Một con chim bồ câu đua đã sống sót sau hành trình phi thường dài 13.000 km trên Thái Bình Dương, từ Mỹ tìm dến một ngôi nhà mới ở Úc.
Kỷ lục thế giới về chuyến bay đường dài lớn nhất của chim bồ câu được xác nhận vào năm 1931 tại Việt Nam. Đó là chuyến bay của một con chim bồ câu bắt đầu tại quận Arras thuộc tỉnh Pas-de-Calais, Pháp và kết thúc ở Sài Gòn, Việt Nam. Khoảng cách bay là 11.600 km trong 24 ngày, theo hãng thông tấn Al Jazeera.
"Chiến công" mới của con chim bồ câu bay từ Mỹ tới Úc không chỉ thu hút sự chú ý của giới truyền thông Úc mà còn của Cơ quan Kiểm dịch và Kiểm tra nổi tiếng nghiêm ngặt của Úc.
Hiện nay các nhà chức trách Úc coi con chim bồ câu này là một nguy cơ trong việc lây lan dịch bệnh và đã lên kế hoạch giết nó.
Ngày 14-1, ông Kevin Celli-Bird, một cư dân TP Melbourne, bang Victoria - Úc, cho biết ông đã phát hiện ra con chim kiệt sức trong sân sau nhà mình vào ngày 26-12. Nó đã biến mất khỏi một cuộc đua ở bang Oregon - Mỹ vào ngày 29-10.
Chim bồ câu Joe. Ảnh: AP
Các chuyên gia nghi ngờ con chim bồ câu mà ông Celli-Bird đặt tên Joe - theo tên tổng thống mới đắc cử của Mỹ - đã quá giang trên một con tàu chở hàng để băng qua Thái Bình Dương.
Ông Celli-Bird cho biết các nhà chức trách kiểm dịch đã gọi cho ông vào ngày 14-1 để yêu cầu ông bắt con chim.
"Họ nói nếu con chim đến từ Mỹ sẽ gây lo ngại về bệnh gia cầm. Họ muốn biết liệu tôi có thể giúp họ không. Tôi nói, "thành thật mà nói, tôi không thể bắt được nó sau khi nó khỏe lại" - ông Celli-Bird nói.
Ông cho biết Hiệp hội chim bồ câu đua của Mỹ có trụ sở tại bang Oklahoma xác nhận chim Joe đã được một chủ sở hữu ở TP Montgomery, bang Alabama đăng ký.
Ông Celli-Bird cho biết anh đã cố gắng liên lạc với chủ sở hữu nhưng không thể được.
Ông cho biết các nhà chức trách kiểm dịch hiện đang xem xét việc ký hợp đồng với một người đánh bắt chim chuyên nghiệp.
Bộ Nông nghiệp, cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn sinh học, cho biết chim bồ câu "không được phép ở lại Úc" vì nó "có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Úc và quần thể chim hoang dã của chúng ta".
"Nó gây ra rủi ro an toàn sinh học trực tiếp cho đời sống gia cầm của Úc và ngành công nghiệp gia cầm của chúng tôi" - một tuyên bố của bộ cho biết.
Gia Minh/nld.com.vn