Thế giới theo dõi sát mọi diễn biến chính trị tại Myanmar

Thứ 3, 02.02.2021 | 14:34:46
1,471 lượt xem

Thế giới vẫn đang tiếp tục theo sát mọi diễn biến chính trị tại Myanmar – một ngày sau khi quân đội nước này bắt giữ nhiều quan chức cấp cao chính phủ, nắm quyền điều hành đất nước trong vòng 1 năm với tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Một ngày sau khi bị bắt giữ, đến nay vẫn chưa ai rõ tình trạng của các quan chức cấp cao chính phủ Myanmar ra sao, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint.

Những người ủng hộ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi của Myanmar cầm ảnh bà trong cuộc biểu tình phía trước Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan ngày 1/2. Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi của Myanmar cầm ảnh bà trong cuộc biểu tình phía trước Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan ngày 1/2. Ảnh: Reuters

Người dân Myanmar sau khi tỉnh dậy vẫn còn bàng hoàng khi kênh truyền hình duy nhất còn phát sóng là của quân đội. Theo ghi nhận của Reuters, người dân tại thành phố Yangon lớn nhất Myanmar đã đổ xô ra các chợ, siêu thị để xếp hàng dài mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm dự trữ. Các ngân hàng cũng phải ngừng hoạt động khi người  dân đổ xô đi rút tiền.

Còn những người Myanmar tại nước ngoài cũng đang rất sốt ruột vì tình hình ở trong nước.

“Tôi mới xem tin tức. Tôi đang rất lo lắng vì không thể liên lạc được với người thân tại Myanmar. Tôi thường nói chuyện với họ hàng ngày, nhưng giờ tôi không liên lạc được với họ bằng điện thoại”.

“Tôi luôn theo dõi tình hình của đất nước thời gian qua. Khi biết tin về các vụ bắt giữ, tôi rất sốc và buồn”.

Thế giới 2 ngày nay vẫn liên tục có những phản ứng trước tình hình tại Myanmar. Sau khi Liên Hợp Quốc đưa ra phản ứng, kêu gọi các bên Myanmar giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, hôm nay (2/2), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng sẽ tổ chức 1 cuộc họp để bàn chi tiết về tình hình. Cuộc họp diễn ra sớm hơn 2 ngày so với dự kiến trước đó.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, Barbara Woodward cho biết: “Trong cuộc thảo luận với các thành viên hội đồng, chúng tôi đã đồng ý rằng cuộc họp về những diễn biến mới tại Myanmar sẽ diễn ra vào ngày 2/2. Cuộc họp gần nhất về Myanmar diễn ra vào tháng 9/2020, khi nước này chưa tổ chức bầu cử và xảy ra các vụ bắt giữ mới đây. Chúng tôi muốn giải quyết các mối đe dọa lâu dài về hòa bình và an ninh. Tất nhiên sẽ có sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia láng giềng ASEAN và châu Á của Myanmar”.

Hôm qua (1/2), trong một tuyên bố, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi các bên ở Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải”, cũng như sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của "ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN" nhằm đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN.

Nhiều quốc gia cũng đã có những tuyên bố tương tự như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Các nước cũng kêu gọi quân đội Myanmar thả những quan chức bị bắt giữ. Anh đã triệu tập Đại sứ Myanmar tại nước này lên tham vấn.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một tuyên bố, cảnh báo tái áp đặt trừng phạt nếu quân đội không “đảo ngược” các hành động. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói chung nhằm gây sức ép buộc quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực mà họ chiếm giữ, thả các nhà hoạt động và các quan chức mà họ bắt giữ, đồng thời gỡ bỏ mọi hạn chế viễn thông.

Liên minh châu Âu hiện cũng đã để ngỏ khả năng trừng phạt các Tướng lĩnh quân đội Myanmar. Trong khi đó, ngân hàng thế giới cảnh báo, những diễn biến mới nhất tại Myanmar có thể làm chậm các mục tiêu tăng trưởng, sự phát triển của đất nước.

Theo cập nhật của hãng tin Reuters, hiện các dịch vụ kết nối điện thoại và Internét tại Myanmar đã hoạt động trở lại, các ngân hàng cũng đã mở cửa, song đường phố vắng hơn thường ngày, dưới sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của quân đội./.


Đình Nam/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/the-gioi-theo-doi-sat-moi-dien-bien-chinh-tri-tai-myanmar-834841.vov

  • Từ khóa