Tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ không phải mất quá nhiều công sức để điều chỉnh lại các mối quan hệ liên minh và đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Một trong những quan ngại hàng đầu đối với chính quyền sắp tới của ông Biden là các mối liên minh và đối tác của Mỹ đang bị suy yếu trong 4 năm dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng 7/2020, Antony Blinken, người được ông Biden chọn làm ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới, nói rằng: “Chúng ta cần phải vận động các đồng minh và đối tác thay vì thờ ơ, lạnh nhạt với họ” để đối phó với Trung Quốc.
Chính quyền Biden sẽ được kế thừa khối liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vững mạnh. Ảnh: DW
Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng từng nói rằng, Tổng thống Donald Trump đã “hạ thấp, làm suy yếu và thậm chí có lúc còn ruồng bỏ các đồng minh và đối tác của Mỹ”.
Việc Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các mối đe dọa chiến tranh thương mại đã không giúp ích gì cho việc gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Bất đồng về chia sẻ chi phí quân sự giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng khiến nhiều người lo ngại về quan hệ giữa các đồng minh. Mối lo ngại tương tự cũng hiện hữu trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác khác trong khu vực.
Các mối quan hệ đồng minh vững mạnh
Tuy nhiên, về tổng thể, chính quyền Biden có thể sẽ bất ngờ khi phát hiện ra rằng mối quan hệ liên minh và đối tác của Mỹ vẫn rất tốt đẹp – do mối lo ngại chung ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về các mối đe dọa an ninh và kinh tế từ Trung Quốc.
Điều này có lợi cho Mỹ và trong nhiều trường hợp, Mỹ là đối tác được lựa chọn chứ không phải Trung Quốc. Vì thế, chính quyền Biden sẽ không phải quá vất vả để “sửa chữa” lại các mối quan hệ liên minh và đối tác của Mỹ.
Trong số 5 đồng minh hiệp ước chính thức của Mỹ - Australia, Nhật Bản, Phillippines, Hàn Quốc và Thái Lan – 4 nước được xem là đồng minh vững mạnh và được thúc đẩy bởi mối đe dọa từ Trung Quốc.
Quan hệ của Australia với Trung Quốc đã lao dốc do các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Australia, Canberra lên tiếng ủng hộ Hong Kong, và việc Trung Quốc công bố một bức ảnh người mặc trang phục quân đội Australia dọa giết một em bé ở Afghanistan.
Tháng 7/2020, Bộ Quốc phòng Australia đã công bố chiến lược quốc phòng mới và kế hoạch cơ cấu lực lượng nhằm chống lại Trung Quốc.
Liên minh Mỹ-Nhật hiện nay được cho là mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Nhật Bản thường ủng hộ các mục tiêu của Mỹ nhằm duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tham gia vào các cuộc tập trận chung ở các khu vực tranh chấp trên biển.
Nhật Bản cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông suốt nhiều năm qua.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến tiếp tục ưu tiên và củng cố quan hệ liên minh với Mỹ. Ông có kế hoạch thăm Washington và có cuộc gặp với tân tổng thống Mỹ vào tháng 2/2020.
Bất chấp làn sóng phản đối Mỹ và Tổng thống Rodrigo Duterte dường như có xu hướng ngả về Trung Quốc, Philippines gần đây đã thể hiện ý định ủng hộ Mỹ. Tháng 11/2020, ông Duterte đã cho phép các binh sỹ Mỹ tiếp tục được tự do đến và đi lại ở nước này, trái ngược với động thái chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm Mỹ-Philippines trước đó.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng bày tỏ quan ngại về các hành động gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngay cả ông Duterte, trong một bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2020, đã bác bỏ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá hoại phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jae-in là nước ủng hộ mạnh mẽ chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump với Triều Tiên và vì thế sẽ không có vấn đề lớn nào trong mối quan hệ liên minh giữa 2 nước liên quan đến việc chia sẻ chi phí quân sự. Ông Moon có cũng lo ngại về ý định của Bắc Kinh sau các đòn kinh tế đối với việc Hàn Quốc triển khai THAAD.
Thái Lan là đồng minh duy nhất của Mỹ “trượt” vào quỹ đạo của Trung Quốc, chủ yếu là do nước này không có các các bất đồng lớn với Trung Quốc.
Quan hệ với các đối tác vẫn rất tốt đẹp
Ngoài các đồng minh, mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đối tác vẫn khá thành công. Đáng chú ý nhất, Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức đối thoại 2+2 và với nhiều thỏa thuận an ninh.
Indonesia dù tham gia vào các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng cũng lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh ở biển Natuna.
Maldives gần đây hoan nghênh việc Mỹ mở đại sứ quán tại nước này.
Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Sri Lanka, giới chức Colombo đã khẳng định tầm quan trọng của việc “duy trì tự do hàng hải và hàng không”. Điều này được xem như sự ủng hộ của Sri Lanka đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Các đối tác quan trọng khác như Singapore và Malaysia cũng rất thân thiện với Mỹ dù vẫn duy trì các mối quan hệ sâu sắc với Trung Quốc.
Cuối cùng, ở châu Đại dương, Mỹ thúc đẩy các mối quan hệ đặc biệt với các quốc gia liên kết tự do (FAS) – quần đảo Marshall, Micronesia và Palau – những nước đã cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận quan trọng, có thể tiến hành các chiến dịch trong tương lai nhằm vào Trung Quốc.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Trump đã mời cả 3 lãnh đạo FAS tới Nhà Trắng. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lần lượt có chuyến thăm Micronesia và Palau lần đầu tiên.
Hồi tháng 9/2020, Palau đã đề xuất việc tiếp nhận các lực lượng không quân Mỹ, trong khi New Zealand ngày càng cảnh giác trước cách hành xử của Trung Quốc, cả ở Australia và các quần đảo Thái Bình Dương.
Xét trên nhiều mặt, Mỹ cũng có những thời điểm không mấy suôn sẻ trong mối quan hệ với các nước khu vực, nhưng về tổng thể, có thể nói là thành công. Đáng chú ý, hồi tháng 10/2020, các nước Bộ tứ kim cương – Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ - đã có cuộc họp gặp cấp bộ trưởng ở Tokyo để nhấn mạnh giải pháp tập thể, cùng nhau giải quyết với các thách thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chắc chắn sẽ vẫn có nhiều việc phải làm khi Mỹ bắt đầu một chương mới trong việc cạnh tranh với Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tin tốt là chính quyền Biden sắp tới sẽ được thừa hưởng các mối quan hệ liên minh và đối tác vốn ở trong tình trạng tốt hơn những gì người ta thấy./.
Hoàng Phạm/VOV.VN