Biden áp dụng chiến lược phớt lờ khi tin rằng sẽ tốn công vô ích nếu tranh cãi với Trump, nhưng có thể gặp khó trước ảnh hưởng lớn của đối thủ.
Joe Biden phải đối mặt với những thách thức lịch sử khi bước vào Nhà Trắng ngày 20/1: đại dịch hoành hành, tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài, căng thẳng âm ỉ với Trung Quốc và Nga và một người tiền nhiệm không chấp nhận "rút về hậu trường".
Nhận thức được sự hỗn loạn Donald Trump có thể gây ra, Tổng thống đắc cử và các cố vấn của ông đã thực hiện một chiến lược mà họ tin là cách duy nhất để hóa giải mối đe dọa: phớt lờ.
Joe Biden tại Delaware ngày 29/12. Ảnh: AFP.
Họ nói rằng một bài học trong chiến dịch tranh cử của Biden là không nên "cãi tay đôi" với Trump và ảnh hưởng của Trump với người dân Mỹ rồi sẽ phai nhạt. Căng thẳng chính trường Mỹ sẽ lên đến đỉnh điểm vào ngày 6/1, khi quốc hội dự kiến chứng nhận chiến thắng của Biden, trong khi các nghị sĩ Cộng hòa nuôi mộng "lật kèo" và những người ủng hộ Trump biểu tình trên đường phố Washington.
"Biden cương quyết sẽ không sa đà vào tranh cãi với Donald Trump mỗi ngày", cố vấn Kate Bedingfield nói. "Đó không phải là con người của Biden và đó không phải là điều mà người dân Mỹ muốn thấy ở một tổng thống".
Nhưng chính quyền sắp tới sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì chiến lược phớt lờ Trump. Sau khi từ chối nhận thua và cáo buộc rằng cuộc bầu cử "bị đánh cắp", Trump thể hiện rõ rằng ông không có kế hoạch lặng lẽ nghỉ hưu và để ngỏ khả năng tái tranh cử năm 2024.
Trong nhiều năm qua, các tổng thống Mỹ chủ yếu rút lui khỏi "ánh đèn sân khấu" sau khi chuyển giao quyền lực, kể cả những người bị đánh bại khi tái tranh cử. Nhưng sự "cố chấp" của Trump đã tạo nên cuộc chuyển giao quyền lực khó xử nhất trong lịch sử hiện đại và có nguy cơ kìm chân Biden khi ông đối mặt với một danh sách dài khủng hoảng.
"Đây là điều chưa từng có tiền lệ", Steve Israel, cựu nghị sĩ đảng Dân chủ hiện là giám đốc Viện Chính trị và Các vấn đề Toàn cầu tại Đại học Cornell, nói.
Chiến lược phớt lờ của Biden đối với Trump có thể phải đối mặt với nhiều phép thử, khi Trump vẫn có nền tảng ủng hộ lớn mạnh.
Trump đã dành những tuần gần đây để đe dọa các nghị sĩ đảng Cộng hòa qua mặt ông. Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng ông giành được hơn 74 triệu phiếu phổ thông, mức kỷ lục đối với một ứng viên tổng thống bị đánh bại, và khẳng định sự hiện diện của ông trên lá phiếu đã giúp các nghị sĩ Cộng hòa được bầu vào quốc hội.
"Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện quên nhanh quá", ông đăng trên Twitter ngày 22/12. "Họ đã mất 8 ghế nếu tôi không hậu thuẫn họ trong cuộc bầu cử vừa qua".
Sau khi Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Mitch McConnell công nhận chiến thắng của Biden và khuyên các thượng nghị sĩ không tham gia vào nỗ lực "lật kèo", một phụ tá của Trump ở Nhà Trắng đã gửi một bức ảnh cho các nhà lập pháp, gợi ý rằng McConnell giữ ghế nhiệm kỳ thứ bảy nhờ sự hậu thuẫn của Trump.
"Lực hấp dẫn" của Trump đối với các đảng viên Cộng hòa càng được củng cố bởi khoản gây quỹ dồi dào của ông kể từ sau Ngày bầu cử. Chiến dịch tranh cử của ông đã quyên được 207,5 triệu USD trong hai tháng sau khi ông thất cử.
Trump cũng thuyết phục một nhóm nghị sĩ bảo thủ cố gắng "lật kèo" trong cuộc họp của quốc hội ngày 6/1. Thượng nghị sĩ Josh Hawley tuần trước cho biết ông sẽ tham gia nỗ lực phản đối chứng nhận kết quả tại một số bang chiến trường cùng các hạ nghị sĩ Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Ted Cruz cuối tuần trước cũng dẫn đầu 10 nhà lập pháp khác kêu gọi trì hoãn chứng nhận chiến thắng của Biden và đưa ra các yêu cầu khác.
Các hành động của Hawley, Cruz và những người khác buộc các nghị sĩ Cộng hòa phải chọn phe: ủng hộ hoặc bác bỏ các cáo buộc của Trump về gian lận bầu cử. Cruz và Hawley đều được coi là ứng viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa năm 2024.
Sau khi rời Washington, nhiều khả năng Trump sẽ chuyển sự chú ý sang việc chỉ trích và cố gắng "kìm chân" Biden.
Mặc dù hiện chưa rõ Trump có thể làm gì, trong những năm qua, ông đã chứng minh tài dẫn dắt truyền thông và thu hút sự chú ý bằng các dòng tweet, ngay cả khi chúng không đúng sự thật. Ông đã chuyển những bất bình về chủng tộc và kinh tế của người da trắng thành chiến dịch tranh cử tổng thống thành công năm 2016 và thất bại khi tái tranh cử với khoảng cách sít sao. Trump có khả năng sử dụng những yếu tố tương tự để chống lại tổng thống mới.
Tại các văn phòng chuyển giao quyền lực của Biden, các nhân viên hầu như không thảo luận về những nỗ lực "lật kèo" cùng cáo buộc gian lận bầu cử của Trump. Cuộc chiến chống Covid-19 đã làm lu mờ tất cả vấn đề khác trong chiến dịch tranh cử tổng thống và làm giảm tác dụng những đòn công kích cá nhân của Trump. Các cố vấn của Biden hy vọng kinh tế và y tế vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các nhà lập pháp và cử tri.
Nhóm của Biden cũng tin rằng có bằng chứng cho thấy sức ảnh của Trump đối với nền chính trị Mỹ đang suy yếu. Các nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng chống lại Tổng thống trong các cuộc chiến lập pháp gần đây, bao gồm việc vượt quyền phủ quyết của Trump với dự luật chi tiêu quốc phòng.
Trump cũng không thành công khi gây áp lực với các nhà lập pháp để tăng số tiền trợ cấp cho người Mỹ trong dự luật cứu trợ Covid-19 đã được quốc hội thông qua vào tháng trước. Tổng thống cuối cùng ký luật này, dù các yêu cầu của ông không được đáp ứng.
Các trợ lý của Biden cũng cho rằng những tuyên bố ngày càng lạ lùng của Trump và việc ông không thể chấp nhận thất bại đang làm xói mòn di sản của chính mình.
Các nỗ lực pháp lý nhằm đảo ngược kết quả bầu cử đã bị các tòa án trên toàn quốc bác bỏ. Truyền thông chính thống tập trung vào các tuyên bố sai sự thật của Trump và nhóm pháp lý, cũng như bất đồng quan điểm của Trump với các quan chức hàng đầu, bao gồm cựu bộ trưởng tư pháp William Barr, người rời ghế vào tháng 12/2020 sau khi tuyên bố Bộ Tư pháp không thấy bằng chứng về gian lận cử tri trên diện rộng.
Trump còn đang bắt đầu mất người theo dõi trên "cơ quan ngôn luận" quan trọng nhất của mình là Twitter. Hơn 379.000 người dùng đã hủy theo dõi tài khoản của ông trong tháng qua. Trong khi đó, Biden có hơn 2,6 triệu người theo dõi mới trong cùng thời gian.
Mải mê với các nỗ lực thách thức kết quả bầu cử, Trump đã bỏ bê chống dịch khi Covid-19 đang hoành hành ở Mỹ, khiến ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng ở mức kỷ lục, tổng ca nhiễm đã vượt 21,5 triệu, trong đó hơn 365.000 người chết. Mặc dù chính quyền Trump đã thực hiện tốt chiến dịch phân phối vaccine, tốc độ tiêm chủng đang kém xa so với mức 20 triệu mũi mà các quan chức chính phủ đã hứa hẹn hoàn thành vào cuối năm 2020.
Trong khi Biden và các phụ tá muốn Trump rút lui, một số người lại thấy rằng sự hiện diện tiếp tục của ông có thể là điều có lợi cho Biden. Một cựu quan chức chiến dịch giấu tên của Biden cho rằng nỗi bất bình về Trump có thể khiến các đảng viên Dân chủ đoàn kết, thay vì tranh cãi công khai về các chính sách và chính trị, như các quyết định bổ nhiệm nhân sự của Biden.
Biden đã dự đoán với các nhà tài trợ vào đầu tháng 12 rằng "khi cái bóng của Donald Trump khuất dần, các bạn sẽ thấy một sự thay đổi rất lớn". Biden cho rằng tinh thần đồng lòng, không phân biệt đảng phái một lần nữa có thể sinh sôi ở Washington.
Tuy nhiên, khi được hỏi vài tuần sau đó rằng liệu sự ra đi của Trump có thực sự thay đổi bầu không khí chính trị hay không, Biden đã trả lời thận trọng hơn. "Hãy chờ xem", ông nói. "Tôi không biết. Tôi không phải là nhà tiên tri".
Phương Vũ/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/chien-luoc-biden-phot-lo-don-cong-kich-tu-trump-4216780.html