Chính quyền Myanmar bị nghi khai quật lại mộ của cô gái 19 tuổi được xem là biểu tượng của phong trào biểu tình phản đối đảo chính.
Găng tay phẫu thuật xuất hiện trên mộ của Kyal Sin ở Mandalay. (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn lời nhân chứng và truyền thông địa phương cho biết, dưới sự hỗ trợ của cảnh sát và binh sĩ, các nhà chức trách Myanmar đã đào lại mộ của Kyal Sin, hay còn được gọi là Angel, ở thành phố Mandalay.
Một nhân chứng nói rằng thi thể của Kyal Sin, 19 tuổi, đã bị đưa đi hôm 5/3, sau đó được khám nghiệm và đưa trở lại mộ ở vị trí cũ.
Theo những hình ảnh do một người dân từng đến thăm mộ của Kyal hôm 6/3 cung cấp cho Reuters, vết xi măng xung quanh mộ vẫn chưa khô, trong khi găng tay, ủng, áo choàng phẫu thuật bị bỏ lại gần mộ. Vết máu cũng xuất hiện gần đó.
Một nhân chứng sống gần nơi chôn cất Kyal cho biết, anh đã nhìn thấy một nhóm gồm ít nhất 30 người, đi cùng 4 xe ô tô, 2 xe tải cảnh sát và 2 xe tải quân đội, đến khai quật mộ của Kyal vào tối 5/3.
"Họ mở quan tài, đưa thi thể lên và đặt trên một chiếc ghế dài. Họ đặt một viên gạch dưới đầu thi thể. Những người có vẻ là bác sĩ mặc đồ bảo hộ đã làm gì đó với thi thể, tôi nghĩ họ đã chạm vào phần đầu. Họ lấy một mảnh nhỏ từ thi thể và truyền cho nhau xem", nhân chứng kể lại.
Một số vật dụng được tìm thấy ở gần mộ của Kyal Sin. (Ảnh: Reuters)
Reuters cho biết hiện chưa thể xác nhận những thông tin do nhân chứng cung cấp và cũng chưa liên lạc được với gia đình Kyal Sin. Phía quân đội Myanmar cũng chưa có phản hồi về thông tin này.
Hai nguồn tin nói với Reuters rằng, họ được người dân địa phương cảnh báo không đi vào nghĩa trang hôm 5/3 vì cảnh sát và quân đội đang ở bên trong khai quật mộ của Kyal Sin.
Kyal được xem là biểu tượng của phong trào biểu tình phản đối đảo chính tại Myanmar với chiếc áo in dòng chữ "Mọi chuyện sẽ ổn". Hình ảnh chụp thi thể Kyal Sin cho thấy phần đầu của cô bị thương đẫm máu.
Kyal Sin (góc trái) mặc áo in dòng chữ "Mọi chuyện sẽ ổn" khi tham gia biểu tình ở Mandalay hôm 3/3. (Ảnh: Reuters)
Global New Light Of Myanmar, tờ báo do chính quyền Myanmar quản lý, ngày 5/3 cho biết các chuyên gia đã phân tích bức ảnh của Kyal Sin và kết luận thương tích trên đầu của cô không hẳn do vũ khí chống bạo động gây ra.
"Nếu vết thương này gây ra bởi vũ khí chống bạo động hoặc đạn thật, phần đầu của người thiệt mạng không thể còn nguyên vẹn như vậy", báo Myanmar khẳng định.
Tờ báo cho biết các nhà chức trách vẫn đang điều tra cái chết của Kyal Sin và sẽ công bố thêm thông tin vào thời điểm thích hợp.
Truyền thông nhà nước Myanmar vẫn đặt nghi vấn về thông tin cho rằng Kyal Sin bị lực lượng an ninh bắn chết khi nổ súng giải tán đám đông.
Các bức ảnh chụp Kyal trong những giây phút cuối cùng cho thấy cô nằm dưới lòng đường và quan sát tình hình, trong khi những người biểu tình bắt đầu tản ra những nơi khác. Cảnh sát sau đó đã bắn đạn thật và Kyal có thể là một trong những người bị trúng đạn.
Kyal Sin là một trong ít nhất 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm 3/3. Đây cũng là ngày biểu tình đẫm máu nhất kể từ khi đảo chính xảy ra ở Myanmar hồi đầu tháng 2.
Liên Hợp Quốc ước tính hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar. Quân đội cho biết đã hạn chế sử dụng vũ lực, song không cho phép người biểu tình đe dọa sự ổn định.
Thành Đạt/Dantri.com.vn