Thế giới đến nay đã ghi nhận gần 100 triệu ca nhiễm và hơn 2,13 triệu người chết do Covid-19.
Mặc dù cuộc chiến chống Covid-19 đã có sự hỗ trợ của vaccine và các biện pháp phong tỏa mà nhiều nước kiên trì áp dụng nhưng, mức độ hiệu quả vẫn còn hạn chế vì sự xuất hiện ngày càng nhiều biến thể virus mới cũng như sự bất hợp tác của một bộ phận dân chúng đối với lệnh phong tỏa dài ngày.
Xét nghiệm lưu động Covid-19 ở Australia. Ảnh: Richard Dobson.
Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng cao, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo từ ngày 30/1 sẽ khôi phục các hạn chế nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Mỹ từ Brazil, Ireland, Vương quốc Anh và phần lớn các nước châu Âu. Tổng thống Biden cũng dự kiến mở rộng các hạn chế đi lại với những người từng đến Nam Phi do lo ngại biến chủng SARS-CoV-2 được phát hiện tại đây. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng sẽ ký một lệnh riêng trong hôm nay nhằm yêu cầu mọi hành khách từ 2 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang trên máy bay, phà, tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe bus, taxi và các phương tiện công cộng khác. Cùng với đó, từ ngày mai (26/1), tất cả hành khách hàng không quốc tế từ 2 tuổi trở lên khi vào Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đề phòng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và nguy cơ xuất hiện biến thể ở Israel kháng các loại vaccine hiện nay, chính phủ Israel đã thông qua quyết định đóng cửa sân bay quốc tế Ben Gurion từ tối 25/1, cho tới hết tháng 1/2021. Tại châu Âu, Đức và Anh đã tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn bến thể virus. Cảnh sát liên bang Đức được lệnh tiến hành kiểm soát chặt du khách đến từ các vùng có nguy cơ cao và du khách phải trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 cũng như điền đầy đủ vào tờ khai đăng ký nhập cảnh.
Trong khi nhiều nước cố gắng kiểm soát biến thể từ Anh, thì bản thân nước Anh đang phải chống chọi với biến thể virus từ Nam Phi, Brazil. Đã có 77 trường hợp mắc biến thể từ Nam Phi và 9 ca mắc biến thể từ Brazil.
Hà Lan đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2 nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch. Những ai vi phạm sẽ bị xử phạt 95 euro, trong khi những người mang giấy tờ giả hoặc nói dối để "lách luật" có thể sẽ bị phạt nặng hơn và bị lưu lại hồ sơ.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay cho thấy, khả năng phải mất thêm nhiều thời gian nữa các nước như Pháp, Anh, Đức mới có thể nới lỏng lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên từ nhiều ngày qua, một bộ phận dân chúng bị ảnh hưởng thu nhập do lệnh phong tỏa đã tỏ thái độ phản đối. Hôm 24/1 cảnh sát ở Amsterdam, Hà Lan đã dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình. Giới chức Anh phải giải tán một đám cưới có gần 400 khách, vi phạm quy tắc phong tỏa vốn chỉ cho phép tối đa 6 người dự.
Một thực trạng đã được cảnh báo từ trước nhưng vẫn đang diễn ra là các nước giàu có điều kiện “điên cuồng” mua vaccine, dự trữ dư thừa, khiến các nước nghèo càng bị hạn chế tiếp cận nguồn cung vaccine. Tuy nhiên, một tin vui cho các nước nghèo là hãng Pfizer và BioNTech sẽ cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho chương trình bình đẳng vaccine COVAX của WHO. WHO thông báo đã đạt thỏa thuận với hãng Pfizer mua 40 triệu liều vaccine cho chương trình COVAX.
Ông Seth Berkley, giám đốc điều hành Liên minh vaccine Gavi, một đối tác tham gia chương trình COVAX cho biết: “Dựa trên sự tính toán mức ngân sách mà chúng tôi đang có thì COVAX có thể mua 2,3 tỷ liều vaccine trong năm 2021. Số lượng này đủ để bảo vệ 27% dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, vượt mục tiêu mà chúng tôi đề ra ban đầu là chỉ có thể tiêm bảo vệ những người nhóm nguy cơ cao nhất”./.
Trần Nga/vov.vn
https://vov.vn/the-gioi/gan-100-trieu-ca-mac-covid-19-the-gioi-van-loay-hoay-chong-dich-832895.vov