Việc Trung Quốc không ngần ngại gia tăng căng thẳng với Australia được cho là cách để nước này gửi thông điệp cảnh cáo đến các đối thủ trên toàn cầu.
Australia hồi tháng 4 đề xuất một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã áp dụng nhiều hạn chế đối với hàng tỷ USD hàng hóa xuất khẩu trong hơn 10 ngành công nghiệp chủ chốt của Australia, bao gồm lúa mạch, thịt bò, than đá, đồng, gỗ và rượu.
Tháng trước, Trung Quốc công bố một hồ sơ nêu 14 sự việc đã "đầu độc" mối quan hệ giữa hai nước, trong đó có lời kêu gọi của Canberra đòi điều tra nguồn gốc Covid-19, những bản tin truyền thông "đối kháng" về Trung Quốc tại Australia và các tuyên bố mà Canberra đưa ra về tình hình Hong Kong và Tân Cương. Điều này càng củng cố giả thuyết đang phổ biến rằng Trung Quốc muốn gây căng thẳng với Austrlia nhằm trả đũa chính trị.
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc nhập khoảng 40% hàng hóa xuất khẩu của Australia, một đồng minh thân cận với Mỹ. Kim ngạch thương mại năm 2019-2020 có giá trị khoảng 177 tỷ USD.
Dù vẫn để mở cánh cửa đàm phán và bày tỏ hy vọng về một mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, Thủ tướng Australia Scott Morrison vẫn nhấn mạnh không thỏa hiệp bằng các giá trị của đất nước hay lợi ích quốc gia, khẳng định chính sách quốc gia sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi "mệnh lệnh từ bất kỳ nước nào".
Bắc Kinh phủ nhận việc họ là tác nhân khiến mối quan hệ xấu đi, kêu gọi Canberra "đối mặt với mấu chốt của thất bại trong quan hệ song phương" và đưa ra "những lựa chọn độc lập, khách quan và hợp lý phục vụ lợi ích của chính mình".
Triển vọng tan băng những ngày gần đây lại mờ nhạt thêm trong bối cảnh khẩu chiến nổ ra giữa hai bên sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng lên mạng xã hội bức ảnh minh họa cảnh một người lính Australia cầm dao cắt cổ một đứa trẻ Afghanistan. Hành động khiến Australia, Mỹ, New Zealand và Pháp lên án mạnh mẽ.
Cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cho rằng bản danh sách những lời phàn nàn của Bắc Kinh đối với Canberra đã phá hủy mọi đường lui và không gian thỏa hiệp.
"Về cơ bản, họ phàn nàn mọi khía cạnh liên quan đến nền dân chủ của Australia", ông nói.
Cựu thủ tướng Turnbull lưu ý các quốc gia trong khu vực nên "ghi chép cẩn thận" về kinh nghiệm của Australia, thêm rằng chiến lược và luận điệu hiếu chiến của Bắc Kinh đã góp phần làm hình ảnh nước này trên trường quốc tế bị tổn hại nặng nề. "Tôi chắc chắn rằng việc đi xung quanh đe dọa, gây áp lực lên người khác không phải cách để thu phục bè bạn", ông cho hay.
Nhiều nhà quan sát nhận định chiến lược của Bắc Kinh là cách để họ truyền thông điệp tới các quốc gia khác, bao gồm cả Canada và Liên minh châu Âu (EU), về những hệ quả mà họ có thể gặp phải nếu chống lại những lợi ích cốt lõi mà Trung Quốc theo đuổi.
"Nhìn vào danh sách '14 khiếu nại' của Trung Quốc, chúng rõ ràng không phải những 'yêu cầu' thực tế mà Trung Quốc mong đợi Australia sẽ thực hiện", Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, nhận xét. "Thay vào đó, nó là một 'danh sách cảnh báo' nhằm tới các quốc gia khác về những hành động chính sách đối ngoại mà Trung Quốc có thể trừng phạt về kinh tế. Nói một cách khác, Australia trở thành mục tiêu để làm gương cho những nước khác".
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Đối ngoại của Quốc hội Anh Tom Tugendhat, mô tả bản danh sách của Trung Quốc giống như "lời cảnh tỉnh" đối với các nước khác và chính phủ Anh coi đó là một "hành động cực kỳ hung hăng".
Trải nghiệm mới nhất của Australia với châu Á thực tế đã là điều quen thuộc đối với một số nước ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, tất cả đều là đồng minh của Mỹ nhưng giao lưu thương mại hầu hết với Trung Quốc, đều rơi vào cảnh phải nhận những đòn trả đũa kinh tế rõ ràng từ Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Shin Oya, chuyên gia tư vấn cấp cao tại viện chính sách Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương, trụ sở ở Tokyo, cho biết Nhật Bản chưa thể quên ký ức sống động về việc Bắc Kinh ngăn họ xuất khẩu đất hiếm hồi năm 2010 bắt nguồn từ tranh cãi quanh vụ Nhật bắt một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc.
Theo Oya, những nước như Nhật Bản, cần chống lại chiến lược gây áp lực từ Trung Quốc trên tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế.
"Đoàn kết với Australia không phải chỉ vì người dân Australia mà còn vì những người đặt niềm tin vào pháp quyền và một thế giới không bị áp bức về kinh tế", Oya nói.
Shin Kak-soo, cựu quan chức ngoại giao từng làm việc tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Nhật Bản và Israel, cho hay tình thế của Australia hiện nay không khác gì Seoul hồi năm 2017 khi Bắc Kinh gây sức ép lên ngành du lịch nước này nhằm trả đũa việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ.
"Tất cả các nước trong khu vực nên nỗ lực hết sức để xây dựng một mạng lưới khuôn khổ khu vực nhiều tầng lớp, nơi mà Trung Quốc phải hành xử phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực với tư cách một bên liên quan có trách nhiệm", Shin nói và thêm rằng sáng kiến của tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về việc xây dựng liên minh giữa các nước dân chủ có thể là một phương tiện tốt giúp kiềm chế Trung Quốc.
Bilahari Kausikan, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc và Nga, cho rằng Bắc Kinh muốn thử xem liệu họ có thể phá vỡ ý chí chính trị của Australia hay không. Nếu thành công, điều đó sẽ "tạo tâm lý hoài nghi ở tất cả các quốc gia bạn bè, đồng minh với Mỹ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
"Nếu Australia khuất phục trước áp lực từ Trung Quốc, tất cả các nước sẽ chú ý và cân nhắc lại lập trường của mình", Kausikan nhận định.
Vũ Hoàng/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/cang-thang-voi-australia-trung-quoc-nan-gan-cac-doi-thu-4201789.html