Quan hệ Trung Quốc - Australia năm 2020: Thế giằng co và những tranh cãi chưa hồi kết

Thứ 2, 28.12.2020 | 08:28:00
318 lượt xem

Năm 2020 là thời điểm chứng kiến một loạt diễn biến gây leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Australia. Nếu xu hướng hiện tại kéo dài, triển vọng hai bên cải thiện quan hệ trong năm 2021 là rất khó.

Mặc dù Thủ tướng Australia từng thể hiện sự cởi mở đối với các cuộc đối thoại nhằm làm giảm căng thẳng, nhưng rất ít nhà quan sát nhận thấy một bước đột phá về mặt ngoại giao khi cả Canberra và Bắc Kinh không có dấu hiệu nhượng bộ lẫn nhau trong các cuộc đàm phán.

Quan hệ Trung Quốc- Australia ngày càng leo thang căng thẳng. Ảnh: Getty Images

Quan hệ Trung Quốc- Australia ngày càng leo thang căng thẳng. Ảnh: Getty Images

"Thế giằng co" chi phối quan hệ song phương

Trong số các trường phái ôn hòa và cứng rắn, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng mối quan hệ đối đầu giữa hai nước trong năm 2020 có thể trở thành một trạng thái “bình thường mới”, thậm chí là sự khởi đầu của vòng xoáy xung đột và đối đầu trong tương lai.

Chính sách ngoại giao “chiến lang” cùng quyết định của Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia trị giá 20 tỷ AUD (15,2 tỷ USD) đã khiến chính quyền Thủ tướng Scott Morrison và Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - Australia (ACBC) bác bỏ mọi sự thỏa hiệp trên bàn đàm phán, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chống lại sự “cưỡng ép” về kinh tế từ phía Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc luôn khẳng định Australia cần thực hiện những hành động cụ thể để cải thiện quan hệ giữa hai nước, sau khi Canberra kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19 hồi đầu năm nay, ban hành lệnh cấm Huawei, cho đăng tải các bản tin truyền thông “đối kháng” về Trung Quốc – loạt động thái mà Bắc Kinh cho là đã “đầu độc” quan hệ giữa hai nước. Phía Australia than phiền rằng, Trung Quốc đã từ chối đề nghị đàm phán ở cấp bộ trưởng và chỉ đồng ý duy trì đàm phán ở cấp lãnh sự.

Tại Australia, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng, nước này phải “chấp nhận thực tế là quan hệ với Trung Quốc sẽ khó cải thiện trong tương lai gần và Canberra cần phải thực hiện các bước đi quan trọng để thích nghi với tình hình”, ông Dominic Meagher, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia nhận xét.

Theo một số nhà cựu ngoại giao và học giả, căng thẳng leo thang không chỉ bắt nguồn từ phía Trung Quốc mà một phần do việc Canberra đã quá quyết liệt trong trong thực hiện đối sách với Bắc Kinh, chẳng hạn như việc Australia tiếp bước Mỹ kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 hay việc Thủ tướng Morrison đã tỏ thái độ giận dữ trước việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng tải bức hình “giả mạo” binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ.

Vai trò của Australia đã thay đổi

Tuy vậy, vẫn có chút ít niềm tin rằng, một số động thái ngoại giao tích cực, hoặc ít nhất là phát ngôn thể hiện thiện chí, chẳng hạn như việc ông Morrison ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc thời gian gần đây, có thể giúp quan hệ giữa hai bên được cải thiện.

“Tôi mong muốn Trung Quốc sẽ không thực hiện các hành động ăn miếng trả miếng. Tôi nghĩ rằng sự đổ vỡ trong quan hệ có thể được hàn gắn nếu hai bên thực hiện các động thái ngoại giao một cách khéo léo và mềm mỏng hơn”,  cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr nói.

Ông Bob Carr cũng cho rằng, hành vi của Trung Quốc đối với Australia không phản ánh “cách hành xử đúng mực mà người ta mong đợi từ một cường quốc đang trỗi dậy trên thế giới”.

Trái ngược với quan điểm này, Qinduo Xu – chuyên gia cấp cao tại Viện Pangoal ở Bắc Kinh đánh giá, việc Trung Quốc phải phản ứng mạnh mẽ với những chính sách mà nước này coi là “mối đe dọa” là lẽ tự nhiên. Theo ông, đề xuất điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 của Australia dường như “thiên về chính trị, nhắm mục tiêu vào Trung Quốc” nhiều hơn là nỗ lực thu thập các thông tin xác thực.

“Một số nhà phân tích Trung Quốc nói rằng, Australia hiện giờ không còn đóng vai là phó cảnh sát của Mỹ, mà đang trở thành cảnh sát trưởng trong chiến dịch chống Trung Quốc, với sự tham gia của hầu hết các nước phương Tây”, ông Qinduo Xu lưu ý.

Chuyên gia này đánh giá “khó có thể lạc quan” về quan hệ giữa hai nước và xuất khẩu của Australia sẽ “bị ảnh hưởng nặng nề” trong năm 2021 nếu Canberra không chủ động cải thiện quan hệ. Theo ông Qinduo Xu, Austalia có thể thực hiện các hành động cụ thể như chấm dứt tập trận hải quân trong với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. “Nhưng ngay cả khi nước này thực hiện những nỗ lực đó, tôi không cho rằng trong năm 2021, hai bên sẽ chứng biến bất cứ thay đổi nào trong mối quan hệ”.

James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney nhận xét, việc theo đuổi chính sách ngoại giao mềm dẻo ít có khả năng giúp khôi phục quan hệ song phương khi mà trong năm 2020 “hai bên đã nhiều lần chìa cành oliu cho nhau nhưng thiện chí đó nhanh chóng bị dập tắt bởi một loạt diễn biến không mong muốn”.

Tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn và xung đột

Đặc biệt, những điểm “chớp cháy” dễ phát sinh xung đột liên quan đến nhiều vấn đề cốt lõi trong quan hệ song phương vẫn còn ở phía trước. Tuần trước, Australia đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) điều tra các mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm lúa mạch của quốc gia này. Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham và ông Andrew Hastie, Chủ tịch Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội Australia vốn là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đều cho rằng Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu khác của Australia, trong đó có rượu vang.  

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và là điểm đến của gần 40% hàng hóa xuất khẩu của nước này. Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc Canberra “chính trị hóa các vấn đề kinh tế, đầu tư và công nghệ” hay“phân biệt đối xử với công ty của Trung Quốc “, chẳng hạn công ty sữa Mengniu Dairy. Hồi tháng 8, Chính phủ Australia đã tuyên bố bác bỏ thương vụ của Mengniu Dairy -  công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nhằm thâu tóm hãng sữa nổi tiếng của Australia là Lion Dairy & Drinks với giá trị hơn 400 triệu USD. 

Ngoài ra, việc Trung Quốc đấu thầu xây dựng một cơ sở đánh cá ở Papua New Guinea nằm cách lục địa Australia 200km trong thời gian gần đây đã khiến lưỡng đảng của Australia cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn với ngành công nghiệp đánh bắt cá và an ninh quốc gia của nước này.

Yingjie Guo, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Sydney, cho biết: “Đối với chính phủ Trung Quốc, thương mại là một phần của chính trị. Bắc Kinh đã thể hiện rõ rằng họ muốn thấy một số hành động cụ thể chứ không chỉ là những lời nói suông. Nhưng chính phủ Australia dường như chưa sẵn sàng đưa ra bất cứ thỏa hiệp nào về mặt chính trị”.

Theo chuyên gia Guo, Trung Quốc sẽ gia tăng sức ép đối với Australia nếu nước này không có "hành động cụ thể" trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden vào tháng 1/2021.

“Các lĩnh vực giáo dục và du lịch sẽ trở thành mục tiêu tiềm năng. Ngoài ra, việc Bắc Kinh có gia tăng sức ép hay không còn phụ thuộc vào những gì ông Biden nói hoặc làm, liên quan đến căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc. Tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ lùi bước nếu ông Biden gây áp lực đối với họ để bảo vệ đồng minh”.

Meagher – chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Australia cũng như nhiều quốc gia khác cần phải làm rõ mối quan hệ nào họ muốn tạo dựng với Trung Quốc, điều gì nước này sẵn sàng chấp nhận và điều gì họ không thể chấp nhận”./.


Hồng Anh/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/quan-he-trung-quoc-australia-nam-2020-the-giang-co-va-nhung-tranh-cai-chua-hoi-ket-826943.vov

  • Từ khóa