Ca Covid-19 toàn cầu vượt 90,6 triệu, Đức cảnh báo những tuần 'khó khăn nhất'

Thứ 2, 11.01.2021 | 08:59:52
326 lượt xem

Thế giới ghi nhận hơn 90,6 triệu ca nhiễm và hơn 1,9 triệu người chết do nCoV, Thủ tướng Đức Merkel cảnh báo những tuần tới sẽ "khó khăn nhất".

Thế giới đã ghi nhận 90.652.518 ca nhiễm và 1.942.273 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 589.036 và 8.561 ca so với 24 giờ trước, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers. 64.757.889 người đã bình phục sau khi nhiễm virus.

Đức đang là vùng dịch lớn thứ mười thế giới với 1.929.353 ca nhiễm và 41.434 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 14.194 và 373 ca so với một ngày trước đó. Thủ tướng Thủ tướng Angela Merkel hôm 10/1 cảnh báo tình hình dịch sẽ diễn biến nghiêm trọng trong những tuần tới, thêm rằng tác động của việc giao tiếp xã hội trong dịp Giáng sinh và Năm mới vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

Bà Merkel nhận định "những tuần mùa đông tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch" từ khi bùng phát đến nay, khi các bác sĩ và nhân viên y tế Đức đã làm việc quá tải.

Quốc gia 83 triệu dân trước đó đã áp đặt một đợt hạn chế mới để tăng giãn cách xã hội và giúp các bệnh viện đối phó với tình trạng bệnh nhân tăng đột biến. Đức cũng đóng cửa các trường học, các cửa hàng không thiết yếu, các cơ sở văn hóa và giải trí cho đến ít nhất ngày 31/1 với hy vọng có thể làm chậm quá trình bùng phát dịch.

Giống như các quốc gia EU khác, Đức bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer - BioNTech cho công dân chống từ cuối tháng 12. Tới nay hơn nửa triệu dân Đức đã được tiêm vaccine.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 197.645 ca nhiễm và 1.703 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 22.900.908, trong đó 383.186 người chết.

Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 8/1 chỉ trích việc phân phối vaccine của chính quyền Trump. Phát ngôn viên của ông cho biết chính quyền mới có kế hoạch tung ra mọi liều vaccine Covid-19 sản xuất trong nước hiện có, thay vì giữ lại một nửa nguồn cung để đảm bảo mọi người được tiêm nhắc lại đúng hạn.

Tính đến 7/1, Mỹ đã phân phối 21 triệu liều vaccine khắp đất nước, tuy nhiên chỉ khoảng 6 triệu người đã được tiêm, mặc dù chính phủ từng đặt mục tiêu tiêm cho 20 triệu người vào năm 2020. Khoảng 15 triệu liều còn lại đang nằm trong tủ đông tại các bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc để chờ sử dụng.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ có dòng chữ chúc mừng năm mới 2021 tại Tây Java, Indonesia ngày 1/1. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ có dòng chữ "chúc mừng năm mới 2021" tại Tây Java, Indonesia ngày 1/1. Ảnh: AFP.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.085 ca nhiễm và 150 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.467.431 và 151.198.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 9/1 tuyên bố nước này sẽ triển khai một trong những đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô nhất thế giới từ ngày 16/1, nhằm đạt mục tiêu 300 triệu người được tiêm chủng vào tháng 7.

Vaccine sẽ được cung cấp miễn phí cho 1,3 tỷ người Ấn Độ và Thủ tướng Modi cho biết thêm chương trình tiêm chủng sẽ là "một bước quan trọng" trong việc chống lại đại dịch.

Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 phê duyệt hai vaccine Covid-19 cho sử dụng khẩn cấp, một loại là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford, Anh, phát triển, và loại còn lại là vaccine mang tên COVAXIN do công ty Ấn Độ Bharat Biotech nghiên cứu.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 443 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 203.100. Số người nhiễm nCoV tăng 29.792 ca trong 24 giờ qua, lên 8.105.790.

Các chuyên gia cảnh báo Brazil vẫn chưa chứng kiến các ca nhiễm nCoV tăng đột biến, do hệ quả từ việc người dân tổ chức tụ tập dịp lễ Giáng sinh và năm mới với bạn bè, gia đình. Theo chính phủ Brazil, nước này còn ít nhất ba tuần nữa sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trong bối cảnh hứng nhiều chỉ trích vì hành động chậm.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 22.851 ca nhiễm nCoV và 456 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.401.954 và 61.837.

Nga triển khai tiêm vaccine Sputnik V trong chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12/2020, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Nga ngày 6/1 thông báo họ đã tiêm chủng cho một triệu người và không ghi nhận phản ứng phụ có hại nào.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.072.349 ca nhiễm và 81.431 ca tử vong, tăng lần lượt 54.940 và 563 ca. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

Anh hôm 10/1 cho biết họ đã giúp quyên góp được 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ toàn cầu nhằm giúp đỡ "các quốc gia dễ bị tổn thương" có thể tiếp cận với vaccine Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cùng ngày thông báo mọi người trưởng thành ở Anh sẽ được tiêm vaccine Covid-19 vào mùa thu, trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay của Vương quốc Anh.

Điện Buckingham thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth và phu quân, Công tước xứ Edinburg Philip, đã được tiêm vaccine Covid-19 ngày 9/1. Nữ hoàng Elizabeth, 94 tuổi, và Hoàng thân Philip, 99 tuổi, đều thuộc diện khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 của chính phủ Anh.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 15.944 ca nhiễm và 151 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.783.256 và 67.750.

Pháp hiện bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Kể từ 27/12 đến 6/1, Pháp tiêm phòng cho 7.000 người, trong khi Đức tiêm cho hàng trăm nghìn người trong cùng khoảng thời gian.

Hàn Quốc ghi nhận 68.664 ca nhiễm và 1.125 ca tử vong, tăng lần lượt 665 và 25 ca trong 24 giờ qua.

Chính phủ Hàn Quốc áp đặt các hạn chế như cấm tụ tập trên 4 người, đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, các cơ sở thể thao trong nhà cho đến 17/1. Tuy nhiên, các trung tâm taekwondo và ba lê, được đăng ký là học viện tư, được phép mở lớp học tối đa 9 người.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 828.026 ca nhiễm, tăng 9.640, trong đó 24.129 người chết, tăng 182.

Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết đất nước sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng vào 13/1.

Bộ trưởng Y tế Indonesia nói nước này dự kiến cần tiêm chủng cho 181,5 triệu người, khoảng 67% dân số, để đạt được miễn dịch cộng đồng. Vaccine dự kiến được tiêm chủng miễn phí, thời gian triển khai dài 15 tháng.

Philippines báo cáo 487.690 ca nhiễm và 9.405 ca tử vong, tăng lần lượt 1.960 và 8 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển. Philippines hy vọng sẽ đảm bảo được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng cảnh báo rằng lượng vaccine sẽ phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu.

Thái Lan ghi nhận thêm 245 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.298, trong đó 67 người chết.

Trung tâm điều phối Covid-19 của Thái Lan cảnh báo số ca nhiễm mới theo ngày có thể tăng lên hơn 10.000 vào cuối tháng này nếu chính phủ không áp đặt thêm nhiều biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế virus.


Ngọc Ánh/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/ca-covid-19-toan-cau-vuot-90-6-trieu-duc-canh-bao-nhung-tuan-kho-khan-nhat-4218993.html

  • Từ khóa