Những người thêu dệt thuyết âm mưu về Covid-19

Thứ 3, 05.01.2021 | 14:32:02
401 lượt xem

Tại cuộc biểu tình ở ga tàu điện London, nhóm chống phong tỏa StandUpX hét lớn "vaccine khiến bạn bị vô sinh và là cách để họ kiểm soát bạn".

Rebekah, 24 tuổi, một nạn nhân của bạo hành gia đình, là một trong số nhiều người chăm chú lắng nghe thuyết âm mưu mà nhóm StandUpX tuyên truyền. Rebekah cho biết khi Anh phong tỏa lần đầu hồi tháng 3 vì Covid-19, cô đang sống ở một nhà tình thương ở Manchester. "Nếu tôi vẫn sống ở nhà với kẻ bạo hành trong lúc phong tỏa, tôi có lẽ đã chết rồi", cô nói.

Tuy nhiên, những lo ngại về tác động của các biện pháp hạn chế trong đại dịch đối với xã hội và kinh tế đã đưa Rebekah đến gần hơn với các thuyết âm mưu được lan truyền trên mạng xã hội. Một trong những thông tin sai lệch đầu tiên mà Rebekah tìm thấy trên mạng là tỷ phú Bill Gates trục lợi từ vaccine Covid-19.

Biểu tình chống các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở quảng trường Trafalgar, London hồi tháng 9/2020. Ảnh: AP.

Biểu tình chống các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở quảng trường Trafalgar, London hồi tháng 9/2020. Ảnh: AP.

Cô ngày càng tin vào các thuyết âm mưu, bất chấp thực tế chứng minh điều ngược lại, như việc PolitiFact, nhóm xác thực thông tin phi đảng phái, khẳng định không có bằng chứng cho thấy Gates hay quỹ của ông thu lời từ vaccine.

Vài tuần gần đây, Rebekah cho biết đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống phong tỏa, trong khi tiếp tục chia sẻ các thuyết âm mưu về Covid-19 trên trang Instagram cá nhân với 11.000 người theo dõi. "Gates và các công ty dược phẩm sẽ không gặp rắc rối nếu bất kỳ ai trong chúng ta chết", Rebekah nói.

Câu chuyện của Rebekah là mô hình thu nhỏ về cách thông tin sai lệch về Covid-19 hay vaccine bén rễ và lan truyền trong cộng đồng.

"Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận ra rằng nếu mọi người nghĩ Covid-19 là trò lừa bịp, họ sẽ đi ra ngoài và phớt lờ các quy tắc phòng dịch", Anna-Sophie Harling, giám đốc điều hành khu vực châu Âu của NewsGuard, công cụ đánh giá nội dung trên Internet, nói. "Rất khó thuyết phục mọi người tiêm vaccine để phòng ngừa thứ mà họ không nghĩ nó tồn tại hoặc không xem là vấn đề".

Nhiều chuyên gia lo ngại trong năm 2021, các thuyết âm mưu sẽ càng khiến nhiều người chần chừ tiêm vaccine, vũ khí quan trọng cho cuộc chiến với đại dịch.

"Để đánh bại Covid-19, chúng ta cần đánh bại một đại dịch song song, đó là sự ngờ vực của công chúng đang cản trở nỗ lực ứng phó căn bệnh này", Francesco Rocca, chủ tịch Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), cảnh báo trong cuộc họp trực tuyến với Hiệp hội Phóng viên thường trú Liên Hợp Quốc (UNCA) hôm 30/11/2020.

Các thuyết âm mưu về Covid-19, các biện pháp hạn chế ngăn đại dịch cũng như vaccine nổi lên mạnh mẽ khi nhiều quốc gia trên thế giới đồng loạt áp lệnh phong tỏa hồi đầu năm nay.

Anetta Kahane, nhà sáng lập nhóm chống phân biệt chủng tộc Amadeu Antonio Foundation, từng chứng kiến một cuộc diễu hành của nhóm chống hạn chế từ cửa sổ căn hộ ở Berlin, Đức. Bà cho biết nó là tập hợp của nhiều thành phần khác nhau, từ các nhóm lan truyền thuyết âm mưu, nhóm bài vaccine hay nhóm phản đối các biện pháp hạn chế vì cho rằng chúng là bất hợp pháp và phi dân chủ.

Một trong nhiều thông tin sai lệch đáng chú ý là của David Icke, người truyền bá thuyết âm mưu nổi tiếng ở Anh, cho rằng đại dịch là kịch bản hoàn toàn được dàn dựng, các biện pháp kiểm soát là cách để một nhóm người thâu tóm quyền lực và thao túng thế giới.

Daniel Allington, giảng viên Đại học King London và là chuyên gia nghiên cứu về thuyết âm mưu, cho rằng thông tin sai lệch càng lan truyền mạnh mẽ hơn khi được chia sẻ bởi nhiều người nổi tiếng.

Hồi đầu tháng 12, diễn viên Letitia Wright của phim bom tấn "Black Panther" chia sẻ những lo ngại và thuyết âm mưu về vaccine Covid-19. Diễn viên này đã chia sẻ lên Twitter video từ một tài khoản YouTube, người đưa ra các tuyên bố vô căn cứ về tính an toàn của vaccine. Tuy nhiên, Wright sau đó phải xóa bài đăng vì vấp phải chỉ trích của nhiều người cho rằng cô lan truyền thông tin sai lệch nguy hiểm.

Hồi tháng 11, người dẫn chương trình truyền hình người Anh Emma Kenny viết trên Twitter rằng tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ gây hại cho trẻ em, nhưng sau đó cũng phải xóa bài đăng.

Trả lời phỏng vấn của CNN, Kenny nói cô không phải người bài vaccine hay phủ nhận Covid-19. "Thực tế, với những người muốn tiêm vaccine và nó khiến họ thấy an tâm, đó là điều tốt", cô nói nhưng thêm rằng "tôi sẽ luôn đứng về những người có quyền tự quyết với cơ thể của họ".

Nghiên cứu của Đại học King London và Ipsos MORI, dựa trên ba cuộc khảo sát về thuyết âm mưu Covid-19 ở Anh do Allington và đồng nghiệp thực hiện, chỉ ra trong 10 người được hỏi, có ba người tin vào thuyết âm mưu rằng virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu cũng nhận thấy những người hay tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội dễ tin vào thuyết âm mưu hơn những người lấy tin tức tức từ truyền hình hoặc đài phát thanh.

"Các nhóm truyền bá thông tin sai lệch về vaccine và Covid-19 trên Facebook đã không được kiểm soát", Harling nói. "Mỗi nhóm đều có nhóm dự phòng và khi bị Facebook loại khỏi nền tảng, họ có xu hướng rời hẳn mạng xã hội này để chuyển sang các nền tảng khác như Parler, Gab hay Telegram".

Facebook cũng đang nỗ lực để loại bỏ các thông tin sai lệch về Covid-19 hay vaccine khỏi nền tảng của họ. Một đại diện của Facebook cho biết họ đã loại bỏ hơn 12 triệu nội dung sai lệch trong khoảng giữa tháng 3 và tháng 10 năm ngoái. Đồng thời, họ cũng hợp tác với bên thứ ba để xác thực thông tin và gắn cảnh báo với hơn 167 triệu bài đăng về Covid-19. Trên Instagram, nền tảng do Facebook sở hữu, 4 trong 10 kết quả tìm kiếm hàng đầu cho từ khóa "vaccine" là các tài khoản bài vaccine.

"Tôi nghĩ rằng rất nhiều tổn hại đã được gây ra theo nhiều cách. Phong trào bài vaccine, trong đó mọi người tin Covid-19 là trò lừa bịp, đã gieo những hạt giống của họ từ tháng 3", Harling nói.

Một người biểu tình mang tấm biển với dòng chữ đỏ Hoax (Trò lừa bịp) khi biểu tình chống phong tỏa và đeo khẩu trang ở quảng trường Trafalgar, London. Ảnh: Reuters.

Một người biểu tình mang tấm biển với dòng chữ đỏ "Hoax" (Trò lừa bịp) khi biểu tình chống phong tỏa và đeo khẩu trang ở quảng trường Trafalgar, London. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia cho rằng các mạng xã hội lớn như Facebook phải xem xét nghiêm túc hơn về vấn đề truyền bá thông tin sai lệch trên các nền tảng của họ, đồng thời các công ty công nghệ cần tìm các biện pháp hiệu quả hơn để phát hiện và loại bỏ chúng.

Tại London, Rebekah chia sẻ cô đã không rời căn hộ trong ba tháng khi Anh thực hiện đợt phong tỏa toàn quốc đầu tiên, vì lo sợ bản thân và hai con bị nguy hiểm vì Covid-19. Nhưng sau đó, cô đọc được bài đăng trên Instagram nói rằng chính phủ Anh đã loại Covid-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm gây hậu quả nghiêm trọng (HCID) và cảm thấy phẫn nộ vì cho rằng bị lừa dối.

Cơ quan y tế Anh không xem Covid-19 là HCID vì đây là danh sách mầm bệnh có tỷ lệ tử vong trung bình từ 50% trở lên, trong khi tỷ lệ tử vong của Covid-19 thấp hơn nhiều. Nhưng các chuyên cho rằng thông tin này rất dễ khiến nhiều người hiểu nhầm, khi cho rằng chính phủ Anh một mặt hạ mức độ nguy hiểm của Covid-19, một mặt vẫn yêu cầu người dân phong tỏa.

Và Rebekah là một trong số đó. Cô cho rằng mình đã "cả tin" khi nghe theo lệnh phong tỏa và khiến hai con của mình bị bó buộc trong nhà suốt ba tháng. Điều đó khiến cô không còn nhiều niềm tin vào chính phủ, đồng thời sẽ khó thay đổi suy nghĩ về các thuyết âm mưu được lan truyền về Covid-19. Rebekah thêm rằng cô cũng sẽ không tiêm vaccine Covid-19.

"Tôi luôn đặt câu hỏi về mọi thứ. Tôi biết Google không phải là tất cả, nhưng tôi sẽ tìm kiếm thông tin trên đó và xem những gì mình có thể tìm thấy", cô nói.


Thanh Tâm/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/nhung-nguoi-theu-det-thuyet-am-muu-ve-covid-19-4215696.html

  • Từ khóa