Các kịch bản trả thù của Iran: “Ăn miếng trả miếng” hay "nằm im chờ thời”?

Thứ 5, 03.12.2020 | 10:25:48
322 lượt xem

Khẳng định sẽ trả thù vụ nhà khoa học hạt nhân bị ám sát nhưng việc trả thù khi nào và như thế nào sẽ là những vấn đề khiến Iran phải đau đầu.

Trong năm nay, Iran đã trải qua 2 cú sốc lớn về quân sự và hạt nhân. Cú sốc đầu tiên là khi tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds và các chiến dịch ở nước ngoài cũng như chịu trách nhiệm truyền bá các tư tưởng của Iran, bị giết chết hồi tháng 1/2020. Cú sốc thứ hai là vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu nước này - Mohsen Fakhrizadeh cuối tuần trước.

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh ngày 27/11. Ảnh: Reuters

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh ngày 27/11. Ảnh: Reuters

Cái chết của tướng Soleimani và nhà khoa học Fakhrizadeh đã cho thấy điểm yếu của hệ thống tình báo và an ninh Iran, cũng như việc chính phủ nước này chưa có khả năng ngăn chặn việc rò rỉ thông tin mật.

4 kịch bản trả thù của Iran

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã viết trên Twitter rằng, có 2 vấn đề cần ưu tiên thực hiện, đó là trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của Fakhrizadeh và tiếp nối các công việc mà nhà khoa học này vẫn đang dang dở. Ngay cả Tổng thống Iran, người theo đường lối ôn hòa cũng khẳng định Iran sẽ trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh.

Tuy nhiên, liệu Iran sẽ thực sự đáp trả hay không? Và nếu điều đó xảy ra, Iran sẽ đáp trả khi nào và như thế nào? Dưới đây là một số lựa chọn mà Iran có thể tính tới nhằm đáp trả:

Lựa chọn 1: Tăng cường chương trình hạt nhân

Iran đã đưa ra phản ứng ban đầu sau vụ nhà khoa học hạt nhân bị sát hại. Chỉ trong 72h sau cuộc tấn công, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật tăng cường làm giàu uranium lên 20% và khôi phục lò phản ứng nước nặng Arak như trước khi có thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Thúc đẩy chương trình hạt nhân là một cách phản kháng của Iran cho thấy các chương trình hạt nhân của nước này vẫn sẽ tiếp tục ngay cả khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu bị sát hại.

Lựa chọn 2: Sử dụng các lực lượng ủy nhiệm

Iran có các lực lượng ủy nhiệm mà nước này tài trợ, huấn luyện và trang bị vũ khí ở một số quốc gia Trung Đông như Lebanon, Iraq, Syria và Yemen.

Do đó, Tehran có thể sẽ xây dựng lực lượng Hezbollah ở Lebanon, lực lượng Hamas ở Gaza để nã rocket vào Israel. Nước này cũng có thể sẽ sử dụng lực lượng dân quân Shia ở Iraq để tấn công vào những nơi có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây hay sử dụng lực lượng Houthi ở Yemen để tăng cường các cuộc tấn công vào Saudi Arabia. Tuy nhiên, tất cả các động thái trên đều có nguy cơ vấp phải sự đáp trả từ những quốc gia này.

Lựa chọn 3: Phản ứng tương xứng

Với Iran, đây có lẽ là lựa chọn liều lĩnh nhất khi ám sát một quan chức cấp cao của Israel, người có vị trí tương tự như ông Mohsen Fakhrizadeh.

Iran đã cho thấy nước này có khả năng tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới ở Trung Đông. Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) của Iran được huấn luyện đặc biệt trong các chiến dịch tấn công bí mật, bao gồm cả các vụ ám sát.

Tuy nhiên, việc ông Fakhrizadeh vẫn bị ám sát bất chấp vòng bảo vệ nghiêm ngặt đã cho thấy những kẻ ám sát biết rõ chính xác lộ trình và thời gian di chuyển của ông, cũng như nhắc nhở Iran về điểm yếu an ninh của nước này.

Iran cũng hiểu rõ nếu nước này tấn công trực tiếp Israel, Tehran có thể đối mặt với một cuộc tấn công trên quy mô lớn.

Israel không còn là một nước đơn độc hay bị các nước thuộc thế giới Arab cô lập nữa. Hiện nay, Israel đã bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain cũng như cải thiện quan hệ với Saudi Arabia.

Do đó, những chiến lược gia của Iran sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về việc phản ứng với những diễn biến trên để lấy lại thể diện mà không gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện hay nguy cơ bị tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự.

Lựa chọn 4: Án binh bất động

Mặc dù đại sứ Iran tại London luôn nói rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua không ảnh hưởng đến lập trường của chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo này nhưng thực tế là dường như chính quyền ông Biden có thể sẽ muốn cải thiện quan hệ với Iran hơn so với chính quyền Tổng thống Trump.

Những tiếng nói ôn hòa ở Bộ Ngoại giao Mỹ và giới doanh nghiệp hiện nay có thể kiềm chế căng thẳng hoặc có thể giúp Nhà Trắng của ông Biden đạt được một vài thỏa thuận trong tương lai với Iran.

Ông Biden từng khẳng định ông muốn đưa nước Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Trump đã rút khỏi năm 2018. Với Iran, điều đó đồng nghĩa với việc lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ và hàng tỷ USD sẽ đổ vào nước này.

Nguy cơ chiến tranh với Israel và Mỹ

Hiện nay, một cuộc chiến toàn diện với Israel và Mỹ không phải là điều Iran mong muốn. Do đó, Iran sẽ nỗ lực để tránh một cuộc xung đột trực tiếp.

Bất kỳ cuộc xung đột trực tiếp nào giữa Iran và đồng minh của Mỹ đều sẽ kéo Washington vào cuộc chiến này và phá vỡ thế cân bằng với Tehran. Mỹ từ lâu đã tuyên bố rằng cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel sẽ khiến Washington đáp trả quân sự và Tehran hiểu rõ điều này.

Mặc dù Iran có diện tích và dân số lớn hơn Israel nhưng khả năng quân sự của nước này kém hơn cả Israel và Mỹ. Điều thay đổi cơ bản cán cân quân sự là khả năng hạt nhân của Israel khi nước này được cho là có đủ plutonium để sản xuất cho khoảng 100 - 200 đầu đạn hạt nhân.

Chính quyền Iran cũng phải cân nhắc đến một thực tế rằng, sự bất mãn của người dân nước này với chính phủ đang ngày càng gia tăng. Bất kỳ cuộc chiến toàn diện nào đều có thể kéo theo một cuộc nổi dậy khác trong nước. Ngoài ra, Tehran cũng đang phải đối mặt với những thách thức về kinh tế do lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn đang tác động mạnh mẽ đến các ngành năng lượng, ngân hàng và vận chuyển.

Quan trọng hơn, Iran tin rằng chính quyền Tổng thống Trump khác với các chính quyền khác của Mỹ bởi ông Trump sẵn sàng tấn công Iran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này tấn công Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Trên thực tế, giới chức Iran cho rằng chính quyền Tổng thống Trump và Israel muốn kéo Tehran vào một cuộc chiến trong những tuần cuối của năm 2020 và chính quyền nước này không được rơi vào bẫy.

Tờ Arman-e Melli của Iran đã có một bài viết với tiêu đề: "Bẫy căng thẳng: Ám sát một nhà khoa học hạt nhân”, giải thích rằng Tehran phải vô cùng thận trọng và kiên nhẫn trong những tuần cuối khi Tổng thống Trump ở Nhà Trắng, cũng như nên hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ và Israel.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã chỉ đích danh Israel và cảnh báo về ý định tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran của nước này trước khi ông Biden nhậm chức. Ông Zarif đã viết trên Twitter rằng: "Những kẻ khủng bố đã giết chết một nhà khoa học ưu tú của Iran ngày hôm nay. Sự hèn nhát này, cùng với những dấu hiệu nghiêm túc về vai trò của Israel đã cho thấy thái độ khiêu chiến liều lĩnh của thủ phạm".

Vì vậy, khả năng có thể xảy ra nhất là chính quyền Iran sẽ chờ đợi cho tới khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ trước khi tính đến việc trả thù hoặc cứu vãn thể diện.

Mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn khả năng chiến tranh Iran - Israel song Tehran sẽ cố gắng tránh leo thang nghiêm trọng Trước đó, sau khi Mỹ không kích giết chết chỉ huy lực lượng Quds Qassem Soleimani, Iran chỉ đáp trả bằng một cuộc tấn công hạn chế vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq.

Tháng 6 năm sau, Iran cũng sẽ có một cuộc bầu cử với những ứng viên có lập trường cứng rắn dường như đang chiếm ưu thế hơn. Mặc dù bày tỏ lập trường mạnh mẽ nhưng rõ ràng bất kỳ lãnh đạo nào ở Iran đều cần giữ thái độ thận trọng trong từng bước đi để không rơi vào bẫy chiến tranh hoặc khiến những cơ hội hiếm hoi bỗng chốc "xôi hỏng bỏng không"./.


Kiều Anh/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cac-kich-ban-tra-thu-cua-iran-an-mieng-tra-mieng-hay-nam-im-cho-thoi-821526.vov

  • Từ khóa