Tròn 30 năm trước, ngày 17-3-1991, Liên Xô tổ chức bỏ phiếu toàn dân về việc duy trì nhà nước Xô viết. Nhưng ít ai biết rằng cuộc trưng cầu dân ý này đã quyết định vận mệnh của Liên Xô, dẫn đến sự sụp đổ của một cường quốc trong lịch sử thế giới hiện đại.
Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 17-3-1991. Ảnh tư liệu: ТАSS |
Thông qua tuyên bố chủ quyền
Ngày 17-3-1991, tại Liên Xô đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và tạo lập chức vụ Tổng thống Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (nay là Liên bang Nga).
Trong hai năm 1988-1990, toàn bộ 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã thông qua tuyên bố chủ quyền. Ban lãnh đạo của các nước cộng hòa nỗ lực kiểm soát các ngành kinh tế mũi nhọn địa phương, luôn từ chối nộp phần khấu trừ thuế vào ngân sách toàn liên bang. Trong khi đó, đa số các nước cộng hòa còn duy trì cơ chế thành viên mang tính hình thức trong thành phần Liên Xô. Mùa xuân năm 1990, tuyên bố độc lập và rút khỏi thành phần nhà nước liên bang có Litva (ngày 11-3), Latvia (ngày 4-5) và Estonia (ngày 8-5).
Trước tình thế đó, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đề xuất ký kết thỏa thuận liên bang mới, trong đó quyền của các nước cộng hòa sẽ được mở rộng căn bản (dự thảo Thỏa thuận được báo chí đăng tải ngày 25-11). Để tranh thủ sự ủng hộ, Gorbachev kiến nghị lên Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô, mà theo Hiến pháp, đây là cơ quan nhà nước cao nhất của Liên Xô. Phát biểu tại phiên Đại hội ngày 17-12-1990, Mikhail Gorbachev đề xuất “tổ chức trưng cầu dân ý trên toàn quốc, để mỗi người dân bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối Liên minh các quốc gia có chủ quyền trên cơ sở liên bang”.
Ngày 24-12-1990, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ IV, bằng cách biểu quyết ký danh, đã thông qua Nghị quyết về việc duy trì Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) như một liên bang đổi mới gồm các nước cộng hòa có chủ quyền bình đẳng với 1697 phiếu thuận, 30 phiếu chống trong tổng số 1865 đại biểu tham dự.
Chính quyền Armenia, Gruzia, Latvia, Litva, Moldavia và Estonia đã từ chối tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, một số nước cộng hòa tự trị trong thành phần các quốc gia này vẫn tổ chức trưng cầu dân ý. Đặc biệt, ủng hộ việc duy trì Liên Xô có đa số áp đảo người dân Pridnestrov và Gagauzia, cũng như người dân Abkhazia và Nam Ossetia.
Ngoài ra, một số địa phương ở các nước vùng Ban-tích và Moldavia đã tổ chức bỏ phiếu quy mô lớn. Kết quả, theo số liệu công bố của Ủy ban bầu cử Trung ương Liên Xô, cuộc trưng cầu dân ý tại Latvia có 436 nghìn người tham gia (dân số nước này theo kết quả điều tra năm 1989 là 2.680.000 người), tại Litva là 501 nghìn người tham gia (trong tổng số 3.690.000 dân), tại Moldavia là 701 nghìn người tham gia (trong tổng số 4.338.000 dân), còn tại Estonia là 222 nghìn người tham gia (trong tổng số 1.573.000 dân).
Lúc đó, danh sách công dân Liên Xô có quyền tham gia bỏ phiếu gồm 185.647.355 người, trong đó có 148.574.606 người đã tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý (chiếm 80%). Ủng hộ việc duy trì Liên Xô có 113.512.812 cử tri (chiếm 76,4%), trong khi bỏ phiếu chống là 32.303.977 cử tri (chiếm 21,7%). Có tới 2.757.817 phiếu được công nhận là không hợp lệ (chiếm 1,9%).
Trong số những nước cộng hòa thuộc Liên Xô, số người ủng hộ duy trì nhà nước Xô viết ở Turkmenistan là nhiều nhất (97,9% phiếu ủng hộ), trong khi ít nhất là ở Ukraine (70,2% phiếu). Còn tại Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga lúc đó có 71,3% cử tri ủng hộ duy trì nhà nước Xô viết.
Cũng trong ngày 17-3-1991, tổ chức song song với cuộc trưng cầu dân ý toàn Liên Xô còn có việc bỏ phiếu về vấn đề “Theo bạn, CÓ hay KHÔNG nên tạo lập chức vụ Tổng thống Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga, do toàn dân bỏ phiếu bầu chọn ra?”. Tổng cộng danh sách có 101.776.550 cử tri, trong đó tham gia trưng cầu dân ý có 76.425.110 người (chiếm 75,09%). Ủng hộ việc tạo lập chức vụ Tổng thống nước cộng hòa này có 53.385.275 cử tri (chiếm 69,85%), trong khi 21.406.152 cử tri bỏ phiếu chống (chiếm 28,01%). Có tới 1.633.683 phiếu được công nhận là không hợp lệ.
Ngày 24-4-1991, Hội đồng Tối cao Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga đã phê chuẩn kết quả trưng cầu dân ý và thông qua Luật Tổng thống Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga và Luật bầu cử Tổng thống Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga. Ngày 24-5-1991, Hiến pháp năm 1978 còn hiệu lực khi đó đã được sửa đổi.
Cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của nước Nga diễn ra ngày 12-6-1991. Ông Boris Eltsin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này với 57,38% số phiếu ủng hộ.
Nên duy trì, nhưng vẫn sụp đổ
Nhân dịp 30 năm ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên bang Xô viết (17-3-1991/17-3-2021), mới đây trên trang dp.ru của Nga đăng bài viết của tác giả Andrey Tanner với nhan đề “30 năm cuộc trưng cầu dân ý năm 1991: Nên duy trì, không nên làm sụp đổ”.
Tác giả bài báo viết, trong cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) 30 năm trước, phần thắng đã nghiêng về những người ủng hộ Nhà nước liên bang thống nhất. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, Liên Xô đã sụp đổ. Cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Xô viết đã kết thúc thắng lợi cho những người tổ chức sự kiện này, nó hoàn toàn không có tác dụng gì. Vậy chuyện này đã diễn ra như thế nào? Tại sao chính quyền khi đó không dùng kết quả cuộc trưng cầu để tiếp tục duy trì Nhà nước liên bang? Bởi vì, khi đó không có kiểu biểu tình như Maidan, không Internet, không có các công cụ như “cách mạng cam” nhằm lật đổ chế độ như ngày nay.
Ngày 17-3-1991, trên phiếu trưng cầu dân ý ghi câu hỏi là: “Theo bạn, Có hay Không nên duy trì Liên Xô như một liên bang đổi mới gồm những nước cộng hòa có chủ quyền bình đẳng, được đảm bảo đầy đủ quyền và tự do của con người thuộc mọi dân tộc?”.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 17-3-1991 ở Liên Xô. Ảnh tư liệu: TASS |
Có hai phương án trả lời là “Có” hoặc "Không". Trong số 185,6 triệu công dân được quyền đi bỏ phiếu, có 148,5 triệu người đã tham gia trưng cầu. 113,5 triệu cử tri (76,43%) bỏ phiếu tán thành, tức là ủng hộ tiếp tục duy trì Nhà nước Xô viết. Đến nay, kết quả cuộc trưng cầu dân ý này dường như vẫn là kết quả duy nhất có thể. Làm sao có thể khác đi được, bởi đằng sau kết quả này là cả một bộ máy quan liêu, khi đó chỉ có hai kênh truyền hình trung ương phục vụ gần như toàn bộ người dân trong nước, rồi tất cả các tờ báo hàng đầu khác?
Đã không thể làm được vậy, nếu không có sự gian manh trong việc diễn đạt câu hỏi trưng cầu dân ý. Bởi lẽ, Liên Xô lúc đó được nhiều người liên tưởng không chỉ đến sự hùng mạnh của một cường quốc, mà còn đến sự tập quyền cao độ. Сòn vấn đề chủ quyền thì được quan niệm đó là độc lập và tự do. Trên thực tế, việc ngừng lại lúc này là không thể.
Vậy khi đó người ta cần cuộc trưng cầu dân ý này để làm gì và tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy? Sự kiện này đã được quyết định tổ chức sau khi diễn ra cái gọi là “thông qua tuyên bố chủ quyền”. Từ tháng 11-1988 đến tháng 12-1990, quốc hội tất cả 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô đều đã thông qua tuyên bố chủ quyền của mình. Lúc này, Liên bang Nga cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vì vậy, có thể hiểu rằng, Liên bang Xô viết về cơ bản là không thể cứu vãn được nữa. Cuộc trưng cầu dân ý phải được hợp thức hóa bằng một cách thức khác nào đó, hoặc đơn giản chỉ tìm cách kéo dài thời gian. Trong trường hợp buộc phải quyết định, thì đây là cái cớ để lấy ý kiến nhân dân nhằm thanh minh cho việc làm của mình.
Các nước cộng hòa vùng Ban-tích, cũng như Armenia, Gruzia và Azerbaidjan đã từ chối tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này. Trên lãnh thổ những nước này, việc bỏ phiếu chỉ diễn ra tại các đơn vị quân đội, doanh nghiệp hoặc ở những nơi có đa số người Nga sinh sống. Các ủy ban bầu cử khu vực và địa phương chỉ được lập ra tại 9 nước cộng hòa. Tuy nhiên, tại đó trưng cầu dân ý diễn ra với câu hỏi chính đã được điều chỉnh (như tại Kazakhstan thì nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền), hoặc thêm những câu hỏi bổ sung.
Chẳng hạn như tại Nga, trên lá phiếu trưng cầu dân ý có thêm câu hỏi về việc áp dụng chức vụ Tổng thống của nước Cộng hòa XHCN Liên bang Xô viết Nga. Vậy nước Nga có chức vụ Tổng thống để làm gì, nếu như không chuẩn bị tách ra khỏi thành phần Liên Xô?
Một sự giả tạo
Người Mátxcơva còn trả lời bổ sung câu hỏi về việc tổ chức bầu trực tiếp chức thị trưởng Thủ đô. Có nghĩa là, họ cũng muốn tự quyết định bộ máy chính quyền của mình. Tại Ukraine, trên lá phiếu có câu hỏi thứ hai: “Bạn có đồng ý việc Ukraine nằm trong thành phần Liên bang các quốc gia Xô viết có chủ quyền trên cơ sở Tuyên bố chủ quyền quốc gia Ukraine không?” Và kết quả cho câu hỏi thứ hai lại cao hơn câu thứ nhất (là câu hỏi chung cho toàn liên bang).
Tháng 12-1990, Hội đồng Tối cao Liên Xô đã tán thành dự thảo Thỏa thuận liên bang Xô viết mới thay thế bản có hiệu lực từ năm 1922 do Mikhail Gorbachev đề xuất. Ngày 15-8-1991 trên báo “Sự thật” đăng bản hiệu đính cuối cùng của Thỏa thuận về Liên bang các quốc gia có chủ quyền. Bản hiệu đính này nói rõ: “Các quốc gia hợp thành Liên bang có đầy đủ toàn quyền chính trị, tự quyết định bộ máy nhà nước của mình, hệ thống cơ quan chính quyền và cơ quan quản lý”.
Hóa ra, cuộc trưng cầu dân ý ngay từ đầu đã là một sự giả tạo. Tương lai của Liên bang Xô viết đã được phán định trước. Cuộc trưng cầu được tổ chức không phải vì người dân muốn tự do và dân chủ, mà là để quản lý bằng một cách khác. Giới tinh hoa Liên Xô đã nhận thấy khả năng có thể nhận các nguồn lực về làm tài sản cá nhân (những đồng tiền hợp pháp) và thừa kế lại toàn bộ của cải đó. Lúc này không ai có thể ngăn cản được việc này. Ngay cả giới tinh hoa cấp vùng (cấp các nước cộng hòa), vốn đã nhận về mình toàn bộ cả quốc gia khi Liên Xô tan rã, cũng sẵn sàng làm việc này.
Ngày nay, khi đề cập đến việc Liên Xô sụp đổ, có người thì nói đến sự phản bội, người thì nói đến sự ngu dốt, còn có người thì hoài niệm về một thời. Đương kim Tổng thống Nga từng gọi sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX.
Tuy nhiên, vẫn còn một kết luận mà hiện chưa được lưu ý đến nhiều. Kết luận này đề cập đến quan hệ giữa giới tinh hoa và xã hội; nó càng tầm thường bao nhiêu, thì lại càng cho thấy sự trơ tráo bấy nhiêu. Bất kỳ sự cải tổ xã hội, kinh tế hay chính trị nào, trong đó có cải cách hay cách mạng, đều được giới tinh hoa tiến hành (hoặc sử dụng) vì lợi ích của chính họ, mà chẳng hề vì lợi ích của ai khác.
QUỐC KHÁNH/QDND.VN