ông đang cân nhắc kế hoạch thiết lập một Hạm đội mới ở khu vực giao nhau giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ 1 ngày trước khi Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản tiến hành giai đoạn 2 tập trận hải quân ở phía bắc Biển Arab, vốn được xem như một phần sáng kiến khu vực nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo Bộ trưởng Hải quân Braithwaite, việc có thêm hạm đội mới sẽ đem lại cho Mỹ sức răn đe mạnh mẽ hơn. Ảnh: AFP
Ông Braithwaite cho biết, ông chưa thảo luận kế hoạch này với Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, nhưng đã từng trao đổi với ông Mark Esper - người đứng đầu Lầu Năm Góc bị Tổng thống Donald Trump sa thải hồi tuần trước.
Đây được xem như sáng kiến chính sách an ninh và đối ngoại quan trọng cuối cùng được định hình bởi chính quyền Tổng thống Trump trước khi chuyển giao sang chính quyền mới vào tháng 1/2020.
Tuyên bố của Bộ trưởng Hải quân Braithwaite đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan chủ yếu do các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
“Quan trọng hơn cả, việc có thêm hạm đội mới sẽ đem lại cho Mỹ sức răn đe mạnh mẽ hơn”, ông Braithwaite nhấn mạnh.
Không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7
Ấn Độ Dương là khu vực kết nối quan trọng với 80% vận tải thương mại đường biển toàn cầu đi qua khu vực này. Theo một phân tích của Viện Mercator về Nghiên cứu Trung Quốc, khoảng 80% nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đi qua Eo biển Malacca, tuyến vận tải biển đông đúc nhất của Ấn Độ Dương.
“Chúng ta không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 ở Nhật Bản. Chúng ta cần phải hướng tới các đồng minh và các đối tác khác như Singapore, Ấn Độ và thực sự đặt hạm đội ở nơi nào phù hợp nhất, nếu chúngchúng ta đã từng tham gia vào bất kỳ hình thức nào”, trang tin quân sự USNI News dẫn lời ông Braithwaite.
Hạm đội 7 của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản bao quát một phạm vi rộng 124.319.429 km vuông, trải dài từ Đường đổi ngày quốc tế ở giữa Thái Bình Dương tới biên giới Ấn Độ-Pakistan ở Ấn Độ Dương. Hạm đội 5 ở Bahrain bao quát khu vực Trung Đông và Tây Ấn Độ Dương.
Mỹ đã gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương kể từ khi Tổng thống Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2017. Cùng năm, ông Trump cũng đã khôi phục nhóm an ninh Quad (hay Tứ giác kim cương) nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với các thành viên khác là Nhật Bản, Australia và Ấn Độ thông qua tập trận quân sự.
Tuy nhiên, theo ông Charlie Lyons Jones, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình quân sự và chiến lược Thuộc viện Chính sách chiến lược Australia, Quad lại hướng nhiều hơn vào “hợp tác phòng thủ”.
“Nhóm này đơn thuần tìm cách đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhất là đối với thương mại quốc tế. Do đó, các nước Quad sẽ không tìm cách ‘đóng vai trò đi đầu’ trong việc chống lại Trung Quốc nếu xảy ra xung đột quân sự Mỹ-Trung. Thay vào đó, Quad sẽ tìm cách ngăn chặn một cuộc xung đột như vậy ngay từ trước khi nó xảy ra”, ông nói.
Siết gọng kìm với Trung Quốc
Một hạm đội mới của Mỹ tập trung vào Ấn Độ Dương có thể sẽ là rào cản đối với các tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, một chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói với SCMP.
“Trung Quốc dựa vào Ấn Độ Dương nhiều hơn là Tây Thái Bình Dương. Việc thiết lập một hạm đội Hải quân Mỹ không khác gì siết gọng kìm đối với Trung Quốc. Điều đó sẽ tác động không nhỏ tới các lợi ích phát triển của Trung Quốc ở khía cạnh chuỗi cung cấp năng lượng cũng như đầu tư vào các dự án Vành đai và con đường”, ông nói.
Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc là một cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Phi, châu Âu và xa hơn thế.
Theo sáng kiến này, Trung Quốc hợp tác với các nước Ấn Độ Dương trong đó có Pakistan để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng biển, từ đó có thể nhanh chóng tiếp cận châu Âu và châu Phi hơn.
Cảng Gwadar của Pakistan là một ví dụ. Cảng này, do một tập đoàn Trung Quốc xây dựng và quản lý, có vị trí chiến lược nằm gần Eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ đường biển quan trọng nhất thế giới.
Cảng Gwadar ở Pakistan do Trung Quốc xây dựng và quản lý. Ảnh: Wikipedia
Timothy Heath, một nhà phân tích quân sự cấp cao thuộc tổ chức Rand của Mỹ nói rằng, Mỹ có thể dễ dàng thiết lập một hạm đội mới, nhưng sẽ gặp phải những thách thức khi xây dựng một hạm đội như vậy.
“Hạm đội hải quân Mỹ đã ‘co lại’ đáng kể qua thời gian và cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng các nhiệm vụ của các Bộ tư lệnh hiện có. Nhiều khả năng, một bộ tư lệnh mới sẽ phải hoạt động với số lượng tàu không nhiều, ít nhất là ở giai đoạn đầu”, ông Heath nói.
Charlie Lyons Jones, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình quân sự và chiến lược Thuộc viện Chính sách chiến lược Australia nói rằng, động thái này có thể được các đồng minh như Australia chào đón. Australia có thể sẵn lòng cho đặt thêm các cơ sở hải quân của Mỹ.
“Tuy nhiên có nhiều lo ngại rằng việc thiết lập một hạm đội mới đặt tại Ấn Độ Dương chưa được Mỹ tính toán kỹ cũng như chưa tham vấn một cách cụ thể với các đồng minh. Hơn nữa, sẽ tốt hơn nếu Hải quân Mỹ mua thêm tàu cùng các trang thiết bị khác trước khi thành lập một hạm đội dành riêng cho Ấn Độ Dương, vì Hạm đội 7 của Mỹ hiện nay đang bao quát phạm vi rộng lớn và ban lãnh đạo của hạm đội này không muốn san sẻ bớt các nguồn lực cần thiết ở Thái Bình Dương”, ông Lyons Jones nói./.
Hoàng Phạm/VOV.VN