Việc Quốc hội Mỹ thông qua lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara mua hệ thống S-400 của Moscow đã cho thấy Washington sẽ hành động chứ không phải chỉ nói suông.
Những rạn nứt khó hàn gắn
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hôm 14/12 rằng Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, một động thái tiếp tục đẩy xa hơn căng thẳng giữa Washington và đồng minh NATO lâu năm này giữa bối cảnh Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị nhậm chức.
Ảnh minh họa: Reuters
Thượng viện đã thông qua Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) ngày 11/12 với tỷ lệ 84 phiếu thuận/13 phiếu chống, trong khi Hạ viện cũng đã thông qua phiên bản cuối cùng của dự luật này. Ông Trump có 10 ngày để ký ban hành thành luật hoặc phủ quyết dự luật sau khi Nhà Trắng nhận được nó. Dù vậy, dự luật trên đã nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng trong Quốc hội nên đã đủ điều kiện để được thông qua bất chấp việc ông Trump có phủ quyết hay không.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù ông Trump có phủ quyết dự luật trên hay không thì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách có một khởi đầu tốt với chính quyền tiếp theo.
"Ông Erdogan sẽ đáp ứng bất kỳ điều gì từ ông Biden, ít nhất là trong ngắn hạn", Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington cho hay.
Ali Cinar, một chuyên gia về chính sách đối ngoại cho biết, việc nối lại quan hệ đối tác quốc phòng với Mỹ là điều bất khả thi, chừng nào mà vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga vẫn chưa được giải quyết.
"Có những cuộc khủng hoảng không thể hiện rõ điều này do mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Erdogan", chuyên gia này cho biết, đồng thời nhận định: "Ưu tiên của ông Biden không phải là Thổ Nhĩ Kỳ".
Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017 cho phép Tổng thống Mỹ áp từ 5 lệnh trừng phạt trở lên với những người tham gia vào việc buôn bán đáng kể với các ngành quốc phòng và tình báo của chính phủ Nga.
Lệnh trừng phạt CAATSA lần đầu tiên được nêu ra khi Thổ Nhĩ Kỳ ký một hợp đồng với Nga để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 năm 2017. Thỏa thuận này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vấp phải sự giận dữ từ các đồng minh khác do sự không tương tích của hệ thống này với hệ thống của NATO.
Các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lo ngại rằng S-400 có thể trở thành công cụ được Nga sử dụng để đánh cắp công nghệ của chương trình tiêm kích F-35. Bất chấp đe dọa từ phía Mỹ về việc sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này, Ankara vẫn quyết tâm mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Obama vì trước đó đã không cho phép quốc gia này mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất.
Quan hệ Mỹ - Thổ dưới thời Biden sẽ đi về đâu?
Hôm 11/12, ông Erdogan cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ của Nga là sự không tôn trọng với một đồng minh quan trọng trong NATO.
"Chúng tôi có quan hệ kinh tế và chính trị lâu dài với Mỹ cũng như EU, một thực tế mà cả hai bên đều chưa từng phủ nhận hoặc liều lĩnh đánh mất. Các chương trình trừng phạt này, được áp đặt với những động cơ chính trị và không có bất kỳ lý do hợp lý nào, có thể tạo thành một hướng tiếp cận có hại với tất cả các bên và không đem lại lợi ích cho bên nào", ông Erdogan chia sẻ trong một cuộc họp trực tuyến với những người đứng đầu các tỉnh ở đảng của ông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/12, ông Erdogan cũng cho biết ông sẽ trao đổi với ông Biden khi ứng viên đảng Dân chủ nhậm chức vào tháng tới.
Ông Biden từng chỉ trích các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump tại Syria khi cho rằng động thái này đã dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng đệm tại phía bắc Syria. Ông cũng chỉ trích việc ông Trump rút quân khỏi phía bắc quốc gia này là sự phản bội với lực lượng người Kurd và là "nỗi hỗ thẹn mà bất kỳ tổng thống nào từng thực hiện trong lịch sử hiện đại về chính sách đối ngoại". Ông Biden cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải "trả giá đắt" về chiến dịch quân sự tại vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Syria.
Sau những động thái quân sự ở Syria và sự can thiệp vào cuộc nội chiến ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra những tranh cãi với Hy Lạp về việc khai thác khí đốt ở đông Địa Trung Hải. Liên minh châu Âu được cho là cũng sẽ phản ứng với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các lệnh trừng phạt.
Một chuyên gia cho biết hướng tiếp cận cứng rắn của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra quá muộn.
"Hiện đã 18 tháng kể từ khi ông Erdogan tiếp nhận việc chuyển giao hệ thống S-400 từ Nga. Đã đến lúc để Mỹ phải chấm dứt việc bị lợi dụng", Tom Karako, một học giả cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay./.
Kiều Anh/VOV.VN