Đề xuất giáo dục hệ 10 năm của Trung Quốc nhận phản ứng tích cực

Chủ nhật, 07.03.2021 | 13:49:46
1,496 lượt xem

Đề xuất thực hiện giáo dục phổ thông hệ 10 năm của đại biểu Quốc hội Trung Quốc gần đây đã nhận được phản ứng tích cực từ dư luận nước này.

Một lớp tiểu học kiểu mẫu tại thành phố Trùng Khánh. 

Đề xuất phân tích, nhìn từ quy định độ tuổi vào tiểu học của Trung Quốc, nếu học sinh sinh từ 1-9 đến cuối năm, sẽ phải chờ đến năm sau khi gần 7 tuổi mới được nhận vào lớp 1. Trung Quốc thực hiện chế độ giáo dục 5 năm tiểu học, 4 năm phổ thông cơ sở và 3 năm trung học. Thông thường, một học sinh Trung Quốc tốt nghiệp phổ thông sẽ vào độ tuổi 19, tốt nghiệp đại học vào năm 23 tuổi, và sẽ ra trường vào độ tuổi 26, 27 hoặc hơn nữa nếu tiếp tục theo đuổi bậc học cao học. Với áp lực tìm việc ngày căng gia tăng tại khu vực thành thị, một sinh viên sẽ rời ghế nhà trường để đi làm vào độ tuổi gần 30, và nghỉ hưu vào năm 55 tuổi nếu là nữ giới. Thời gian học tập quá dài sẽ làm giảm thời gian lao động, tăng chi phí giáo dục, gánh nặng gia đình lớn, độ tuổi kết hôn muộn, tỷ lệ già hóa dân số cao.

Đề xuất cho biết, giảm 2 năm học phổ thông sẽ giúp sinh viên có việc làm trước 2 năm, phù hợp với độ tuổi “vàng” 20 tuổi, giúp người lao động có nhiều thời gian hơn để tạo dựng sự nghiệp, gây dựng gia đình. Theo đề xuất, hệ 10 năm của tiểu học, phổ thông cơ sở và trung học sẽ có tỷ lệ 5-3-2; hệ trung cấp học hai năm với hai đợt chiêu sinh vào tháng 3 và tháng 9.

Đề xuất nhận định, Trung Quốc thực hiện Luật giáo dục nghĩa vụ (hệ 9 năm) kể từ năm 1986. Gần đây nhất, Trung Quốc đưa ra yêu cầu mức phổ cập giáo dục nghĩa vụ phải đạt 95%. Tuy nhiên, trình độ của hệ 9 năm chỉ đạt mức phổ thông cơ sở, so với yêu cầu lao động có trình độ cao của xã hội có khoảng cách lớn. Do vậy, hệ giáo dục 10 năm sẽ bảo đảm tối ưu hóa cơ cấu tri thức dân số, giảm tải áp lực già hóa dân số, tỷ lệ sinh đẻ thấp, phúc lợi xã hội cao, kéo dài thời gian nghỉ hưu…

Đề xuất trên nhận được hưởng ứng tích cực từ dư luận xã hội. Tuy nhiên, thay đổi một hệ thống đã vận hành ổn định và có nhiều thành tựu không thể một sớm một chiều, việc cần thiết đến từ sự điều chỉnh phù hợp với thời đại mới. Hiện tại, thực tế cho thấy lao động khu vực thành thị Trung Quốc đang đứng trước áp lực nặng nề về yêu cầu độ tuổi. Rất nhiều doanh nghiệp thẳng thừng treo biển không tuyển dụng lao động hoặc sa thải nhân viên trên 35 tuổi. Nhiều sinh viên ra trường lựa chọn quay trở lại giảng đường vì không tìm được việc làm phù hợp. Do đó, đẩy mạnh phát triển dịch vụ giáo dục, gia tăng việc làm khu vực thành thị hiện là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.


Visa/Nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/de-xuat-giao-duc-he-10-nam-cua-trung-quoc-nhan-phan-ung-tich-cuc-637665/

  • Từ khóa