Quan hệ Mỹ-Ấn: Đòn bẩy chiến lược khắc chế Trung Quốc

Thứ 6, 26.02.2021 | 08:24:07
890 lượt xem

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra ngày càng gay gắt, Ấn Độ có khả năng giúp Mỹ có thêm điểm tựa để vượt qua đối thủ.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden phải kế thừa thách thức lớn từ chính phủ tiền nhiệm, đó là sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống. Nhiều đồng minh, thậm chí còn tìm cách giảm dần phụ thuộc vào Mỹ. Thế nhưng Washington lại tìm thấy cơ hội khác ở Nam Á, nơi một mối liên kết mạnh mẽ đang hình thành và phát triển.

Quân đội Mỹ và Ấn Độ trao đổi trong cuộc tập trận chung ở Rajasthan. Ảnh: Twitter/US Embassy India.

Quân đội Mỹ và Ấn Độ trao đổi trong cuộc tập trận chung ở Rajasthan. Ảnh: Twitter/US Embassy India.

Là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu, Ấn Độ đã và đang dần từ bỏ truyền thống theo đuổi quan điểm trung lập từ thời Chiến tranh Lạnh và hợp tác nhiều hơn với Mỹ. Tuy vậy, chặng đường phía trước trong quan hệ Mỹ-Ấn vẫn còn nhiều chông gai. Hơn nữa, việc tận dụng tối đa mối quan hệ này đòi hỏi Mỹ phải giảm bớt kỳ vọng của mình.

Đòn bẩy chiến lược đối phó Trung Quốc

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách ở Washington lại quan tâm đến khả năng hợp tác chiến lược với New Dehli. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra ngày càng gay gắt, Ấn Độ có khả năng giúp Mỹ có thêm điểm tựa để vượt qua đối thủ. Khung chiến lược của Mỹ về Ấn Độ-Thái Bình Dương được tiết lộ thời gian gần đây cho thấy, trong chính sách an ninh quốc gia Mỹ, ít nhất là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Ấn Độ được coi là đối tác để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Khi cục diện thế giới thay đổi nhanh chóng và đặt ra nhiều thách thức mới, cả Mỹ và Ấn Độ đã tìm thấy những điểm tương đồng để phát huy quan hệ đối tác chiến lược và hướng tới sự đồng thuận vì lợi ích chung của cả hai bên cũng như lợi ích riêng của mỗi nước.

Ấn Độ là quốc gia đi đầu trong việc chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và ở Ấn Độ Dương. New Dehli cũng là một trong 4 trụ cột của “Bộ Tứ kim cương” – một liên minh không chính thức gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ - tạo thế gọng kìm gây sức ép với Bắc Kinh và cam kết ngăn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành nơi phục vụ cho tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.

Ấn Độ đã lên tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại Trung Quốc, từ chối tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trước khi các quốc gia khác manh nha ý tưởng tách rời Trung Quốc về mặt kinh tế, Ấn Độ đã thúc đẩy một trật tự tại Ấn Độ Dương-thái Bình Dương không bị Bắc Kinh chi phối.

Quan trọng hơn, tầm nhìn của chính quyền Thủ tướng Modi về một thế giới đa cực, đặc biệt là một châu Á đa cực phù hợp với chiến lược của Mỹ tìm cách xây dựng một liên minh trong khu vực. Các cuộc xung đột tại khu vực biên giới cùng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã khiến New Dehli trở thành ứng viên hàng đầu trong con mắt Mỹ.

Về mặt kinh tế, Ấn Độ có dân số hơn 1,4 tỷ người với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Trong 5 năm qua, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã tiến hành cải cách luật đất đai, lao động, mở cửa nền kinh tế với thị trường toàn cầu. Những cải cách này đã khiến Ấn Độ trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Mỹ. Chưa kể năng lực đổi mới và thị trường rộng lớn của Ấn Độ sẽ khiến nước này trở thành một thành viên quan trọng của bất cứ “liên minh công nghệ” nào nhằm tìm cách định hình lĩnh vực lĩnh vực internet và các ngành công nghiêp trong tương lai.   

Triển vọng hình thành liên minh Mỹ-Ấn

Đối với Ấn Độ, sự hợp tác với Washington ngày càng được chú trọng khi mà những mối đe dọa từ Bắc Kinh trở nên nghiêm trọng hơn. Thủ tướng Narendra Modi từng kỳ vọng vào một kỷ nguyên mới trong quan hệ với Trung Quốc, song những mâu thuẫn cơ bản về địa chính trị và ảnh hưởng lan rộng của Bắc Kinh đang đặt hai “gã khổng lồ châu Á” vào thế đối đầu.

Căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới, đặc biệt là cuộc đụng độ khiến 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng vào tháng 6/2020, và ý đồ của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng dọc biên giới phía tây nước này, đã đào thêm hố sâu ngăn cách giữa hai nước. Các dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc thực hiện ở Sri Lanka, Pakistan cùng nhiều quốc gia khác gây ra mối lo ngại rằng Bắc Kinh đang cố bao vây Ấn Độ cả ở trên biển lẫn trên đất liền.

Khi cường quốc bên cạnh ngày càng trở nên cứng rắn hơn, thì sự ủng hộ của cường quốc ở xa lại càng trở nên có giá trị. Trong một phát biểu năm 2016, Thủ tướng Modi khẳng định rằng: “Trong hành trình tiến lên phía trước của Ấn Độ, tôi coi Mỹ là một đối tác không thể thiếu”.

Đây là một tin tốt đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa tại Washington đã tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn kể từ cuối những năm 1990 và xu hướng này tiếp tục kéo dài đến thời điểm hiện tại. Chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt với Ấn Độ. Hợp tác quốc phòng và các hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai nước cũng gia tăng dưới thời các cựu tổng thống Barack Obama và Donald Trump.

Mối quan hệ này đã được củng cố mạnh mẽ hơn sau vụ đụng độ giữa các binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6/2020. Song song với việc cấm hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, Thủ tướng Modi đã nhất trí nâng cao tầm nhìn của “Bộ Tứ” và mở rộng các cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steve Biegun thậm chí còn hy vọng “Bộ Tứ” có thể phát triển thành một liên minh đa phương rộng lớn hơn, giống như “NATO ở châu Á”.

Hình ảnh đoàn xe quân sự của Ấn Độ đang vận chuyển vật tư tại biên giới Trung Quốc và Ấn Độ hôm 2/9/2020. (Yawar Nazir / Getty Images)

Hình ảnh đoàn xe quân sự của Ấn Độ đang vận chuyển vật tư tại biên giới Trung Quốc và Ấn Độ hôm 2/9/2020. (Yawar Nazir / Getty Images)

Những thách thức tiềm ẩn

Tuy vậy giới phân tích cho rằng, điều này sẽ không xảy ra bởi Ấn Độ cần phải duy trì một mối quan hệ bình ổn với Trung Quốc, một phần vì Bắc Kinh có ưu thế hơn so với New Dehli về mặt quân sự tại khu vực biên giới. Hơn nữa, chính phủ của Thủ tướng Modi muốn xây dựng các mối quan hệ theo trục tam giác bất đối xứng. Ấn Độ tiến gần Mỹ hơn Trung Quốc nhưng nước này không muốn gây xung đột với Bắc Kinh hoặc quá phụ thuộc vào Mỹ. Vì thế, việc thúc đẩy hình thành một liên minh chính thức hoặc buộc Ấn Độ phải chọn bên sẽ có nguy cơ làm rạn nứt thay vì củng cố mối quan hệ.

Ngoài ra còn một số rào cản khác. Ấn Độ mua rất nhiều khí tài quân sự của Nga – quốc gia được coi là đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ. Thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 có thể khiến Ấn Độ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, Mỹ cần phải giảm bớt kỳ vọng và khôn khéo hơn trong chiến lược thu hút Ấn Độ. Washington cần tăng cường hợp tác New Delhi trong việc chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung, phân phối vaccine ngừa Covid-19 thay vì thúc đẩy quan hệ này trở thành một liên minh quân sự chính thức. Bên cạnh đó, Mỹ nên liên kết với Ấn Độ qua một loạt các cơ chế hợp tác nhằm đối phó với thách thức nhiều chiều từ Trung Quốc, chẳng hạn như liên minh công nghệ T-12, "Bộ Tứ Kim cương" và tìm hiểu cách thức giúp Ấn Độ giảm căng thẳng tại khu vực biên giới với Trung Quốc.

Quan hệ đối tác ngày càng bền chặt hơn giữa Mỹ và Ấn Độ có thể mang lại cho Washington đòn bẩy chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Chấp nhận những giới hạn của mối quan hệ này có thể là cách tốt nhất để khai thác tiềm năng của nó./.


Hồng Anh/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/quan-he-my-an-don-bay-chien-luoc-khac-che-trung-quoc-839445.vov

  • Từ khóa