Đội ngũ của ông Joe Biden đang cân nhắc một số lựa chọn để trừng phạt Nga trước cáo buộc Moscow đứng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn tại Mỹ.
Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden đang cân nhắc một số lựa chọn để trừng phạt Nga ngay khi ông Biden lên nắm quyền vì nghi ngờ quốc gia này đứng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn chưa từng có nhằm vào các cơ quan chính phủ và nhiều công ty của Mỹ.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đang cân nhắc một số lựa chọn để trừng phạt Nga. Ảnh: Bankinforsecurity.
Một loạt biện pháp trừng phạt tiềm năng
Theo một nguồn tin giấu tên, ông Biden sẽ xem xét đưa ra phản ứng đủ mạnh để gây tác động lớn tới lĩnh vực kinh tế, tài chính và công nghệ của Nga, nhưng lại tránh gây leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Mục tiêu tổng thể của các biện pháp, trong đó có thể bao gồm trừng phạt tài chính và tăng cường nỗ lực chống tấn công mạng, sẽ là tạo ra biện pháp răn đe hiệu quả và làm suy yếu khả năng gây ra các hoạt động gián điệp mạng của đối phương trong tương lai.
Cuộc tấn công mạng quy mô lớn cùng những hạn chế trong khả năng phát hiện và đánh giá mức độ tin tặc xâm nhập vào mạng máy tính của các cơ quan liên bang, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng và Bộ Thương mại Mỹ sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Biden khi ông lên nắm quyền vào ngày 20/1/2021.
Tuy vậy, ở thời điểm này, các cuộc thảo luận của các cố vấn của ông Biden về cuộc tấn công mạng chỉ mang tính lý thuyết và vấn đề sẽ được xem xét lại khi chính quyền ông Biden lên nắm quyền và có đánh giá đầy đủ về các khả năng của Mỹ.
Đội ngũ của ông Biden sẽ cần phải nắm rõ hơn các thông tin tình báo của Mỹ về vụ tấn công mạng trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, một trong số các nguồn thạo tin cho biết. Quyền tiếp cận của ông với các cuộc họp về thông tin tình báo đã bị trì hoãn cách đây 3 tuần sau khi Tổng thống Trump phản đối kết quả bầu cử ngày 3/11 và thực hiện các nỗ lực pháp lý nhằm đảo ngược kết quả.
Trước đó hôm qua (20/12), Tổng thống Donald Trump đã hạ thấp mối đe dọa từ cuộc tấn công mạng. Trên trang cá nhân Twitter, ông cho biết Nga luôn được nêu tên đầu tiên “nếu có bất cứ điều gì xảy ra”, ngoài ra ông cũng nghi ngờ Trung Quốc có thể đứng sau vụ tấn công mạng.
Trước việc ông Trump chưa thực hiện bất cứ hành động nào, đội ngũ của ông Biden lo ngại rằng trong những tuần tới, tổng thống đắc cử có thể chỉ còn lại một lựa chọn duy nhất là đe dọa, một nguồn thạo tin cho biết.
"Họ sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Biden phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên CBS tuần trước khi được hỏi về cách thức đối phó với vụ tấn công mạng mà Nga bị nghi ngờ thực hiện. Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết sẽ áp đặt "chế tài trừng phạt tài chính" đối với "các cá nhân và tổ chức liên quan”.
Gây sức ép bằng cách phối hợp với các đồng minh
Phản ứng đối với vụ tấn công mạng có thể là một phép thử sớm đối với cam kết của ông Biden về việc hợp tác và tham vấn một cách hiệu quả hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Bởi một số đề xuất được đưa ra có thể ảnh hưởng đến lợi ích tài chính và cơ sở hàng tầng của những quốc gia thân thiện với Mỹ.
Tuy nhiên, ông James Andrew Lewis – chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết: “Những biện pháp mang tính biểu tượng sẽ không ảnh hưởng đến các quốc gia thân thiện với Mỹ. Chúng tôi chỉ muốn người Nga biết rằng chúng tôi đang đẩy lùi các vụ tấn công mạng”.
Theo Reuters, vụ tấn công mạng quy mô lớn cho phép các tin tặc mà Mỹ cáo buộc liên hệ với Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR), xâm nhập hệ thống mạng của các cơ quan chính phủ, các công ty tư nhân và tổ chức tư vấn của Mỹ trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Ông Edward Fishman, chuyên gia thuộc Hội đồng Atlantic, người từng làm việc về các biện pháp trừng phạt Nga dưới thời Obama, đánh giá, SVR có thể là mục tiêu tiềm năng bị áp đặt các chế tài trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ. Theo một số phương tiện truyền thông, nhóm tin tặc “Cozy Bear” (còn có tên gọi khác là APT29) nghi ngờ liên quan đến SVR, bị cho là thủ phạm gây ra cuộc tấn công này. Hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ, Anh và Canada cáo buộc “Cozy Bear” đã đánh cắp dữ liệu về vaccine Covid-19 và các nghiên cứu điều trị căn bệnh này của nhiều công ty dược phẩm và viện nghiên cứu.
“Tôi cho rằng, ở mức độ tối thiểu, chính phủ Mỹ có thể xem xét áp đặt trừng phạt đối với SVR”, ông Fishman nói và lưu ý rằng, động thái này phần lớn sẽ mang tính biểu tượng, không gây ra ảnh hưởng lớn về kinh tế.
Các chuyên gia Fishman và Andrew Lewis cũng cho rằng, biện pháp trừng phạt tài chính đối với các công ty nhà nước và tập đoàn kinh doanh của các nhà tài phiệt Nga liên hệ với Tổng thống Putin sẽ đạt hiệu quả hơn vì nó khiến họ không thể tiếp cận được với những giao dịch bằng USD.
Mục tiêu tiềm năng có thể là tập đoàn nhôm Rusal của Nga, đã được Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào năm 2018 sau khi chủ tịch tập đoàn này, tỷ phú Oleg Deripaska rút bớt cổ phần ra khỏi tập đoàn theo một thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ.
Chuyên gia Lewis cho biết, biện pháp mạnh tay hơn có thể là cắt đứt sự kết nối của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Động thái này sẽ khiến các công ty của Nga không thể xử lý các khoản thanh toán đến và đi của khách hàng ở nước ngoài. Mỹ từng có ý định thực hiện biện pháp này vào năm 2014 sau sự kiện Bán đảo Crime sáp nhập vào Nga. Biện pháp sẽ gây tổn hại cho ngành năng lượng của Nga, cản trở các thỏa thuận mua bán khí đốt giữa Nga và châu Âu, đồng thời gây thiệt hại cho những công ty châu Âu làm ăn với Nga.
Hiện tại Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa trả lời các câu hỏi về hành động tiềm năng nhằm đối phó với vụ tấn công mạng.
Theo chuyên gia Lewis, Bộ chỉ huy mạng (CyberCom) của Lầu Năm Góc nhiều khả năng cũng đang xem xét các biện pháp đáp trả, trong đó có việc làm tê liệt cơ sở hạ tầng công nghệ của Nga. Tuy nhiên, chuyên gia Lewis lưu ý, biện pháp này cũng có thể gây tổn hại cho các đồng minh châu Âu của Mỹ./.
Hồng Anh/VOV.VN