Tương tự kết luận của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 17-3 khẳng định, tại thời điểm hiện tại, WHO nhận thấy các lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn các nguy cơ và khuyến cáo tiếp tục tiêm chủng loại vaccine này
Dược sĩ tại London, Anh, đang chuẩn bị mũi tiêm vaccine của AstraZeneca. (Ảnh: AP)
Tuyên bố của WHO cho biết, một số quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã tạm dừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa sau khi ghi nhận một số trường hợp bị rối loạn đông máu hiếm gặp trong những người được tiêm loại vaccine này. Một số nước EU khác đã quyết định tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng của mình.
"Việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ không làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong do các nguyên nhân khác. Hiện tượng đông máu được cho là thường xuyên xảy ra. Tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông là bệnh tim mạch phổ biến thứ ba trên toàn cầu. Trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, các nước thường thông báo những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm chủng. Việc này không nhất thiết phải có liên quan đến tiêm chủng, nhưng nghiên cứu những trường hợp này cũng là một việc tốt", WHO nêu rõ.
WHO nhấn mạnh, tổ chức này vẫn thường xuyên liên lạc với EMA và các cơ quan trên thế giới để theo dõi thông tin mới nhất về tính an toàn của vaccine. Tiểu ban của Ủy ban Cố vấn toàn cầu về an toàn vaccine của WHO đang thận trọng đánh giá dữ liệu mới nhất về tính an toàn của vaccine AstraZeneca. Khi tiểu ban hoàn tất bản đánh giá, WHO sẽ lập tức thông tin các phát hiện cho công chúng.
* Nhằm giúp khôi phục hoạt động tự do di chuyển trong khối cho những công dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19, ngày 17-3, EU công bố kế hoạch cấp chứng nhận số về an toàn đi lại.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết, người được cấp chứng nhận số này là người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc có kết quả âm tính gần đây, hay khỏi bệnh Covid-19 và do vậy cơ thể họ đã có kháng thể chống Covid-19. Bà nêu rõ: "Với chứng nhận số này, chúng tôi đặt mục tiêu giúp các nước thành viên khôi phục tự do đi lại theo cách an toàn, tin cậy và có trách nhiệm".
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên EU do lo ngại gây ra phân biệt đối xử với những người vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Trong khi đó, người phát ngôn EC Eric Mamer cho rằng, đây không gọi là hộ chiếu vaccine mà gọi là giấy chứng nhận số xanh, nghĩa là tài liệu mô tả tình trạng sức khỏe của các cá nhân có chứng nhận này.
* Từ ngày 18-3, Iceland sẽ mở cửa biên giới cho toàn bộ du khách đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mà không cần phải trải qua xét nghiệm hoặc cách ly bắt buộc. Động thái này của Iceland nhằm thu hút thêm khách du lịch để giúp phục hồi nền kinh tế vốn chịu tác động của dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Iceland cho biết những người đã được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 sẽ được phép tới nước này mà không phải trải qua xét nghiệm và cách ly. Như vậy, quốc gia nằm ở Bắc Đại Tây Dương này sẽ là một trong những nước đầu tiên mở cửa biên giới kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tuyên bố nêu rõ, từ ngày 18-3, biện pháp này sẽ áp dụng cho các công dân ngoài khu vực Schengen, trong đó có cả Vương quốc Anh và Mỹ. Cho đến nay, Iceland chỉ cho những du khách đến từ các nước EU đã tiêm phòng Covid-19, nhập cảnh mà không phải trải qua bất kỳ biện pháp hạn chế nào.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 18-3 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 121.800.403 ca mắc, 2.691.725 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 30.293.035 ca mắc, 550.575 ca tử vong
2. Brazil: 11.700.431 ca mắc, 285.136 ca tử vong
3. Ấn Độ: 11.473.946 ca mắc, 159.249 ca tử vong
4. Nga: 4.418.436 ca mắc, 93.364 ca tử vong
5. Anh: 4.274.579 ca mắc, 125.831 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.437.283 ca mắc, 38.915 ca tử vong
2. Philippines: 635.698 ca mắc, 12.866 ca tử vong
3. Malaysia: 327.253 ca mắc, 1.220 ca tử vong
4. Myanmar: 142.190 ca mắc, 3.203 ca tử vong
5. Singapore: 60.137 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 27.402 ca mắc, 88 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.567 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 1.505 ca mắc, 01 ca tử vong
9. Brunei: 202 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 36.779.236 ca mắc, 866.467 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 34.810.537 ca mắc, 795.824 ca tử vong
3. Châu Á: 26.477.663 ca mắc, 412.670 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 19.584.191 ca mắc, 506.760 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.095.099 ca mắc, 108.885 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 52.956 ca mắc, 1.104 ca tử vong
Theo nhandan.com.vn